Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Khát ở vùng sông nước

 Thời sự Xã hội

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 30/03/2014 08:05

Khát ở vùng sông nước

T.THÁI - L.DÂN - K.NAM

TT - Nhiều địa phương ở các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp do tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn.

Ngày 29-3-2014, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau cho biết độ mặn các sông trên địa bàn tỉnh đã tăng cao hơn 1-3‰ so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể, tại điểm TP Cà Mau độ mặn đo được từ 25-27‰, điểm Sông Đốc từ 29-31‰. Dự báo độ mặn trên sông còn tiếp tục tăng vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp ở vùng ngọt hóa thuộc các huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Ông Phạm Văn Sóng, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện U Minh, cho hay hiện nay hầu hết các sông lớn như Cái Tàu, Biện Nhị đều đã bị xâm nhập mặn và lấn sâu vào nội đồng. Hiện nước dưới sông không thể phục vụ mục đích tưới tiêu nông nghiệp. Còn tại huyện Thới Bình, nhiều người dân các xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc đã lợi dụng nước sông bị xâm nhập mặn đưa vào đồng ruộng để nuôi tôm gây ảnh hưởng đến quy hoạch vùng ngọt hóa của tỉnh.

Tại Hậu Giang, sau một thời gian nồng độ mặn tại TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ giảm, thì từ giữa tháng 3-2014 đến nay độ mặn đã tăng cao trở lại. Ông Lê Văn Đời, phó giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết có khoảng 10.000ha chủ yếu là diện tích trồng lúa tại TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ bị ảnh hưởng.

Nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ có hàng chục ngàn hecta lúa rơi vào tình trạng thiếu nước tưới cục bộ. Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết khoảng một tháng nữa sẽ có hơn 40 tuyến kênh cấp 2, cấp 3 ở các xã Hòa An, Hòa Mỹ, Tân Long, Phương Bình... thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng khoảng 9.700ha lúa.

Cùng ngày, ông Lương Quốc Bình - chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, Kiên Giang - cho biết tình trạng thiếu nước sạch đang diễn ra ở 3/4 xã của huyện là Nam Du, An Sơn và Lại Sơn. Theo ông Bình, cả huyện chỉ có xã Hòn Tre - nơi đặt trung tâm hành chính - là đủ nước ngọt cầm cự chờ tới mùa mưa. Còn các xã khác thì người dân tự kéo ống dẫn nước từ suối về. Hết nước suối thì phải chở nước ngọt từ đất liền ra. “Nhà nước không tổ chức tàu chở nước ngọt từ đất liền ra đảo cho dân được. Thay vào đó huyện hỗ trợ tiền dầu để dân tự chở nước ngọt ra xài” - ông Bình nói.

Theo ông Trần Thanh Hùng - chuyên viên văn phòng UBND xã Lại Sơn, năm nay dù mới vào đầu mùa khô nhưng địa phương này đã lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt khá gay gắt. Người dân đang phải trả tiền kéo nước trong các hang hốc, suối ngầm về sử dụng. Mỗi giờ kéo nước phải trả 10.000 đồng, chỉ thu được lượng nước hơn 100 lít.

Nguy cơ thiếu nước ở khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên

Ngày 29-3-2014 tại TP Tam Kỳ, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị sơ kết chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; kế hoạch sản xuất vụ hè thu khu vực sáu tỉnh thành duyên hải Nam Trung bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) và năm tỉnh Tây nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng).

Một trong những vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm đó là tình trạng khô hạn hiện nay đã gây nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp trong việc triển khai sản xuất vụ hè thu. Theo Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, mực nước phần lớn các hồ thủy điện miền Trung, Tây nguyên hiện nay thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-4m. Diện tích cây trồng vụ đông xuân bị thiếu nước và hạn hán toàn vùng lên đến 12.221ha.

Riêng với tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, vài năm trở lại đây việc chống hạn đã trở thành nỗi lo thường trực. Cụ thể khi các hồ thủy điện (trực tiếp là Đăk Mi 4) bắt đầu tích nước thì các nhánh sông thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn của Quảng Nam và TP Đà Nẵng đều bị nhiễm mặn sớm. Quảng Nam hiện có khoảng 1.500ha nguy cơ thiếu nước, trong khi Đà Nẵng không chỉ ngành nông nghiệp mà cả 1,3 triệu dân TP này cũng đang lo thiếu nước sinh hoạt.

VÕ TRƯỜNG

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Quay cuồng với trải nghiệm, dự án, thuyết trình

 Giáo dục

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web natf đăng ngày 27/03/2024 10:07

Quay cuồng với trải nghiệm, dự án, thuyết trình

Những tưởng chương trình phổ thông 2018 đem đến cho học sinh sự giảm tải nhưng chương trình với nhiều môn học ngày càng khiến học sinh quay cuồng trong việc làm bài tập, làm dự án, thuyết trình…

Học sinh một trường THCS tại TP.HCM làm rất nhiều sản phẩm như mô hình, poster, áo thun… trong dự án về văn hóa Đông Nam Á - Ảnh: MỸ DUNG

Học sinh một trường THCS tại TP.HCM làm rất nhiều sản phẩm như mô hình, poster, áo thun… trong dự án về văn hóa Đông Nam Á - Ảnh: MỸ DUNG

21h thứ sáu ngày 22-3-24, Thanh Hải, một học sinh lớp 8 tại TP.HCM, vừa bước ra khỏi một trung tâm học thêm toán lên xe để ba chở về. Vừa buồn ngủ, vừa mệt mỏi, Hải gục đầu vào vai ba và không quên nói với ba: "Con ngủ xíu, về đến nhà con còn lên group làm việc nhóm với các bạn".

Làm sản phẩm, dự án tới 1h sáng

Những hình ảnh học đến kín lịch và mệt mỏi như Hải ở TP.HCM, đô thị lớn bậc nhất Việt Nam, là chuyện thường ngày và nhất là từ khi chương trình phổ thông mới 2018 bắt đầu triển khai ở bậc THCS. Nhiều học sinh ca thán các em phải thực hiện cả núi bài tập các loại khi về nhà sau hai buổi học "căng" ở trường.

Hải kể mỗi tuần em chỉ học thêm một buổi toán vào tối thứ sáu, vì em thấy học toán ở trường vẫn không khiến em tăng kiến thức và khả năng giải toán. Còn lại những ngày trong tuần em chủ yếu học và làm bài tập trên lớp nhưng vẫn không đủ thời gian.

Trường THCS công lập nơi Hải theo học bắt đầu điểm danh lúc 7h15 và em sẽ học, ăn, ngủ, chơi tại trường đến khoảng 4h30 mỗi ngày, tùy vào ngày nhiều tiết hay ít tiết học. Sau đó em sẽ về nhà.

Tuy nhiên, lượng bài tập về nhà rất nhiều và dưới nhiều hình thức nên em thường phải vật lộn có khi đến 1h sáng mới xong bài tập.

"Hai tuần qua mấy môn tích hợp liên môn, thầy cô giáo đều cho bài trải nghiệm, đều bắt phải làm sản phẩm. Mấy sản phẩm này thầy cô yêu cầu làm trong hai tuần nhưng do nhiều môn học cộng với bài tập và bài thi giấy vẫn phải hoàn thành nên đến thứ bảy tụi em vẫn chưa xong, cả nhóm bắt đầu cãi nhau loạn xạ" - Hải nói.

Hải cho biết giờ học nhóm của em chiếm gần hết thời gian ít ỏi ở nhà, khiến em phải cuống cuồng nếu không muốn qua ngày hôm sau mới đi ngủ. Hải ví dụ sản phẩm của các em là làm một video về tác dụng của một chất hóa học. Nhưng khi phân công thì đùn đẩy nhau, khi một người đứng ra "gánh team" thì các bạn cùng nhóm lại chê… khiến tiến độ làm bài rất chậm.

Mặc dù đã thực hiện sản phẩm như vậy nhưng các bài tập khác học sinh vẫn phải hoàn thành. "Có hôm 10h30 đêm em và các bạn vẫn ngồi trên máy tính để trao đổi về mấy sản phẩm mà cô giao nhưng các bài toán, văn… giao trên online em vẫn chưa hoàn thành. Hôm đó em làm xong cũng 1h sáng rồi. Sáng hôm sau ba mẹ đánh thức không dậy nổi" - Hải kể.

Đối với những học sinh lớp 9 (năm nay đang theo chương trình cũ 2006), nhưng với xu thế chung, giáo viên cũng giao rất nhiều yêu cầu về thực hiện sản phẩm trải nghiệm, dự án, thuyết trình… khiến không ít học sinh mỗi ngày chỉ ngủ được 4-5 giờ.

Giải pháp cân bằng cho học sinh

Một giáo viên tại TP.HCM cho biết nội dung giáo dục cấp THCS bao gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục công dân; lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; công nghệ; tin học; giáo dục thể chất; nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương) và 2 môn học tự chọn (tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2).

"Nói là 12 môn học nhưng các môn liên môn vẫn là 3 môn lý - hóa - sinh; lịch sử và địa lý, như vậy học sinh học đến 15, 16 môn học và điều đáng nói là các em phải oằn mình ra để làm các sản phẩm trải nghiệm, có khi môn chồng môn, khiến các em không còn thời gian để vui chơi, để hoạt động thể chất" - cô giáo này cho biết.

Tương tự, một thầy giáo THCS nhận xét: "Chương trình đòi hỏi việc thuyết trình, dự án, trải nghiệm chồng chất, dồn dập. Học sinh mà làm dự án thấy tội luôn, chạy deadline như người lớn. Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng phụ huynh đi ngủ thì đi ngủ chứ trẻ con không dám đi ngủ. Tội nghiệp tụi nhỏ quá".

Tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM, để cân bằng cho học sinh theo học chương trình mới, ban giám hiệu nhà trường đưa ra những yêu cầu về việc thực hiện dự án, thuyết trình, trải nghiệm… đối với giáo viên. 

"Thứ nhất, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên kết hợp liên môn với nhau để học sinh giảm tải việc làm các sản phẩm. Ban giám hiệu họp với giáo viên, yêu cầu giáo viên không phải mạnh ai nấy dạy mà phải hướng đến việc kết hợp để giảm tải cho học sinh. Ví dụ, sản phẩm của bài giáo dục công dân có thể kết hợp với sản phẩm của môn công nghệ để kết hợp các kỹ năng, kiến thức bổ trợ cho nhau mà vẫn đạt được kết quả giáo dục.

Thứ hai, trường cũng yêu cầu giáo viên không được trong một học kỳ mà kiểm tra đánh giá bằng sản phẩm hết mà phải chia theo học kỳ, ví dụ môn học này làm sản phẩm ở học kỳ I thì môn học khác kiểm tra đánh giá bằng hình thức khác ở học kỳ I. Ở học kỳ II thì đảo ngược lại.

Thứ ba, trường cũng yêu cầu giáo viên thực hiện các bài sản phẩm này được trên lớp thì tốt nhất và nghĩ đến hướng thực hiện các dự án, sản phẩm… trên lớp để về nhà học sinh có thể làm việc khác" - cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM, nói.

Con cày dự án, mẹ xót mà không biết làm sao

Tuần vừa rồi con phải làm ba bài trải nghiệm dù đang trong giai đoạn thi giữa học kỳ II. Sử thì làm infographic, sinh thì làm dự án - thuyết trình, hóa thì làm sản phẩm… Toán thì bài tập về nhà, bài ôn. Hiện nay, con tôi hầu như không đi tập thể dục thể thao gì mà về nhà học ít nhất cũng đến 12h mới đi ngủ. Tôi thấy rất xót con mà không biết làm sao.

(Chị Nhung, một phụ huynh có con đang học lớp 9 tại TP.HCM)

Ít vận động

Theo số liệu nghiên cứu được thực hiện trên 33 trường học với hơn 12.000 học sinh cân bằng về độ tuổi, giới tính cũng như khu vực sinh sống nội, ngoại thành TP.HCM của ThS.BS Phạm Ngọc Oanh - trưởng khoa dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, sau 10 năm, học sinh thừa cân béo phì tại TP.HCM tăng từ 21,9% (năm 2009) lên 43,7% (năm 2019), cao hơn hai lần so với cả nước.

Nghiên cứu của PGS.TS.BS Tăng Kim Hồng - phó trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho thấy học sinh tiểu học, THCS, THPT tại TP.HCM vận động quá ít. Cụ thể, chỉ có 29,9% học sinh THPT tham gia các lớp học thể dục hằng ngày. Đối với học sinh THCS tại TP.HCM, lớp 6 có 30,7% học sinh không vận động, lớp 7 là 24,4% , lớp 8 là 30,9% và lớp 9 là 34,9% học sinh không vận động.

Diễn đàn "Để không còn khổ vì học": Quá tải do cách dạy hay chương trình?Diễn đàn 'Để không còn khổ vì học': Quá tải do cách dạy hay chương trình?

Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng cách tổ chức dạy học hợp lý có thể giúp học sinh nắm được kiến thức, kỹ năng mà không bị quá tải.

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ cuối: Để tránh đầu tư rủi ro, thất bại hãy luôn đặt câu hỏi

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 26/03/2024 11:25

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ cuối: Để tránh đầu tư rủi ro, thất bại hãy luôn đặt câu hỏi

Tác giả: Yến Trinh

Thực tế cuộc sống biến động có cả rủi ro, cơ hội thành công và làm giàu. Nhưng có một quy luật chung "bạo phát bạo tàn, nhanh có nhanh mất". Để tránh rủi ro ta cần luôn đặt các câu hỏi.

Ông Lý Trường Chiến

Ông Lý Trường Chiến

Trước thực tế đầu tư thất bại, rơi vào vòng xoáy nợ nần trong một thị trường biến động, chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến - chủ tịch TriTri.world - chia sẻ với Tuổi Trẻ về việc trang bị khả năng nhìn nhận, sức đề kháng dành cho những người có vốn nhỏ, đặc biệt là trước những cơ hội không mời mà đến.

Nhanh có, dễ nhanh mất

* Ông nhìn nhận thế nào về việc người thu nhập trung bình, số vốn nhỏ... chi tiền, vay ngân hàng để đầu tư sinh lời trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Họ có thể gặp phải rủi ro gì?

- Bất hạnh của con người là khi nhu cầu vượt quá khả năng và giá trị mình tạo ra. Nên quan trọng nhất là biết cân đối nhu cầu và khả năng từ ngắn đến trung và dài hạn. Trong thế giới biến động ngày càng nhanh, nhiều, nhộn nhịp, nhiễu nhương mà chúng ta đang sống, mỗi cá nhân cần hết sức tỉnh thức.

Một quy luật chung là mọi đầu tư đều có rủi ro. Rủi ro càng cao thì lợi ích càng lớn. Với những chủ dự án đầu tư có nhân cách tốt, trách nhiệm cao, họ sẽ làm rõ nội dung, điều khoản, điều kiện, quyền lợi, trách nhiệm... các thành viên tham gia dự án.

Trường hợp xấu xảy ra, họ sẽ lắng nghe, xác định giải pháp tốt nhất có thể. Họ ưu tiên giải quyết khó khăn cho các thành viên khác và xem xét đến mình sau cùng. Ngược lại hay khác đi, rủi ro sẽ gia tăng từ việc thua lỗ, mất một phần đến toàn phần. Điều này ảnh hưởng đến người góp vốn, đặc biệt khi góp cầu may mà không hiểu biết tường tận dự án, chủ dự án và các thành viên khác...

* Tâm lý con người thường muốn làm giàu và làm giàu nhanh. Làm thế nào để tỉnh táo trước những lời mời gọi đầu tư hấp dẫn như chơi tiền ảo, mua bất động sản ở nơi sốt đất, thưa ông?

- Thực tế cuộc sống biến động có cả rủi ro, cơ hội thành công và làm giàu. Nhưng có một quy luật chung "bạo phát bạo tàn, nhanh có nhanh mất". Để tránh rủi ro ta cần luôn đặt các câu hỏi:

. Việc này có hợp pháp không? Nếu không hợp pháp nhất định không tham gia.

. Nếu hợp pháp, tiếp tục với các câu hỏi: Nếu mất hết số tiền này ta sẽ như thế nào? Sống ra sao? Sẽ làm gì? Trong bao lâu? Những người thân yêu trong gia đình sẽ sống thế nào?

. Ta biết gì về lĩnh vực này để giảm thiểu rủi ro, gia tăng cơ hội? Ta cần học hỏi, bổ sung kiến thức, năng lực, quan hệ, hiểu biết gì? Như thế nào? Ở đâu? Trong bao lâu?...

Tất cả nhằm đảm bảo mức độ hiểu biết và năng lực tối thiểu, có thể tự tin trước khi dấn thân lĩnh vực, ngành nghề mới lạ. Ta học cùng thời gian, từ thực tế của mình và của người khác để đi tiếp, dừng lại hay chuyển hướng, quay đầu.

Tìm lời khuyên và sự hỗ trợ

* Thực tế khi không thể vay ngân hàng vì nhiều lý do, phải vay mượn tín dụng đen, nhiều người  vỡ nợ, liên lụy người thân, để lại nhiều hệ lụy. Ông có lời cảnh báo nào trong những trường hợp này...

- Không nên dấn thân vào các lĩnh vực mình không biết, không tự tin trả lời được các câu hỏi đã nêu ở phần trên bài viết vì rủi ro sẽ rất cao.

Còn trong cuộc sống, khi cần nguồn tiền đột xuất chi trả như người thân bị tai nạn hay bệnh hiểm nghèo, chúng ta nên tìm đến các tổ chức, hội đoàn, bệnh viện, quỹ tình thương... trình bày hoàn cảnh để tìm nguồn và giải pháp hỗ trợ tài chính, phi tài chính... phù hợp để vượt qua. Sau đó, ta có thể hoàn trả bằng những hình thức phù hợp.

* Khi lỡ đầu tư thất bại hoặc vướng vòng xoáy nợ nần, theo ông làm cách nào để thoát ra mà hậu quả thấp nhất có thể?

- Tâm lý chung khi thất bại hay vướng nợ nần, người trong cuộc thường e ngại chia sẻ cùng người thân. Đôi khi họ có uẩn khúc không thể giãi bày hoặc người thân không có giải pháp. Bên cạnh việc nhờ người thân giúp đỡ, ta có thể nghĩ đến những mối quan hệ tin cậy và hiểu biết để có lời khuyên và sự hỗ trợ.

Chúng ta cũng có thể tìm đến các cơ quan, hội đoàn, tổ chức tại địa phương, các nhóm xã hội để có sự trợ giúp và thêm thông tin, tìm ra giải pháp tốt hơn. Điều này đòi hỏi các cơ quan hội đoàn cần được đánh thức vai trò tác động tích cực cho xã hội, nhất là qua các phương tiện truyền thông.

* Theo dự báo của ông, tương lai gần những lĩnh vực nào nếu đầu tư sẽ khả quan và an toàn?

- Từ góc độ quan sát cá nhân, các lĩnh vực có cơ hội có thể là:

- Sản xuất chế biến lương thực thực phẩm an toàn. Đặc biệt là các giải pháp tự cung tự tiêu quy mô nhỏ cho gia đình.

- Giải pháp và dịch vụ y tế, vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.

- Giải pháp và thiết bị công nghệ có khả năng ứng dụng ngay để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành và đa năng, lưỡng dụng.

- Các lĩnh vực ngành nghề có thể sớm tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới đang hình thành và phát triển, sau và trong biến động rộng lớn sâu sắc bởi dịch bệnh, chiến tranh và chính trị xã hội phạm vi khu vực và toàn cầu.

Không nóng vội mở rộng sản xuất bằng cách vay nợ

Một trong những khía cạnh quan trọng của việc đầu tư kinh doanh là nguồn vốn. Theo anh Vũ Trần Vĩnh Thụy, giám đốc đầu tư Công ty tài chính Việt Long, việc kinh doanh sẽ trải qua từng giai đoạn, giai đoạn đầu (chúng ta hay gọi là khởi nghiệp) thì nguồn vốn từ cá nhân, gia đình và bạn bè.

Khi hoạt động kinh doanh bắt đầu phát triển, có sản phẩm và doanh thu, việc huy động vốn sẽ đến từ nhà đầu tư. Khi công ty phát triển cần mở rộng quy mô, có thể tính đến phương án vay vốn ngân hàng.

Anh Vũ Trần Vĩnh Thụy

Anh Vũ Trần Vĩnh Thụy

Việc vay vốn cần thận trọng vì nguồn vốn vay là nợ. Chủ doanh nghiệp và công ty có trách nhiệm trả khoản nợ vay này trong mọi điều kiện hoạt động của công ty. Nếu công ty không trả được sẽ bị phát mãi tài sản và dẫn đến phá sản.

Do đó, việc vay vợ phải căn cứ vào tình hình kinh doanh. Từ đó, chủ doanh nghiệp có kế hoạch sử dụng nợ hợp lý để tài trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỉ lệ chung là tỉ lệ vay nợ không nên quá 100% vốn tự có của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, tự dòng tiền, tự hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đủ để tài trợ vốn lưu động và cho hoạt động tái đầu tư. Nói cách khác, việc nóng vội đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh bằng vay nợ trong điều kiện thuận lợi mà không tính toán đến những thay đổi bất lợi về nền kinh tế vĩ mô, lãi suất, thị trường, pháp lý... sẽ có thể đẩy doanh nghiệp vào tình huống khó khăn. Mà ở đây lỗi chính là do chủ doanh nghiệp đã vội vàng trong quá trình ra quyết định.

Theo anh Vĩnh Thụy, người đầu tư kinh doanh cần có tầm nhìn dài hạn về việc kinh doanh, nhưng phải thật linh hoạt trong quá trình kinh doanh hằng ngày. "Tầm nhìn dài hạn giúp doanh nghiệp vững vàng trong hoạt động hằng ngày, không bị chệch hướng kinh doanh, đầu tư dài trải... Còn sự linh hoạt trong ngắn hạn giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định dựa vào tình hình thị trường thực tế", anh cho biết.

Để cập nhật kiến thức, thông tin thị trường một cách hiệu quả, người trong cuộc nên nghiên cứu các doanh nghiệp đã thành công trong ngành nghề của mình và doanh nghiệp nói chung để có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Hiện có rất nhiều đầu sách viết về các doanh nghiệp thành công. Bên cạnh đó, chúng ta có thể cập nhật từ các kênh báo chí và mạng xã hội để nắm bắt xu thế chung, công nghệ mới...

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 5: Quyết tâm thoát vòng xoáy nợ nầnGượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 5: Quyết tâm thoát vòng xoáy nợ nần

Sau vỡ nợ - chuyện nợ nần như bản án xử chậm, nhiều người kiên trì vượt qua sóng gió, chấp nhận cảnh đắp đổi qua ngày, làm những nghề trái tay vất vả và cuộc sống không còn sĩ diện như hồi trên đà "vinh quang".

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 5: Quyết tâm thoát vòng xoáy nợ nần

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 25/03/2024 13:10

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 5: Quyết tâm thoát vòng xoáy nợ nần

YẾN TRINH
và Bích Tiên 

Sau vỡ nợ - chuyện nợ nần như bản án xử chậm, nhiều người kiên trì vượt qua sóng gió, chấp nhận cảnh đắp đổi qua ngày, làm những nghề trái tay vất vả và cuộc sống không còn sĩ diện như hồi trên đà "vinh quang".

Giờ đây anh Phạm Văn Bảy xoay đủ nghề kiếm tiền trả nợ ngân hàng - Ảnh: YẾN TRINH

Giờ đây anh Phạm Văn Bảy xoay đủ nghề kiếm tiền trả nợ ngân hàng - Ảnh: YẾN TRINH

Ông chủ lớn quay về làm rẫy

Mở công ty riêng và đại lý dinh dưỡng ở quê nhà Đức Trọng (Lâm Đồng), ông Trần Minh Chánh (60 tuổi) có nhà cửa ở vị trí đắc địa của thành phố. Đùng cái, ông giao hết cho vợ. "Đóng thuyền lớn phải ra khơi mà bơi", ông nói về quyết định táo bạo hơn 10 năm trước.

Một mình xuống TP.HCM, ông mở công ty dữ liệu và ăn nên làm ra. Rồi nghề bão hòa, ông nhảy ra kinh doanh khách sạn. Ông kể: "Sẵn vốn, tôi thuê khách sạn cũ hoặc nhà phố rồi thay đổi công năng kinh doanh. Marketing tốt cộng thêm mát tay, chuỗi khách sạn đem về nguồn thu khủng".

Thừa thắng, ông quyết chơi lớn, gom tiền mua luôn khách sạn mình đang thuê. Thiếu tiền, ông bán bớt đất đai ở quê và vay, dùng đòn bẩy ngân hàng theo kiểu "lấy mỡ nó rán nó". Có thời điểm ông nắm trong tay trên dưới chục khách sạn ở các quận trung tâm.

Đang ngon trớn, dịch COVID-19 ập đến khiến hệ thống khách sạn ông dường như tê liệt, sau đó đóng cửa. "Thời gian này với tôi là ác mộng. Đêm ngủ không quá hai tiếng.

Lúc nào cũng đau đáu làm sao có tiền đóng lãi ngân hàng, lãi vay nóng... Lấy đầu này đắp đầu kia, ráng gồng một thời gian đành buông xuôi, vỡ nợ", ông ngán ngẩm.

Ông rao bán toàn bộ khách sạn khi thị trường đã đóng băng. Lần lượt các khoản vay "lên sàn" nợ xấu, buộc thanh lý. Mới đây, một ngân hàng ra thông báo khoản nợ xấu với số tiền khá lớn, buộc chuyển hồ sơ khởi kiện thu hồi nợ. Một số ngân hàng khác tiến hành tương tự.

"Cái dở của tôi là quá tham đầu tư. Nếu ngày trước tôi đừng chăm chăm tập trung một ngành thì đâu đến nỗi", ông cay đắng nói về bài học xương máu. Người đàn ông tóc đã muối tiêu khoanh các khoản nợ và chờ ngân hàng thanh lý tài sản. "Còn được nhiêu hay bấy nhiêu. Làm lại từ đầu thôi", ông nói.

May cho ông là vẫn còn đất quê hương để trở về. Thời gian đầu ông phụ vợ củng cố công ty. Ngoài ra ông làm đủ thứ việc, miễn sao có thu nhập: mở vựa thu mua trái cây, bỏ mối gạo, chạy xe dịch vụ... Mấy lô đất để không, lâu nay ông cho thuê hoặc trồng rau củ bán.

Lấy ngắn nuôi dài, bỏ mộng làm giàu nhanh

Còn rẫy vườn bỏ hoang bấy lâu, ông đầu tư trang trại. Vay người thân thêm khoản tiền, ông thuê nhân công cải tạo đất trồng cây mắc ca, một phần diện tích trồng hoa màu lấy ngắn nuôi dài.

Chuyển sắc mặt tươi tỉnh, ông nói vườn mắc ca trên 2 năm tuổi giờ xanh mướt, trĩu quả. "Trải qua dông bão, tôi nghiệm ra sản xuất là hướng đi bền vững.

Dự tính đến cuối năm lứa cây trồng đầu tiên sẽ cho thu hoạch. Nếu đầu ra và giá cả tốt như hiện nay thì đủ trang trải tiền nhân công, đầu tư ban đầu. Hy vọng vài năm sau sẽ có lãi", ông nở nụ cười.

Chỉ vào cửa hàng rèm cửa - chăn gối nệm bên kia đường khi hẹn nói chuyện với chúng tôi tại quán cà phê đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TP.HCM), anh Hoàng Xuân Minh (43 tuổi) kể:

"Từ đận đó, tôi không còn dám làm ăn lớn nữa. Sợ lắm rồi! Cái mặt bằng này nhỏ thôi, tôi thuê từ đầu năm 2022 giá 8 triệu đồng một tháng. Hai năm rồi mà họ chỉ tăng lên 8,5 triệu thôi, tại họ cũng thấy làm ăn khó khăn mà".

Vợ chồng anh từng có thời gian xài tiền không tiếc, có những buổi tối đi các cửa hàng gom tiền về... mệt quá không còn sức đếm.

Tiền cứ thảy đại vào két sắt rồi đi ngủ để ngày mai chị lại lo nhập hàng, tính sổ sách, anh gặp đối tác, ăn nhậu với bạn hàng...

Đó là những năm đầu thập niên 2010, kinh tế đang lên, "buôn bán ham lắm, tiền vô ào ào luôn". Trong 5 năm họ sở hữu bốn cửa hàng ở bốn quận, mua được hai căn nhà.

Nhưng tới 2018, doanh thu các cửa hàng sụt giảm dần, cả năm không dư đồng nào. Đó là thời điểm việc mua quần áo trên mạng rầm rộ, chẳng mấy ai còn chịu ra cửa hàng lựa đồ. Hàng tồn nhiều mà lương nhân công, tiền nhà lại tăng.

Đến năm 2020, anh phải bán bớt một căn nhà để bù đắp cho khoản lỗ 3 năm trời, bởi mỗi tháng lỗ cả 100 triệu đồng. "Nếu lúc đó tôi nhanh tay trả bớt mặt bằng thì đâu có bị nặng như vậy", giọng anh tiếc rẻ.

Anh buộc phải trả mặt bằng, giải nghệ với công việc đã gắn bó hơn 10 năm trời, cho mình cũng nhiều mà cuối cùng lấy đi tất cả. Căn nhà còn lại anh cũng phải cầm cố ngân hàng để lo chi phí và lấy vốn làm ăn tiếp.

Hiện tại anh trông coi cửa hàng rèm cửa này, vợ ở nhà nấu ăn rồi bán online. Người đàn ông ngoài tứ tuần nhưng mặt nhiều nếp nhăn, tóc nhiều sợi bạc nhả khói thuốc rồi nói:

"Hai vợ chồng cũng ráng cày để mỗi tháng trả hơn 10 triệu cho ngân hàng, rồi lo cho hai đứa con ăn học. Thực sự cũng chật vật lắm nhưng như mình còn có cơ hội làm lại là may rồi đó, chứ nhiều người te tua lắm, nợ nần chồng chất, có người phải trốn đi luôn".

Sốt đất giúp nhiều người giàu nhanh, nhưng cũng không ít người sa lầy nợ nần - Ảnh: MẠNH DŨNG

Sốt đất giúp nhiều người giàu nhanh, nhưng cũng không ít người sa lầy nợ nần - Ảnh: MẠNH DŨNG

Không muốn có "phốt" nợ xấu với ngân hàng

Gặp chúng tôi khi đang đau đầu vì nợ dí, anh Phạm Văn Bảy (38 tuổi, ngụ đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp) chìa tin nhắn ngân hàng nhắc nợ.

Trong đó, một khoản vay hơn 1,7 tỉ quá hạn trả gốc lãi ba ngày, một khoản hơn 2 tỉ còn một tuần nữa tới hạn.

"Một năm nay, tháng nào tôi cũng gồng mình xoay hơn 50 triệu đồng trả ngân hàng, chưa kể tiền mượn người quen. Tôi làm đủ nghề và mượn tới mượn lui để trả nợ. Tôi chỉ ước trả dứt được một bên ngân hàng để nhẹ gánh bớt", anh thở dài.

Từ anh chàng đi xe hơi, xài tiền hào phóng, anh giờ tiết kiệm từng chút. Bất động sản chết đứng, vốn đổ vào của anh mấy năm trước cũng te tua, giờ ngoài công việc chính, anh còn xoay ra bắt mối giao nước uống tinh khiết, chạy xe hợp đồng, nhận làm thủ tục giấy tờ hộ...

Gương mặt hốc hác, anh bộc bạch: "Những lúc quá chán nản, tôi nghĩ hay là bỏ hết, để ngân hàng khoanh nợ xấu rồi ra sao thì ra. Nhưng như vậy ảnh hưởng việc làm ăn sau này, nên ráng được tháng nào hay tháng đó".

Gia đình anh ngoài quê thế chấp căn nhà nhỏ được 300 triệu đồng cho anh xoay xở. Rẫy trồng keo anh mua đã lâu, nay anh bán lứa keo được hơn 100 triệu đồng và đang tìm người để bán luôn đất. Anh không muốn có "phốt" nợ xấu với ngân hàng để sau này có làm ăn lại sẽ rất khó tìm đòn bẩy tài chính từ dòng tiền này.

Tỉnh táo nghĩ cách

Quay cuồng nợ nần, nhưng đã rút kinh nghiệm và có những người bạn cho vay một ít không tính lãi, anh Phạm Văn Bảy nói rằng đầu óc cần tỉnh táo để nghĩ cách và thực hiện cách vượt qua.

"Chuyện đã xảy ra rồi, tôi không tiếc nuối nữa mà lao vào kiếm tiền trả nợ. Tôi tin rồi đây sẽ bán được miếng đất, trở lại cuộc sống nhẹ nhàng. Ai có đầu tư thì đầu tư vừa vừa, tìm hiểu kỹ rồi hẵng làm", anh nhắn nhủ.

Cũng từ đó, khi có người quen có ý định mua bất động sản, anh đều tư vấn tận tình để họ quyết định đúng đắn. Anh nói mình trót vội vàng, không muốn người khác gặp cảnh như mình.

--------------------------

Trước thực tế đầu tư thất bại, rơi vào vòng xoáy nợ nần trong một thị trường biến động, các chuyên gia kinh tế chia sẻ về việc trang bị khả năng nhìn nhận, sức đề kháng dành cho những người có vốn nhỏ, đặc biệt là trước những cơ hội không mời mà đến.

Kỳ tới:Để tránh đầu tư rủi ro cần luôn đặt câu hỏi

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 4: Túng quẫn và vòng xoáy tín dụng đenGượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 4: Túng quẫn và vòng xoáy tín dụng đen

Góp sức vào những chuyến phiêu lưu đầu tư, vào vòng xoáy nợ nần là những bàn tay tín dụng đen. Những người trót sa vào vay nóng, trong đó có cả những công nhân lẫn người từng có khả năng kinh tế giờ oằn mình trả nợ và rút bài học đau thương nhớ đời.

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 4: Túng quẫn và vòng xoáy tín dụng đen

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 24/03/2024 08:08

Gượng dậy sau vỡ nợ - Kỳ 4: Túng quẫn và vòng xoáy tín dụng đen

YẾN TRINH
và Bích Tiên 

Góp sức vào những chuyến phiêu lưu đầu tư, vào vòng xoáy nợ nần là những bàn tay tín dụng đen. Những người trót sa vào vay nóng, trong đó có cả những công nhân lẫn người từng có khả năng kinh tế giờ oằn mình trả nợ và rút bài học đau thương nhớ đời.

Cảnh giác trước lời mời gọi vay nóng giăng bẫy khắp nơi - Ảnh: Y.T.

Cảnh giác trước lời mời gọi vay nóng giăng bẫy khắp nơi - Ảnh: Y.T.

Ba đầu sáu tay không trả xuể

Bảy năm trước, ba mẹ lớn tuổi giao lại cho anh Đỗ Văn Tùng cửa hàng nội thất ở quận 12 cùng xưởng gỗ nhỏ tại Hóc Môn. Thời gian đầu có ba kèm cặp, việc quản lý công việc không mấy khó khăn. "Khi tôi quen việc, ba nghỉ hẳn và giao toàn bộ cho tôi", anh nhớ lại.

Những năm sau kinh tế khó khăn hơn, buôn bán ế ẩm, lại chưa nhiều kinh nghiệm nên cửa hàng liên tục thua lỗ. Anh bộc bạch: "Do tính tự cao, muốn chứng tỏ với gia đình nên tôi không báo sự việc lại với ba mẹ mà cứ tự xoay xở. Số vốn ba mẹ để lại dần vơi đi, năm 2021 không còn đồng nào".

Tuy nhiên, lúc đó vẫn còn lạc quan như anh chàng Don Quixote, anh tự nhủ tình hình sẽ ổn nên vay mượn gầy dựng lại. Không thể vay ngân hàng do giấy tờ đều do ba đứng tên, anh vay bên ngoài với mức lãi gấp bốn lần ngân hàng.

Anh cất giọng rầu rĩ: "Ban đầu tôi vay 500 triệu đồng, trả lãi mỗi tháng 15 triệu đồng. Sau sáu tháng số tiền đó vẫn không ăn thua gì, tôi liều vay tiếp 1 tỉ đồng. Nhưng lần này lãi cao hơn: một tháng 40 triệu đồng". Anh vay ngon trớn, là vì nhóm cho vay biết anh có cửa hàng lớn và xưởng gỗ nên không phải thế chấp, chỉ cần đồng ý mức lãi cao là chuyển tiền cái rẹt.

Nhưng công việc buôn bán chẳng hề suôn sẻ chút xíu nào, hàng bán chỉ cầm chừng để duy trì cửa hàng, trong khi mỗi tháng cái hố lãi tín dụng đen ngốn của anh 55 triệu đồng.

Không biết điểm dừng, bị đòi quá gắt, lại hết vốn làm ăn, anh tìm mối khác để... vay tiếp. Lần này anh vay 1 tỉ đồng, mỗi tháng trả lãi 50 triệu đồng. "Đó là nhờ bạn hàng giới thiệu nhóm cho vay nên mới có mức lãi đó, chứ không quen biết mà cũng không có gì thế chấp thì lãi còn cao hơn nhiều", anh cay đắng nói.

Bài học khắc nghiệt

Một logic đáng sợ là làm ăn thua lỗ thì tiền vào bao nhiêu mất bấy nhiêu. Chỉ tới đầu năm 2023 là tài khoản anh Tùng không lúc nào có trên 10 triệu đồng. Không còn tiền trả lãi hằng tháng, tiền nợ cứ chồng lên nhau như cơn ác mộng.

Mỗi tháng tiền gốc và lãi cứ tăng từ 3 tỉ rưỡi đến 4 tỉ rồi 4 tỉ rưỡi lúc nào không hay. Cửa hàng thu hẹp dần, hàng bán ra ít, hàng mới không có. Bước đường cùng, tháng 9-2023, anh đóng cửa hẳn.

Lúc này gia đình mới biết sự thật động trời: đứa con trai mình tin tưởng đã phá sản với số nợ gần 5 tỉ đồng. Ba anh tính toán, nếu để như vậy lãi mẹ đẻ lãi con, không đời nào trả nổi. Anh Tùng kể: "Ba lấy giấy tờ nhà đem cầm ngân hàng 5 tỉ đồng, cộng với tiền ba mẹ dưỡng già trả cho dứt nợ tín dụng đen, còn một ít thì mở lại cửa hàng buôn bán". Ba anh sang lại xưởng gỗ Hóc Môn, vừa có thêm tiền kinh doanh vừa dồn sức cho cửa hàng kia.

"Sức mua còn yếu lắm, đồng tiền xoay vòng chậm. Mỗi tháng chạy tiền trả gốc lãi ngân hàng gần 100 triệu đồng. Mới mấy tháng nhà tôi thấy đuối rồi. Ba tôi định rao bán căn nhà đang vừa ở vừa làm cửa hàng", anh ngậm ngùi. Họ dọ giá thử chỉ khoảng 10 - 11 tỉ đồng, hạ 6 - 7 tỉ so với hồi trước. Thời buổi này theo anh bán nhà khó hơn hái sao trên trời, "nhưng không bán không gồng nổi nữa".

Mới ra đời làm ăn bị một cú quá mạng, anh nói đây là bài học đắt giá cho mình cũng như lời cảnh báo cho nhiều người khác khi dính vào tín dụng đen. Rơi vào đó như rơi vào hố bùn, càng vùng vẫy càng lún sâu.

Giấy nợ vay tín dụng đen - bút sa là hết đường thoát - Ảnh: B.T.

Giấy nợ vay tín dụng đen - bút sa là hết đường thoát - Ảnh: B.T.

Xin từng 500.000 đồng để qua cơn khó

Cũng ba năm trước, anh công nhân Phạm Tuấn Tú (ngụ quận Bình Tân) do hùn hạp làm ăn nhỏ nên vay tín dụng đen 40 triệu đồng. Anh không ngờ lãi như nấm lên đầu mùa mưa. Thời điểm đó anh đang là trưởng một bộ phận trong công ty. Không trả đúng hẹn, phía cho vay nóng gọi tới công ty liên tục.

Bức bách, anh nghỉ rồi xin vào công ty khác, mức lương hơn 15 triệu đồng. Anh kể: "Không biết vì lý do gì tín dụng đen biết, gọi đến phá, tôi phải nghỉ", anh nói. Nếu cứ đi làm công ty sẽ không yên, anh xin chỗ khác làm bảo vệ, giữ xe. Điểm đáp cuối của anh là làm công nhân.

Thời gian sau mất việc, anh nhắn tin Zalo cho tất cả người quen, cả người mới gặp một lần kể cảnh khó. Anh nhắn "nếu có thể, anh chị chuyển cho 500.000 đồng, nếu không thì bỏ qua tin nhắn này". Chưa có gia đình, không có ai cùng san sẻ, giờ anh lui về "ở ẩn" và đối với phía cho vay, anh đã "mất tích".

Là tác giả sách Kiến thức - Kinh nghiệm - Kỹ năng trong cho vay và xử lý nợ cùng nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, anh Nguyễn Tấn Lộc nhìn nhận khi đầu tư phải dự báo độ rủi ro. 

Chẳng hạn, nếu ta đầu tư miếng đất phải dự trù tình huống có thể trong hai năm tới giá đất không tăng và thậm chí lỗ. Nhưng thực tế, người đầu tư luôn kỳ vọng giá trị bất động sản tăng, "đó là kỳ vọng cá nhân hóa, vô hình trung sẽ làm bước chân đầu tư bị hụt".

Theo gợi ý của anh, với những người thu nhập trung bình, số vốn nhỏ có thể liên kết đầu tư và xác định lĩnh vực phù hợp. Anh nói: "Trước khi đầu tư phải có hiểu biết về lĩnh vực, nếu không chúng ta phải tìm được người hiểu biết để đầu tư cùng. Một điều quan trọng nữa là phải hiểu rõ năng lực đầu tư, giới hạn được mức độ chịu đựng rủi ro".

Đầu tư bất cứ lĩnh vực gì, mỗi người nên xác định khả năng chịu rủi ro đến mức nào thì ngưng không đầu tư nữa. Một cách đơn giản, ta nên có quan điểm nếu mất số tiền đã đầu tư tới đó thì ngưng, có điểm dừng và sau đó có thể trở lại làm công ăn lương trả từ từ.

"Nhưng thực tế người càng thua lỗ càng muốn gỡ, thậm chí vay tín dụng đen. Điều này làm cho câu chuyện vỡ nợ xảy ra, bởi gồng trả gốc lãi chừng 3 - 6 tháng là sẽ khó gồng tiếp", anh nói. Câu chuyện vay tín dụng đen giữa cá nhân với cá nhân đơn giản, thường khi người vay đã vào ngõ cụt, không thể vay mượn ngân hàng nữa. Nhưng đó là bước trượt dài trong vòng xoáy nợ nần vô cùng khắc nghiệt.

Hạn chế đầu tư lĩnh vực rủi ro cao

Theo anh Nguyễn Tấn Lộc, với những lĩnh vực rủi ro cao như tiền ảo, càng đầu tư càng bị cuốn vào khó dừng lại. Đó là chưa kể tâm lý ức chế muốn gỡ gạc khi thấy mình đã bán đi mà giá của tiền ảo vẫn tăng, nên càng muốn đầu tư tiếp. Đã có bao cảnh bán nhà, vay nợ rồi cuối cùng thất bại. Thị trường vô số loại tiền ảo, nhưng sao ta không đầu tư vào cái thật ngoài đời?

Từ kinh nghiệm bản thân, anh cho biết thay vào đó có thể đầu tư vào cổ phiếu dài hạn. Còn nếu vững kiến thức ở thị trường chứng khoán, có thể đầu tư dạng lướt sóng. Với bất động sản, người đầu tư phải có kiến thức thị trường, xác định vòng đời của bất động sản, tham gia khi bất động sản mới trên đà tăng, đừng đợi tới giai đoạn đỉnh.

"Trước khi đầu tư những thứ rủi ro, người đầu tư nên nghĩ tới trường hợp bản thân không xoay xở nổi, gia đình, người thân phải gồng gánh sau này...", anh chia sẻ.

-------------------------

Nợ nần như bản án xử chậm, khiến con người ta xoay xở bứt rứt đêm ngày như người điên. Nhiều người kiên trì vượt qua sóng gió, chấp nhận cảnh đắp đổi qua ngày, làm những nghề trái tay vất vả và cuộc sống không còn sĩ diện như hồi trên đà "vinh quang".

Kỳ tới: Quyết tâm thoát vòng xoáy nợ nần

Nhóm tín dụng đen móc nối nhân viên ngân hàng cho vay, thu lợi 4,7 tỉNhóm tín dụng đen móc nối nhân viên ngân hàng cho vay, thu lợi 4,7 tỉ

Công an TP.HCM triệt phá nhiều nhóm tín dụng đen cho vay lãi nặng, có nhóm móc nối nhân viên ngân hàng cho vay đáo hạn, thu lợi nhiều tỉ đồng.