Những hòn vọng phu trước biển - Kỳ 1: Chờ chồng đi mãi không về
"Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm", câu ca dao buồn của người vợ ngày xưa có chồng làm nghề trên đầu sóng ngọn gió hiểm nguy. Ngày nay, tàu bè đã tốt hơn cùng phương tiện truyền báo thiên tai nhưng vẫn còn đó những hòn vọng phu trước biển.
Tam Hải là xã đảo tách khỏi phần đất liền thuộc huyện Núi Thành, Quảng Nam. Hầu hết thanh niên ở đây đều theo cha ông treo mình trên đầu sóng ngọn gió biển cả và một số người đã không thể trở về.
Mỏi mòn hy vọng
Chỉ còn một năm nữa là tròn 20 năm từ ngày người chồng cùng bạn nghề nằm lại trên con tàu câu mực định mệnh. 20 năm đủ để một đứa trẻ ra đời rồi bước lên thuyền ra biển cả, nhưng chừng ấy cũng là thời gian nghiệt ngã khiến những người có chồng tử nạn trên biển như bà Bùi Thị Vân (thôn 4, Bình Trung, Tam Hải) từ người vợ trẻ trở thành góa phụ đứng tuổi.
Bà Vân ngồi trong căn nhà cấp 4 được chính quyền cùng bà con góp xây tặng. Rót chén nước mời khách, khuôn mặt bà từ bình thản bỗng chuyển sắc thái đột ngột. Những hàng nước mắt như chực trào ra dẫu đã gần 20 năm, bà kể từ ngày người chồng Huỳnh Châu Kỳ đi biển không về và giờ mỗi lần có ai nhắc đến ông thì bà vẫn khóc.
"Hồi còn sống với nhau, ổng hay nhậu xỉn rồi quậy tui. Nhưng giờ đây tui lại thèm cảm giác đó, khi mất người thân rồi mình mới cảm thấu hết những kỷ niệm buồn thương, mỗi đêm tôi vẫn nhớ và thấy ổng về trong căn nhà này", bà Vân nghẹn giọng.
Ngư dân Huỳnh Châu Kỳ là một trong 21 người trên tàu QNa 1431 ra biển đánh bắt hải sản và gặp gió chướng năm 2004. Cả một xã đảo Tam Hải từng rợp trắng cờ tang và những dòng người khiêng các quan tài chiêu hồn, không có thi thể.
Bà Vân vẫn nhớ như in buổi sáng tiễn chồng ra biển. Ông Kỳ đi bạn trên con tàu của ngư dân Bùi Công Tiến. Với phụ nữ làng biển như bà, tiễn đưa chồng đi biển mỗi chuyến đều trĩu nặng mối lo.
Buổi sáng cuối tháng 3 năm ấy, bà níu áo chồng, xách trên tay bịch mắm cái đưa chồng lên tàu vì bà biết chồng thích ăn mắm. Con tàu nhổ neo, hướng mũi ra ngư trường Hoàng Sa để câu mực. Bà Vân và nhiều người vợ khác không ngờ rằng đó là khoảnh khắc cuối cùng còn được nhìn thấy chồng mình với nụ cười thương yêu.
Một ngày cuối tháng 5, một số ngư dân đi cùng đợt với chuyến ra biển của ông Kỳ hớt hải về báo tin dữ: con tàu của ông Kỳ cùng bạn thuyền gặp gió lớn và chìm dưới đáy biển.
Hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi sau đó đã quần đảo cả nhiều ngày đêm, rọi đèn soi tới đáy biển nhưng thứ họ tìm thấy duy nhất là những chiếc bình gas nổi lềnh bềnh trên mặt nước cùng vài bộ áo quần. Con tàu định mệnh đã chìm dưới đáy biển, 21 ngư dân trên tàu đã nằm lại biển cả, không thể trở về với vợ con mình nữa.
Mãi chờ chồng, đợi con
Thôn 4 Bình Trung nằm ở rìa xã đảo Tam Hải. Ở cuối thôn có một con đường bê tông nhỏ dẫn ra một bến đò để qua một khu dân cư chỉ vài chục hộ nằm lẻ loi trên doi đất. Bến đò này thường bị xói lở, xâm thực vào mỗi mùa sóng móc (sóng khoét thẳng vào đất liền) nên người xưa đặt tên là bến Lở.
Câu chuyện bến Lở bỗng trở nên bi ai, thương cảm và như một biểu tượng về nỗi đau của những người vợ, người mẹ mất chồng, mất con trên biển trong hành trình bám sóng giữ biển khơi.
Chúng tôi đi qua thôn Bình Trung để tìm hỏi những góa phụ đã chịu nỗi đau không gì bù đắp nổi. Con đường bê tông nhỏ dẫn thẳng ra bến Lở thỉnh thoảng lại có từng tốp phụ nữ lớn tuổi, ngồi chống gối, để đôi bàn tay lên bàn chân để chuyện trò. Họ chính là những vọng phu từ gần 20 năm trước. Bà Bùi Thị Vân là một trong số đó.
Bà Trần Thị Tân, 80 tuổi, thôn 4 Bình Trung nói rằng trong 21 người tử nạn trong chuyến tàu của ông Bùi Công Tiến năm 2004 thì riêng thôn Bình Trung có tới 17 người. Có những người mẹ mất cả con lẫn chồng, có gia đình mất đi 2-3 người thân.
Đau xót hơn, có những phụ nữ mất chồng khi vừa qua tuổi đôi mươi, chồng đi biển và mãi không về khi vừa gửi lại giọt máu của mình lớn từng ngày trong bụng dạ người vợ.
Bà Tân đang cười nói bỗng dưng trĩu giọng, những nếp nhăn xô đẩy nhau chụm về khóe mắt rồi nước mắt cứ thế trào ra. Bà bảo rằng con trai út của bà là Đào Duy Long (sinh năm 1989) đã chết trong chuyến tàu định mệnh ấy, Long cũng là một trong hai ngư dân trẻ tuổi nhất trong số 21 người mãi mãi không về.
Gian bàn thờ tại nhà bà Tân cùng người chồng là ông Đào Duy Xuân luôn được giữ ấm từ ngày con trai út mất. Những ngày từ tháng 4 đến tháng 5 hằng năm, vợ chồng già lại lọm khọm sửa soạn trái cây, nhang khói cho con trai rồi mời thầy ra bãi biển làm lễ cầu siêu gọi hồn.
Không riêng bà Tân, những ngày ấy rải rác trên bến Lở cũng có các lễ cúng buồn bã như thế được gia đình người mất tổ chức để vọng về biển cả, mong cho linh hồn người nằm lại dưới đáy biển được siêu thoát, và cũng là để cầu cho những chuyến đi biển được bình an.
Chúng tôi được người dân dẫn tới ngôi nhà cấp 4 nhỏ, nằm trơ trọi và cũ kỹ dưới gốc cây xoài già trên nền đất cát nóng ran. Một người phụ nữ tóc rối bù đang lọm khọm lau dọn gian bàn thờ, sắp dĩa trái cây chuẩn bị cho lễ cúng tháng 4 hằng năm theo thông lệ của người miền biển.
Trên gian bàn thờ có hai di ảnh của hai người đàn ông gồm một già và một trẻ măng. Đó chính là chủ tàu Bùi Công Tiến - chồng bà Lâm và người con trai Bùi Công Pháp. Người con theo cha đi biển với lời hẹn ước cùng cô gái trẻ trong xã, đôi lứa dự tính tích cóp ít tiền rồi làm lễ đính ước. Nhưng Pháp đã theo cha nằm lại đáy biển suốt gần 20 năm qua.
Bà Lâm đau buồn lắm. Nỗi buồn của bà có thể cảm nhận được qua ánh mắt sâu mênh mông. Bà không khóc như những góa phụ mà chúng tôi gặp ở bến Lở, nhưng thứ sợ hơn nước mắt là những tiếng thở dài. Bà không trả lời ngay những lời sẻ chia của người tới thăm mà cứ thở dài thườn thượt trong nỗi buồn đau và bất lực vì không thể làm gì để níu kéo người đã mất.
Người đàn bà đã trở thành hòn vọng phu trước biển này nghèn nghẹn kể vợ chồng vay mượn rồi sắm được con tàu cá để đưa anh em bạn nghề ra biển. Trước chuyến đi, bà cùng chồng đã "cắm" ba sổ đỏ cho ngân hàng để thế chấp.
Ông Tiến cũng chọn tháng 3 hằng năm - thời điểm biển êm nhất trong năm - để đánh bắt nuôi hy vọng tàu về bội thu. Nhưng mọi hy vọng đã tiêu tan khi tàu gặp dông lốc lớn, để lại những người mẹ, người vợ như hóa đá chờ chồng, đợi con trước biển cả.
Kỷ vật của chồng con
Bà Lâm bước chậm vào gian bàn thờ, cầm ra một tấm ảnh chụp con tàu cá mang số hiệu QNa 1431. Đó là tấm ảnh duy nhất về con tàu, được gia đình bà thuê thợ ảnh tới chụp ngày vay ngân hàng để sắm tàu về làm ăn.
20 năm qua, bức ảnh đó đã nằm lặng trên góc bàn thờ nơi đặt di ảnh chồng và cậu con trai chưa kịp lấy vợ, sinh cháu cho bà.
Mỗi mùa giỗ, bà Lâm lại nhấc xuống, nhìn ngắm hồi lâu rồi lại bật khóc. Kỷ vật ấy dẫu đau buồn nhưng cũng giúp những góa phụ như bà nhớ thêm được những ngày tháng ngọt ngào, chạy vạy cùng chồng con để lo cho những chuyến biển như hành trình bám sóng ngàn đời của đời ngư dân.
**************
Người dân ở Tam Hải cho biết khi một người mất trên biển không tìm thấy xác, bà con sẽ ra mũi Bàn Than hốt nắm đất rồi về bết quanh hình nộm người quấn bằng rơm rồi đặt trong quan tài.
>> Kỳ tới: Nắm đất Bàn Than hóa người đi biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét