Các đợt cắt giảm lao động liên tiếp từ cuối năm 2022 đến nay khiến "thủ phủ nhà trọ" của TP.HCM rơi vào cảnh đìu hiu, hàng ngàn lao động tự do cung cấp dịch vụ cho công nhân cũng khó khăn theo.
Trận mưa như trút một buổi chiều cuối tháng 5 phần nào làm nguôi bớt sự oi bức, ngột ngạt. Dọc theo hẻm 58 đường số 5 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), hơn chục tấm biển "còn phòng", "còn phòng dưới đất", "cho thuê phòng trọ" được treo ngay tầm mắt.
Hơn chục dãy trọ trên con hẻm chưa đầy 70m đang có hơn 1/4 phòng trống, một số khu nhà trọ có quá nửa phòng không có người thuê.
Bà Đào Thị Mỳ (chủ một dãy trọ ở hẻm 58) cho biết trong 15 năm kinh doanh phòng trọ, đây là lần đầu dãy trọ của bà có phòng trống. Trước đây, công nhân muốn thuê trọ chỗ bà Mỳ phải đặt cọc giữ phòng, chủ nhà kén khách nên tìm hiểu về tính cách, thái độ, đạo đức, công việc của khách rồi mới cho thuê.
Dãy trọ của bà Trần Thị Thuật (đường số 5, phường Tân Tạo) có 42 phòng, nhưng 10 phòng trống suốt 2 tháng nay, 3 phòng đang chờ quyết định của công ty, 2 phòng khác có công nhân đang thất nghiệp nên xin ở thêm vài hôm nữa, nếu không tìm được việc làm thì sẽ trả phòng.
Mặc dù biết năm nay kinh tế khó khăn, bà Thuật đã chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn sốc trước thực tế khi công nhân lần lượt trả phòng về quê mà người mới tới thuê trọ thì không thấy.
Ở quầy tạp hóa của bà Thuật, các quyển sổ ghi nợ của công nhân ngày một dài hơn. Các khoản nợ không còn là nước ngọt, bia, bánh kẹo, mà ken đặc các khoản mua nợ cơm gạo.
Chị Liên trong căn trọ chật hẹp, ngổn ngang đồ đạc, khi chuẩn bị dọn về sau khi cả hai vợ chồng cùng thất nghiệp - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Tình trạng trống phòng cũng diễn ra ở hầu hết các dãy nhà trọ xung quanh Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân - nơi vốn được xem là "thủ phủ" phòng trọ của TP.HCM. Từ các khu trọ cao cấp tới những phòng trọ cho công nhân, từ phòng trệt cho tới nhà lầu... đều chung tình cảnh "ế".
Quán cà phê Amigo vẫn vắng không một bóng khách vào ngày cuối tuần - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Tiệm cà phê, quán ăn, nhà hàng... từ bình dân đến tầm trung, cao cấp quanh khu vực "thủ phủ" trọ của TP.HCM cũng buồn hiu, vắng vẻ. Từ 11h đến 14h ngày cuối tuần mà quán cà phê Amigo (đường Trần Thanh Mại, quận Bình Tân) chỉ có 4 người khách.
Trà My (nhân viên phục vụ quán) cho biết trước kia luôn thiếu chỗ cho khách ngồi vào những ngày cuối tuần, nhưng thời gian gần đây lượng khách đã giảm hẳn.
Cách đó mấy chục mét, anh Vũ Quang Thắng (40 tuổi, quê Nghệ An) đang bày biện lại tiệm tạp hóa. Anh Thắng trước là công nhân một xưởng in rồi thất nghiệp, mở tiệm tạp hóa ở khu đông công nhân để kiếm thêm thu nhập.
Tình cảnh thất nghiệp diễn ra ở nhiều lĩnh vực - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Từ cuối năm ngoái đến nay, công nhân bị giãn việc, mất việc nhiều nên chi tiêu dè sẻn, tiệm tạp hóa của anh chỉ bán được những mặt hàng thiết yếu như nước tương, mắm, mì gói nhưng cũng ngày càng ít khách.
Ngày nào may mắn thì bán được vài trăm ngàn, có khi cả buổi chỉ bán được chai nước 10.000 đồng, có tháng không đủ tiền thuê mặt bằng.
Để thoát cảnh ế ẩm ăn thâm đồng vốn, anh Thắng định đóng cửa tiệm tạp hóa và nộp đơn xin việc trở lại. Nghe ở đâu có tuyển dụng là anh gửi hồ sơ đến, từ Tân Tạo sang Vĩnh Lộc, về Thủ Đức, rồi tận Long An nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm.
Bà Năm, chuyên bán bánh mì dạo ở khu vực phường An Lạc (quận Bình Tân), nói rằng gần đây, thu nhập của công nhân giảm, người mất việc nhiều khiến những người buôn gánh bán bưng cho công nhân như bà cũng bị ảnh hưởng.
Có người trước đây thường mua một ổ bánh mì thịt hay trứng gà ốp la vào buổi sáng thì nay hai công nhân mua một ổ hay chỉ mua ổ bánh mì không.
Đó là chưa kể nhiều công nhân thất nghiệp, không tìm được việc làm mới nên cũng xoay ra buôn bán hủ tiếu, bánh mì đủ kiểu khiến lượng khách bị chia năm xẻ bảy.
Trước đây, mỗi ngày bà Năm lãi được vài trăm ngàn nhưng nay lãi được 100.000 đồng đã là may mắn.
Mới vài ngày trước, một nhóm công nhân chạy sang mua của bà 6 ổ bánh mì đầy đủ rau thịt, họ nói là để liên hoan chia tay vì mới nhận được thông báo ngưng hợp đồng.
Bà Năm đãi nhóm khách quen lần cuối cùng vì biết về sau khó có cơ hội gặp lại.
Bữa chia tay của Thuật chủ trọ và vợ chồng anh Truyền với vài chai nước trà xanh - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Chị Liên mất việc cách đây 2 năm, nay đến lượt anh Truyền nằm trong danh sách phải chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong khi chỉ còn hơn 2 năm đóng bảo hiểm xã hội nữa là anh Truyền đủ tiêu chuẩn hưởng lương hưu.
Vợ chồng anh Truyền chở nhau đi khắp TP.HCM xin việc mong được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để giữ lương hưu khi về già.
Tuy nhiên, số nơi tuyển công nhân không nhiều, hễ nghe ở đâu có tuyển, anh bỏ cả bữa cơm chạy đến. Ngặt nỗi hai vợ chồng lớn tuổi nên không thể đáp ứng được điều kiện về độ tuổi khi tuyển dụng.
Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định về quê làm nông. "Trước mắt sẽ về ở tạm nhà cậu em, chứ ở quê thì cũng không có nhà cửa gì cả", anh Truyền nói, ngước mặt nhìn lên trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét