Ngoại giao áo dài
"Tôi mặc chiếc áo dài này như đang mang trên mình biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt giữa Hàn Quốc và Việt Nam".
Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon Hee đã chia sẻ như vậy khi khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam và cùng thưởng trà với phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, bà Phan Thị Thanh Tâm ngày 23-6.
Trong quan niệm của người Hàn, màu xanh là màu của sự khởi đầu mới, tuổi trẻ, năng lượng mới và hơn thế nữa. Màu xanh ấy có thể được bắt gặp ở nhiều nơi tại Hàn Quốc với hàm ý tốt đẹp và ngày 23-6 là trên chiếc áo dài của đệ nhất phu nhân Hàn Quốc.
Chiếc áo dài "mang hơi thở vừa hiện đại vừa truyền thống" ấy đã xuất hiện trên khắp các mặt báo và trang mạng xã hội mấy ngày qua.
"Y phục xứng kỳ đức", từ lâu trang phục và màu sắc đã trở thành một phần không thể thiếu của ngoại giao, thể hiện sự quan tâm tinh tế lẫn sự trân trọng các giá trị bản địa.
Chiếc áo dài của phu nhân Tổng thống Yoon Suk Yeol đã cho thấy sự tôn trọng của bà dành cho văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa mà ngày nay không còn xa lạ ở Hàn Quốc. Bởi theo thống kê, hiện ở hai đất nước có hàng trăm ngàn gia đình đa văn hóa Việt - Hàn.
Những gia đình ấy đang tạo nên một nét rất riêng trong quan hệ hợp tác và là nhịp cầu gắn kết tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Có lẽ vì thế mà trong tiệc chiêu đãi nhà lãnh đạo Hàn Quốc tối 23-6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chia sẻ với Tổng thống Yoon Suk Yeol rằng Việt Nam với Hàn Quốc sẽ cùng đi với nhau trên một hành trình mới, bằng tinh thần của người bạn tốt, đối tác tốt và thông gia tốt.
Đáp lại, với sự quan tâm và tìm hiểu không chỉ văn hóa mà còn lịch sử Việt Nam, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã mượn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.
"Cũng như vậy, trong quan hệ hai nước chúng ta, chính người dân là chất xúc tác đã gắn kết hai đất nước chặt chẽ và mở ra một tương lai mới", nhà lãnh đạo Hàn Quốc bày tỏ.
Ngoại giao nhân dân là một phần không thể thiếu trong mối quan hệ của bất kỳ quốc gia nào. Với Việt Nam, ngoại giao áo dài đã trở thành một phần trong các hoạt động đối ngoại chính thức.
Các nữ lãnh đạo của Việt Nam luôn diện áo dài trong các sự kiện quốc tế. Ở chiều ngược lại, áo dài trở thành lựa chọn của nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các nước mỗi khi đến Việt Nam.
Năm 2006, khi Việt Nam lần đầu tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đã cùng mặc áo dài truyền thống của Việt Nam cho bức ảnh chụp chung.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Tredene Dobson, khi trình quốc thư năm 2021 cũng đã chọn chiếc áo dài với các biểu tượng của văn hóa Việt Nam và New Zealand cùng tấm áo choàng của người Maori để thể hiện sự trân trọng các giá trị hai nước.
Hay gần đây hơn, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, Đệ nhất phu nhân Sierra Leone Fatima Maada Bio đã mặc áo dài truyền thống Việt Nam. Chiếc áo màu xanh, nổi bật với họa tiết trống đồng Đông Sơn, cây tre và chim hạc, đã ghi điểm trong mắt nhiều người và chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa.
Những ví dụ trên cho thấy áo dài ngày càng được thế giới biết đến và ngoại giao áo dài của Việt Nam ngày càng thành công.
Với chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol, hình ảnh phu nhân Phan Thị Thanh Tâm và phu nhân Kim Keon Hee thưởng trà và trò chuyện về những việc thường nhật khiến nhiều người cảm nhận được sự gần gũi đời thường.
Đó không chỉ là cuộc gặp giữa phu nhân của những người đứng đầu quốc gia, mà là cuộc trò chuyện thân tình như giữa hai người bạn trong trang phục áo dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét