Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Ông lão 'kéo làng nghề' đi... 10 vòng Trái đất

 Thời sự Phóng sự

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 27/03/2023 09:41

Kỳ 4: Ông lão 'kéo làng nghề' đi... 10 vòng Trái đất

Mỗi năm, ông lão 86 tuổi ở Trà Vinh vẫn đi bộ hơn chục ngàn cây số, kéo theo chiếc xe chất đầy sản phẩm làng nghề đi khắp xóm làng miền Tây.

Ông lão 86 tuổi vẫn bền bỉ mỗi ngày “kéo làng nghề” đi hàng chục km - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Ông lão 86 tuổi vẫn bền bỉ mỗi ngày “kéo làng nghề” đi hàng chục km - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Và tính ra, đời kéo xe của ông đã giẫm chân ít nhất hơn... 400.000km, tương đương vòng quanh Trái đất 10 lần theo đường xích đạo.

Mấy chục năm rồi, ổng càng đi càng khỏe dữ thần. Ông đi nắng đi mưa nhưng không hề bệnh tật, không tốn tiền mua viên thuốc nào.

Bà Sơn Thị Dê

Từ làng nghề nổi tiếng Trà Vinh

Ông Thạch Chanh Đa (ấp Trà Tro, xã Hàm Giang, Trà Cú, Trà Vinh) nói rằng ở xứ Giồng Tre này, nếu nói ai là người khỏe nhất sóc (làng của đồng bào Khmer) thì chẳng ai phân bì nếu có người cho rằng đó là ông lão Thạch Chau. 

"Xưa giờ ổng không bệnh hoạn, không tốn tiền mua một viên thuốc nào. Tới giờ ổng già dữ lắm rồi mà vẫn kéo xe chở đầy đồ đi bộ tới Bến Tre, Vĩnh Long. Tui mà đi xe còn mệt, nói gì đi bộ như ổng thì chịu...", người thợ mộc của làng nghề tre Trà Tro thán phục sự bền bỉ của ông lão "được thương nhất sóc" này.

Ấp Trà Tro nằm bên con đường rặng tre từ chợ Hàm Giang nối vào. Chi chít qua những phum, sóc của đồng bào Khmer là hàng chục trại mộc chuyên làm các sản phẩm từ tre bán đi khắp nơi. 

Chị So Ny, gia đình mấy đời làm nghề đóng chõng, tủ, bàn ghế... tất tần tật từ tre, nói dân ở đây mở mắt ra là thấy cây tre, lớn lên là biết cây cưa, cây đục đóng đồ tre. Nhà cũng cất từ tre, vật dụng trong nhà từ chiếc tủ, cái giường đến đôi đũa... cũng từ tre. 

"Dân ở đây mười người thì có mười người biết làm đồ từ cây tre", chị thợ mộc Thạch Loan nói vui rằng cây tre là sinh kế bao đời của người dân Trà Tro này.

Mỗi thời kỳ dân xứ Trà Tro lại làm ra sản phẩm phù hợp. Như có thời dân khắp nơi về đây đặt mua mê bồ quây lúa. Tới thời người ta không quây lúa bằng mê bồ nữa thì họ làm ra những chiếc thang tre bán xa gần. Đến lúc thang tre ít được ưa chuộng thì người ta lại đóng chõng tre, giường tủ, bàn, ghế... 

"Cái gì họ cũng làm được từ tre", chị So Ny tự hào.

Nhưng cũng có một sự thật như chị Thạch Loan nói: "Dân ở đây chỉ biết làm thôi, chứ buôn bán dở lắm. Đồ mình làm ra ai tới mua thì bán, còn không thì chất đó"...

Trên đường kéo xe, ông Thạch Chau (trái) có bạn bè ân tình khắp nơi - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Trên đường kéo xe, ông Thạch Chau (trái) có bạn bè ân tình khắp nơi - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Đến ông lão kéo làng nghề đi khắp nơi

Thế rồi, ông Thạch Chau (86 tuổi), ba chị Loan, tính không bán được gần thì phải đi xa. Ông cùng đàn ông khỏe mạnh trong sóc quyết tâm đưa đồ tre Trà Tro đi xa hơn. 

Không có xuồng ghe, họ dùng những chiếc xe kéo chất đầy nào thang, giường, chõng... rồi lấy sức người thay máy kéo đi tít tận về miệt Càng Long, Hựu Thành, Duyên Hải rao bán. Bất kể nắng mưa, nặng nhọc, quãng đường xa biết mấy, chừng nào bán hết đồ họ mới quay về sóc.

Cũng từ đó, hình ảnh người đàn ông trùng trục đi bộ, kéo theo chiếc xe chất đầy đồ tre xuất hiện ở nhiều làng xóm miệt vườn. 

"Mình chịu khó vậy mà bán được lắm. Đồ mình bán vừa tốt lại rẻ nên người ta mua. Nhiều lần tôi kéo đồ vô xóm là cả xóm xúm lại mua hết đồ luôn..." - ông Thạch Chau kể thấy ông kéo xe đi bán được hàng nên nhiều người cũng chất đồ lên xe kéo đi bán.

Càng về sau, quãng đường ông Thạch Chau phải đi càng xa hơn, hàng chục rồi hàng trăm cây số mỗi tuần. Những bước chân bền bỉ của ông già như kéo theo cả làng nghề. Ông đi xa không chỉ vì cơm gạo nữa, mà phải đi để đồ tre của sóc mình làm ra bán được. Và thế là ông cứ đi, đi mãi, không biết là mồ hôi ông đã rơi trên ngàn cây số rồi.

Bà Sơn Thị Dê, vợ ông, nói từ khi chồng mình kéo xe đi bán xa, đồ tre chuyến nào cũng được bán hết. Gia đình cũng đỡ thiếu trước hụt sau, sóc nghề cũng vui nhộn hơn. 

Trước mỗi chuyến đi của chồng, bà Dê thường nấu mâm cơm để cúng ông bà, cầu mong ông đi đường bình an, bán được hàng. Tối hôm trước chuyến đi, hàng hóa được chất lên xe, ràng chặt. Để khi ông thắp nhang lên bàn thờ xong là bước thẳng ra khỏi nhà.

"Cũng ngộ, ban đầu thấy ổng kéo xe nặng nhọc nên ổng đi lần nào tui cũng khóc. Nhưng mấy chục năm nay rồi, ổng càng đi càng khỏe dữ thần. Ổng đi nắng đi mưa nhưng không hề bệnh tật, không tốn tiền mua viên thuốc nào", bà Dê tự hào về chồng.

Ông Thạch Chau xua tay: "Bả nói vậy chứ tui giờ cũng yếu rồi. Hồi trước mỗi ngày tôi kéo xe sáu, bảy chục cây số là thường. Bây giờ đã tám mươi sáu rồi, nên tự quy định chỉ kéo bốn lăm, năm chục cây số là nghỉ. Hôm sau đi tiếp". 

Tôi tính nhẩm vậy là trung bình mỗi năm ông lão này đã kéo xe đi hơn chục ngàn cây số, đó là đã trừ những ngày nghỉ - một điều không hề bình thường với ông lão 86 tuổi.

Và gần 40 năm kéo xe, ông đã đi được bao nhiêu cây số? Ít nhất cũng trên... 400.000 cây số, tương đương đã đi được khoảng... 10 vòng quanh Trái đất theo đường xích đạo. Thật khó tin? Nhưng đó là con số đã được giảm trừ nhiều. 

Dân miệt miền Tây cũng không lạ hình ảnh ông lão đầu bạc phơ, nước da ngăm rắn rỏi kéo xe bền bỉ mỗi ngày. Thấy ông già kéo xe nặng nhọc, nhiều người đi đường cho nước, cho bánh mì, cho cơm và còn mời ông ghé nhà nghỉ chân.

Ông Thạch Chau tâm sự mấy mươi năm mòn dấu trên những chặng đường qua, ông đều có những thâm tình. Đến giờ, trên đoạn đường xa ấy, ông đã có những "dịch trạm" để nghỉ chân mỗi đêm. Cách khoảng 45 cây số, ông lại có nhà người quen. Kéo xe đến đó, chủ nhà đã chừa sẵn một góc nhà để ông trải chiếu giăng mùng.

Kể về những "dịch trạm" này, Thạch Chau nói ông có một nguyên tắc là dù thân thuộc cỡ nào thì ông cũng không vào nhà người ta để ngủ nhờ. Dù cho chủ nhà có kêu cách mấy thì ông cũng chỉ xin tá túc ở mái hiên. 

"Dù người ta không nghĩ gì, nhưng lỡ mà mất đồ đạc, mình ngủ ở nhà người ta khó giải thích lắm... Mấy mươi năm tôi kéo đồ đi bán là mấy mươi năm tôi sống trong tình nghĩa của mọi người. Mình nghèo khó, đi bán đồ để kiếm cơm. 

Nhưng nhiều nhà khá giả, từ chủ quán cơm, chủ tiệm điện hay chủ tiệm vàng họ cũng thương, đối xử thân thiết. Tôi không nhớ nổi mình đã từng ăn bao nhiêu chén cơm nghĩa tình...", ông trải lòng.

Đến giờ, đồ tre từ Trà Tro đã được nhiều nơi biết tới. Nhiều khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán nước... cho đến những gia đình cũng đặt mua. Những chiếc tủ, bàn, ghế, đế cổng tre, vách tre... được thiết kế đẹp mắt xuất hiện ở những chỗ đông người, được làm từ những người thợ giỏi nghề ở đây.

Người ta nghĩ làng nghề đã qua thời gian khó khăn nhất thì những chiếc xe kéo như ông Thạch Chau đã hết vai trò. Nhiều người cũng thắc mắc ông lão có còn kéo xe chở đầy đồ xe đi khắp nơi nữa không.

Tôi trở lại Trà Tro lúc ông lão 86 tuổi vừa chất đầy đồ lên xe, chuẩn bị thắp nhang lên bàn thờ. Ông vui vẻ cười híp mắt: "Gặp chú thì may. Tui bị xe đụng lúc đang kéo xe, phải nghỉ mấy tháng. Bữa nay mới đi lại. Tui không đi, nhiều người gọi hỏi. Không thấy cả tháng, họ sợ tui chết già. Nên phải đi vừa bán vừa thăm mấy chỗ nghĩa tình".

Ông lão hớn hở như đứa trẻ sắp được đi chơi. Chỉ khác hơn một chút, ông muốn đi lại những đoạn đường mà mấy mươi năm đã đẫm mồ hôi và trải bao ân tình.

______________________________________________

Những gốc dừa chết tưởng bỏ đi nhưng lại được người ta đang đua nhau đào... ra tiền mà là nhiều tiền hẳn hoi.

Kỳ tớiĐào tiền dưới... gốc dừa mục

Không có nhận xét nào: