Nhìn từ chuyện TikToker, YouTuber náo loạn đám tang nghệ sĩ Vũ Linh
Nhiều người bức xúc, thậm chí... không hiểu nổi vì sao những TikToker, YouTuber có thể làm những việc 'báng bổ' trước một đám tang, người vừa nằm xuống như vậy. Họ bất chấp mọi chuẩn mực đạo đức chỉ nhằm để câu view, kiếm tiền.
Nếu như mạng xã hội là tấm gương phản chiếu xã hội thực, chúng ta đang có một xã hội thật đa sắc với đủ cả xấu, tốt mà phần xấu có vẻ đang khá thắng thế, nếu nhìn từ chuyện TikToker, YouTuber làm náo loạn đám tang NSƯT Vũ Linh mấy ngày qua và nhiều đám tang người nổi tiếng trước đây ở TP.HCM.
Nhiều người khi đọc những tin tức này đã vô cùng bức xúc, thậm chí... không hiểu nổi vì sao những TikToker, YouTuber kia có thể làm những việc "báng bổ" trước người vừa nằm xuống như vậy, những việc phản văn hóa và cả thiếu đạo đức chỉ vì chạy theo câu like, câu view kiếm tiền.
Văn hóa tôn trọng người đã khuất
Việt Nam là đất nước Á Đông rất coi trọng tập tục, truyền thống văn hóa. Trong đó có một thứ văn hóa bám rễ bền chặt trong xã hội từ thời đại này nối thời đại kia. Đó là văn hóa tôn trọng người đã khuất, trở thành một thứ đạo, một thứ đạo hầu như là nguyên thủy của người Việt, đó là đạo thờ ông bà tổ tiên.
Bởi tôn trọng người đã khuất, tang ma đối với người Việt thường được làm rất kỹ càng với nhiều tục lệ mà lối sống mới hiện nay đã giản tiện đi nhiều.
Nhưng tinh thần "nghĩa tử là nghĩa tận", tôn kính người vừa nằm xuống vẫn được bảo lưu nguyên vẹn. Người Việt có thể không nhất thiết phải có ngôi nhà thật đẹp cho người sống, nhưng nhất thiết phải lo cho người chết được "mồ yên mả đẹp".
Văn hóa tang ma của người Việt thậm chí được lựa chọn đưa vào nhiều tác phẩm điện ảnh như một cách để người đạo diễn khoe với thế giới về sự giàu có, đậm bản sắc của văn hóa Việt Nam.
Không chỉ người Việt khoe văn hóa ấy của người Việt như trường hợp phim Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di, mà đạo diễn nước ngoài cũng không bỏ lỡ cơ hội tạo mùi vị bản địa hấp dẫn cho phim của mình khi đưa cảnh tang lễ trên sông của người Việt ngay phần mở đầu phim như phim Đông Dương (Indochine) của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier.
Nhắc lại truyền thống văn hóa này của người Việt để hiểu vì sao dư luận lại bức xúc như vậy trước mỗi lần TikToker lại gây hỗn loạn ở các đám tang người nổi tiếng để đoạt cho bằng được những thước phim tang lễ rồi "chế" những nội dung phần nhiều là sai trái để hút khán giả, kiếm tiền.
Muốn xây văn hóa số, phải xây văn hóa trong xã hội
Nhưng, như đã nói ngay từ đầu, nếu mạng xã hội là tấm gương phản ánh xã hội, chúng ta đang có một xã hội đa sắc, cái xấu nổi lên bề mặt nhiều hơn, gây ra một hình ảnh khá hỗn loạn và đáng thất vọng về xã hội cho những ai "cả nghĩ".
Rõ ràng những TikToker, YouTuber là người thực, chẳng phải mạng ảo. Có nghĩa là những thứ ít văn hóa, mỏng đạo đức ấy đang tồn tại giữa đời thực. Không phải mạng xã hội độc hại, mà chính là những độc hại của đời thực được mang lên mạng xã hội vậy.
Cho nên, để loại rác trên mạng, không gì khác là phải làm trong sạch đời thực. Muốn xây văn hóa số, chính là phải xây văn hóa trong xã hội, không có cách khác. Ta không xây nền tảng văn hóa bền vững trong xã hội thực, làm sao có những người biết ứng xử văn minh, đạo đức trên mạng xã hội.
Vậy là cuối cùng vẫn trở lại câu chuyện "chấn hưng văn hóa" mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi từ Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021 và được nhắc rất nhiều trong các hội nghị văn hóa, các văn bản quản lý văn hóa, các phát ngôn của quan chức văn hóa từ bấy tới nay.
Pháp luật nào, lực lượng an ninh nào ngăn xuể những TikToker, YouTuber bất chấp đạo lý quấy phá đám tang người nổi tiếng để câu view hay ngăn được cái "văn hóa" chửi của người Việt đang lây lan như bệnh dịch trên toàn cõi mạng?
Tất nhiên, những biện pháp kỹ thuật, pháp luật là cần thiết như một thứ công cụ hỗ trợ, nhưng gốc rễ vẫn phải là dựng lại văn hóa, dựng lại nếp nhà, nếp người trong một thời kỳ mà xã hội Việt, người Việt đang bị choáng ngợp, hoang mang trước một cuộc sống đang biến đổi quá nhanh, những giá trị liên tục bị đảo lộn.
Phải nhớ câu nói bất hủ của Bác Hồ mấy chục năm trước: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Phải dựng lại văn hóa cho từng con người trong xã hội. Phải đặt lại vai trò của văn hóa.
Văn hóa không phải thứ trà dư tửu hậu trong xã hội, có thể làm sau để ưu tiên kinh tế trước. Bởi văn hóa chính là cái dây cương cho con ngựa xã hội được đi hiền hòa, là đường ray cho con tàu xã hội tiến lên vững chãi.
Đủ văn hóa, người ta mới biết tri túc. Có tri túc, quan chức không tham nhũng vô độ, doanh nhân không kiếm tiền vô độ bằng tàn phá môi trường, bóc lột công nhân, trốn thuế, làm hàng giả; ngư dân không tận diệt biển, nông dân không "kích phọt" cây trồng, vật nuôi, thương nhân không buôn bán hàng giả hại người; nhà văn chỉ một lòng tìm đạo, chở đạo cho dân chúng...
Và để làm được những điều này, để xây văn hóa, nhất định không thể bằng các hội nghị rình rang, bằng cờ đèn kèn trống. Nhiều việc thực chất phải làm, trong đó không thể thiếu việc xã hội phải biết tận dụng, sử dụng người tài như một cách nuôi dưỡng nguyên khí quốc gia.
Quyền chống lại việc khai thác hình ảnh người đã khuất
Vừa qua, New York trở thành bang tiếp theo ban hành đạo luật mới về quyền công khai nhằm mở rộng các quyền sau khi chết.
Quyền này dành cho những người đã qua đời và con cháu của họ đang cư trú tại New York, giúp chống lại việc khai thác thương mại tên, giọng nói, chữ ký, ảnh hoặc chân dung của người đó sau khi chết.
Tuy nhiên, không giống như các luật về quyền công khai sau khi chết khác có phạm vi tiếp cận rộng hơn, đạo luật của New York có một lưu ý. Quyền sau khi chết chỉ bảo vệ những người mà quyền công khai của họ có giá trị thương mại vào thời điểm họ qua đời hoặc vì lý do họ qua đời.
Luật này cũng mở rộng quyền chống lại việc khai thác "hình ảnh chân dung" của người đã khuất, trong khi đạo luật áp dụng cho người sống chỉ bảo vệ "tên, ảnh chân dung hoặc ảnh".
Ngoài ra, đạo luật mới của New York là một trong những đạo luật đầu tiên hạn chế "sự giả mạo sâu sắc" và cung cấp các biện pháp bảo vệ đối với "(những) người biểu diễn đã qua đời", chống lại việc sử dụng một cách lừa đảo "(các) bản sao kỹ thuật số của họ trong một tác phẩm nghe nhìn theo kịch bản như một nhân vật hư cấu hoặc để trình diễn trực tiếp một tác phẩm âm nhạc".
Đạo luật sau khi chết mới quy định rằng các quyền này có thể được chuyển nhượng theo hợp đồng, giấy phép, ủy thác hoặc di chúc nhưng những người thừa kế có lợi ích phải đăng ký quyền với bộ trưởng ngoại giao để có thể đưa ra yêu cầu bồi thường.
BÌNH MINH
Diễn viên Đình Toàn:
Ngán ngẩm với những thông tin tào lao
Tôi nghĩ rằng với nghệ sĩ mà công chúng mến mộ, khi họ mất đi rất nhiều khán giả ở xa không có điều kiện đến viếng cũng mong mỏi được tìm hiểu xem tang lễ thần tượng được tổ chức như thế nào, họ ra đi ra sao, bạn bè đồng nghiệp có ai đến viếng...
Khi mạng xã hội phát triển, để đáp ứng nhu cầu đó, truyền thông và các YouTuber đã liên tục cập nhật thông tin. Và lượt view là rất lớn.
Tôi nghĩ mục đích ban đầu không xấu nhưng ngày càng biến tướng và quá đà. Vì câu view mà người ta bất chấp làm những điều không đúng đắn và phi đạo đức. Người ta thoải mái tung "tin vịt", nghệ sĩ đang sống sờ sờ giật tít lên là đã chết, còn ghép hình các nghệ sĩ khác khóc lóc.
Rồi bịa đặt chuyện này chuyện kia. Những kiểu giật gân như vậy khiến nhiều người bức xúc, như bạn bè của tôi và cả tôi riết ngán ngẩm với những thông tin hết sức tào lao và vô nhân tính trên mạng.
Coi một lần chúng tôi sẽ tẩy chay không coi những trang đó nữa. Nhưng vẫn còn những người tin và còn người coi thì người ta vẫn vì view, vì tiền mà lao vào.
Tôi thấy việc quản lý thông tin trên mạng của mình dường như còn lỏng lẻo nên ai muốn làm gì thì làm. Mong cơ quan quản lý siết chặt, phạt nặng thì người ta mới sợ không dám làm bậy.
Ca sĩ Đình Trí:
Nghệ sĩ đi viếng cũng khổ!
Vừa rồi có clip lan truyền rất nhiều trên mạng xã hội là clip mẹ tôi đến viếng đám tang nghệ sĩ Vũ Linh. Khi mẹ tôi ra về, cả trăm YouTuber rượt theo để cố quay mẹ tôi.
Rồi trên mạng họ bình phẩm mẹ tôi là nghệ sĩ mà làm như... tổng thống, quan quyền. Đi đám ma mà dắt vệ sĩ theo.
Thật sự bữa đó chỉ có tôi và mẹ. Bảo vệ là của gia đình nghệ sĩ Vũ Linh thuê để đảm bảo an ninh, họ đưa rất nhiều nghệ sĩ vào viếng và hộ tống ra về chứ đâu riêng gì mẹ tôi. Tại clip tung lên mạng khiến người xem hiểu lầm nên mới có những thông tin không hay như vậy.
Với người trẻ thì thôi kệ, họ không hiểu mới nói vậy, còn với người lớn tuổi như mẹ tôi bà sẽ buồn không hiểu sao tự nhiên đi viếng đám tang cũng bị... chửi!
Linh Đoan ghi
Ngàn người đưa tiễn nghệ sĩ Vũ Linh
Trưa 9-3, hàng ngàn người dân chen kín các ngả đường khu vực Đoàn Thị Điểm - Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) để tiễn đưa nghệ sĩ Vũ Linh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tuy được thông báo đến 11h30 mới động quan nhưng từ sáng sớm, dòng người đã đổ về trước nhà nghệ sĩ Vũ Linh, trong đó có nhiều khán giả đến từ miền Tây.
Chị N.T.H. (40 tuổi) cho biết đã đi xe ôm từ Long An lên để thắp nhang và dự đêm nhạc đưa tiễn thần tượng khuya 8-3. Sau khi đêm nhạc kết thúc lúc 2h sáng, chị và nhiều người hâm mộ ở xa khác đã dùng bìa các tông làm đệm lót và ngủ ngay trên lề đường để đợi đến lễ di quan.
Trong năm ngày diễn ra tang lễ, hàng ngàn khán giả mộ điệu từ khắp nơi đã đến thắp hương tưởng nhớ ông hoàng cải lương tuồng cổ Vũ Linh.
NSƯT Hữu Quốc thay mặt gia đình bày tỏ lòng tri ân khán giả. Sự yêu mến của khán giả cũng khiến các nghệ sĩ bồi hồi tưởng nhớ đến thời hoàng kim của cải lương, khi các sân khấu liên tục sáng đèn và người xem chật kín, mong ngóng thưởng thức từng vở diễn.
Các NSND Thoại Miêu, NSƯT Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Chí Linh, Vân Hà, Vũ Luân, Bình Tinh... rưng rưng nước mắt khi nghe NSƯT Hữu Quốc đọc bài điếu văn do nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút: "Vũ Linh sống cho nhân vật nhiều hơn anh sống cho đời riêng. Không chỉ hôm nay mà nhiều năm sau nữa, chúng tôi tin cuộc đời anh sẽ cung cấp nhiều đề tài cho những ai muốn tìm tòi sân khấu Việt Nam cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21".
Trong lòng nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương sau này, Vũ Linh là tiền bối, là người thầy, người anh luôn hết lòng nâng đỡ và dìu dắt đàn em trong nghề, một "nghệ sĩ toàn dân, trăm năm có một".
Sau lễ di quan, đông đảo khán giả nối theo xe tang đưa linh cữu về an táng tại nghĩa trang Hoa viên Bình Dương, nơi cũng đã có hàng ngàn người hâm mộ bất chấp trời trưa nắng gắt, đến đứng đợi từ sớm để được tiễn biệt nghệ sĩ Vũ Linh lần cuối.
Sau gần ba giờ di chuyển, linh cữu NSƯT Vũ Linh được hạ huyệt lúc 14h20 giữa vòng vây chật kín khán giả, trong đó cũng có không ít YouTuber và TikToker chen lấn livestream, gây khó khăn cho việc di chuyển và duy trì trật tự tang lễ.
Nghệ sĩ Vũ Linh qua đời ngày 5-3 tại nhà riêng ở tuổi 65 sau thời gian bạo bệnh. Ông thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương Việt Nam sau 1975, được phong danh hiệu NSƯT năm 1997.
HUỲNH VY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét