Cứ có hồ sơ trường CĐ nhận hết vào học, chẳng xét lọc nhưng vẫn tuyển không đủ
Nhiều nguyên nhân khiến trường cao đẳng tuyển sinh “thoi thóp”
Những năm qua, nhiều trường cao đẳng gặp khó trong công tác tuyển sinh. Mặc dù một số trường cao đẳng đã chủ động trong việc tiếp cận với học sinh ngay từ trên ghế nhà trường phổ thông, song, việc thu hút người học vẫn không đạt hiệu quả như mong đợi.
Chia sẻ về khó khăn trong thực tiễn tuyển sinh của Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ, Thạc sĩ Nguyễn Thái Việt - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm cho biết: “Những năm gần đây, công tác tuyển sinh của nhà trường hiện đang gặp khó khăn, có những khó khăn chung của tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và có cả các khó khăn riêng với thực tiễn nhà trường.
Các khó khăn chung có thể kể đến như sự cạnh tranh trong tuyển sinh của hệ thống các trường đại học, cao đẳng; thực trạng tuyển dụng lao động không qua đào tạo của các doanh nghiệp và thị trường lao động; tác động của đại dịch Covid-19; nhận thức và tâm lý của phụ huynh, học sinh đối với học nghề, lập nghiệp…
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Ảnh: NVCC. |
Những khó khăn riêng của nhà trường trong công tác tuyển sinh có thể kể đến như:
Thứ nhất, khó khăn về vị trí địa lý, nhà trường ở xa trung tâm, không nằm trên các trục giao thông chính dẫn đến nhiều phụ huynh và học sinh sau khi tìm hiểu thông tin đã quyết định tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuận lợi hơn về giao thông.
Thứ hai là trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có nhiều trường đại học, cao đẳng đồng thời các tỉnh lân cận như Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc… đều có các chế độ hỗ trợ học sinh, sinh viên đi học giáo dục nghề nghiệp nên các trường địa phương có lợi thế lớn trong cạnh tranh tuyển sinh”.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thái Việt, hằng năm, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ đều chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh từ gần cuối năm học trước, tiếp cận với các trường phổ thông, tư vấn đến từng lớp, hoặc liên hệ tham dự các cuộc họp phụ huynh để trao đổi.
Ngoài ra, nhà trường còn tham gia với các trung tâm dịch vụ việc làm, tham gia các hội chợ tư vấn để có truyền tải thông tin trực tiếp đến người học. Địa bàn tuyển sinh của nhà trường cũng mở rộng đến các tỉnh lân cận như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La…, tuy nhiên kết quả tuyển sinh vẫn rất hạn chế, “những chuyến đi như thế, có trường chỉ tuyển được 2-3 học sinh, thậm chí có trường không được học sinh nào”.
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Cường - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm (Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp - Vĩnh Phúc) cũng cho hay: “Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là tâm lý của phụ huynh và học sinh thường đứng giữa hai lựa chọn, hoặc muốn đi học đại học, hoặc muốn đi làm kiếm tiền ngay. Vì nhà trường nằm ngay gần khu công nghiệp, các em học phổ thông xong, không đi đại học thì cũng chọn vào nhà máy làm ngay, nên việc tuyển sinh trên địa bàn thường không thu hút được nhiều thí sinh.
Thậm chí, có những em quyết định học cao đẳng, nhưng lại lựa chọn các trường ở Hà Nội”.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Cường - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm (Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp - Vĩnh Phúc). Ảnh: NVCC. |
“Trên thực tế, một bộ phận doanh nghiệp lựa chọn sử dụng lao động không qua đào tạo dẫn đến thu hút được nhiều lao động, và các doanh nghiệp cung ứng lao động cũng theo hướng đó.
Mặc dù biết rằng, sau khi đi làm một thời gian, doanh nghiệp có thể luân chuyển lao động, hay nói một cách khác là sa thải công nhân để tránh tăng lương, đóng bảo hiểm xã hội…
Có khi, một doanh nghiệp quy mô chỉ khoảng 500 công nhân nhưng liên tục đặt biển tuyển dụng, thuê các nhà cung cấp tuyển dụng, thậm chí trả mức ưu đãi tuyển dụng lên đến vài triệu đồng/người. Doanh nghiệp thừa sức ổn định, nhưng vẫn luôn liên tục tái cơ cấu. Đó là vấn đề cực kỳ nhức nhối trong các khu công nghiệp, tạo nên một “làn sóng” sử dụng lao động một cách lãng phí.
Rất nhiều hệ lụy nhưng người lao động lại chưa hình dung và ý thức rõ ràng về điều đó nên vẫn lựa chọn không qua đào tạo” - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Cường cho biết.
Mong có thể lựa chọn thí sinh để nâng cao chất lượng
Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh và đào tạo, Thạc sĩ Nguyễn Thái Việt chia sẻ: “Thứ nhất, đối với vấn đề kết nối doanh nghiệp, mặc dù đã được luật định nhưng nội dung này chưa có tính ràng buộc cao với phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhất là ở miền Bắc đang sử dụng nhiều lao động không qua đào tạo.
Vì vậy, cần cụ thể hoá hơn vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hoạt động hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp và sử dụng lao động qua đào tạo. Hợp tác doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ nâng tầm các bên và có tác động tích cực góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) tham quan hướng nghiệp và trải nghiệm thực tế tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: NVCC. |
Thứ hai, đối với đào tạo trình độ trung cấp cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, hiện tâm lý phụ huynh và học sinh số đông vẫn có nhu cầu học chương trình phổ thông trung học hệ giáo dục thường xuyên. Trong khi đó, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở vật chất, có đội ngũ giáo viên, theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét “cơ chế mở” để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đó được trực tiếp giảng dạy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả học sinh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quản lý, tổ chức đào tạo.
Tôi cho rằng, nếu tháo gỡ được hai vấn đề này, sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ổn định hơn trong tuyển sinh đào tạo”.
Từ phía Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Cường cũng bày tỏ: “Chúng tôi mong Nhà nước có sự quan tâm hơn đến các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo chất lượng hoặc có kỹ năng… tạo động lực cho doanh nghiệp chú trọng đến đội ngũ lao động này. Như vậy, các trường cao đẳng, trung cấp sẽ có nhiều cơ hội tuyển sinh hơn”.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: NVCC. |
Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạt hơn 80% chỉ tiêu đặt ra.
Thạc sĩ Lê Phước Triều - Trưởng phòng Đào tạo lý giải: “Một phần do hiện nay, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có thể xét tuyển vào đại học quá dễ. Trước đây, khi đầu vào đại học khó hơn thì việc tuyển sinh của các trường cao đẳng dễ hơn; còn hiện nay học sinh nộp hồ sơ là được nhận, trường cao đẳng không có cơ hội để xét lọc từ trên xuống dưới, vì thậm chí còn thiếu chỉ tiêu.
Thứ hai, công tác truyền thông cho giáo dục nghề nghiệp rất hạn chế, các trường chủ yếu “tự thân vận động”, không có nhiều điều kiện cho học sinh trải nghiệm môi trường, nên tuyển học sinh trung học phổ thông vào cao đẳng là rất khan hiếm.
Muốn nâng cao kỹ năng tay nghề của người lao động ở trình độ cao đẳng lên, thì đòi hỏi phải có đầu vào, nhưng đầu vào hiện nay vẫn đang thực sự khó".
Các trường cao đẳng thường xuyên giới thiệu chương trình cho học sinh phổ thông tại các trường phổ thông. Ảnh: NVCC. |
Cũng từ những phân tích tương tự, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Cường - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giới thiệu việc làm (Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp - Vĩnh Phúc) nhấn mạnh: “Những năm qua, mặc dù nhà trường vẫn có thể cố gắng tuyển đủ chỉ tiêu, tuy nhiên, thí sinh chỉ cần nộp hồ sơ là tuyển, nên khó có thể chọn lọc chất lượng được như các trường đại học. Vì vậy, chúng tôi vẫn mong, nếu thu hút được nhiều thí sinh đăng ký, nhà trường có thể lựa chọn được thí sinh để đào tạo chất lượng hơn, đào tạo được các ngành mũi nhọn để có thể tham gia vào các kỳ thi quốc gia, quốc tế…”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét