Có em chất vấn hiệu trưởng: "Tại sao thầy cô được nhuộm tóc, HS lại không?"
Chuyện cô giáo chủ nhiệm ở Trường Trung học phổ thông Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cầm kéo cắt tóc một nữ sinh tại lớp trước sự chứng kiến của cả lớp nhằm cảnh cáo về việc em học sinh nhuộm tóc, dù đã được cô nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chưa khắc phục đã giải quyết “êm thấm”.
Hai bên đều nhìn nhận ra những phần sai của mình, dẫn đến sự việc không mong muốn bị đẩy đi quá xa, gây nhiều ảnh hưởng, hệ luỵ về mặt tâm lý, tinh thần cho không chỉ cô và trò.
Theo ý kiến của đại diện phụ huynh, phía giáo viên và gia đình học sinh đã hòa giải, tìm được tiếng nói chung, sự việc cũng nên được nhanh chóng khép lại, những thông tin tiêu cực tránh bị chia sẻ tràn lan, sẽ càng gây ảnh hưởng tâm lý của học sinh.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Vấn đề cấm hay không cấm học sinh trung học nhuộm tóc khi đi học lại được dư luận bàn cãi.
Thầy giáo Nguyễn Minh Trung, một người đã làm hiệu trưởng hơn 5 nhiệm kì chia sẻ: “Ngày trước mới làm quản lý, tôi cũng có suy nghĩ phải có quy định cấm học sinh nhuộm tóc.
Việc nhuộm tóc khi đi học ở trường tôi từ trước đến nay không có “văn bản”, chỉ có quy định của giáo viên quản sinh thông báo dưới cờ và trong mục trừ điểm thi đua của lớp.
Thế nhưng trong một lần xử lý chuyện tranh cãi của cô chủ nhiệm với học sinh nhuộm tóc tôi đã đề nghị bỏ quy định trừ điểm thi đua của lớp có học sinh nhuộm tóc đi học.
Chuyện là có một học sinh nam có cái bớt nâu trên da đầu, nên khi để tóc đen, cái bớt rất rõ ràng, làm em mất tự tin khi đi học.
Trong một lần cắt tóc, thợ cắt tóc đã đề nghị nhuộm tóc nâu miễn phí cho cậu ta. Sau khi nhuộm tóc nâu, cái bớt mờ hẳn, cậu ta rất tự tin, từ đó học sinh này thường nhuộm tóc nâu đi học.
Khi vào trường mình, học sinh này bị cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở chuyện nhuộm tóc, học sinh này đã chủ động đề nghị cùng cô lên gặp tôi, em trình bày rõ ràng, mong nhà trường thông cảm cho em.
Học sinh này còn thẳng thắn chất vấn: “Thầy cô nhuộm tóc, tại sao em không được nhuộm? Thầy cô và em có cùng mục tiêu chung, nhuộm tóc để giúp mình tự tin, giúp mình đẹp trong mắt người khác.”
Sau vụ này, tôi đã đề nghị Đoàn trường mở chuyên đề sinh hoạt “Học sinh có nên nhuộm tóc”.
Sau chuyên đề “Học sinh có nên nhuộm tóc", tôi đã tổng hợp ý kiến của các em, từ “cấm” nay “mở” cho học sinh lựa chọn nhuộm hay không nhuộm tóc, nhưng nói rất rõ lợi và hại về việc nhuộm tóc cho học sinh hiểu.
Thật bất ngờ, rất ít học sinh nhuộm tóc đi học, chỉ trừ vài trường hợp cá biệt do bệnh tật hoặc hình thức, nhuộm tóc để giúp các em hòa đồng, tự tin”.
Có quy định nào cấm học sinh nhuộm tóc không
Quy định về hành vi ứng xử, trang phục, hành vi không được làm của học sinh đã được qu định tại Điều 36, 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.
Điều 36 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ghi rõ: Hành vi ứng xử, trang phục của học sinh
1. Hành vi, ngôn ngữ, ứng xử của học sinh phải đúng mực, tôn trọng, lễ phép, thân thiện, bảo đảm tính văn hóa, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.
2. Trang phục của học sinh phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Tùy điều kiện của từng trường, hiệu trưởng có thể quyết định để học sinh mặc đồng phục nếu được nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường nhất trí.
Giáo viên sắp không phải tuân theo quy chuẩn đạo đức riêng? |
Điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ghi rõ: Các hành vi học sinh không được làm
1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
3. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.
4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
5. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
6. Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
7. Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.[1]
Người viết đã tìm hiểu nhưng không có bất cứ quy định nào cấm học sinh nhuộm tóc đi học. Vì thế, khi quy định, xử lý các sai phạm về hành vi ứng xử, trang phục của học sinh giáo viên phải tôn trọng học sinh, tôn trọng pháp luật.
Nhà trường khi xây dựng nội quy về hành vi ứng xử, trang phục của học sinh của trường mình cũng phải dựa trên pháp luật và sự đồng thuận qua trao đổi, bàn bạc với học sinh, phụ huynh.
Nội quy hành vi ứng xử, trang phục của học sinh phải chi tiết, cụ thể, cần được công khai, minh bạch, tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh ngay từ đầu khóa, đầu năm học.
Khi học sinh, phụ huynh, cùng được xây dựng nội quy, có sự đồng thuận cao, nội quy đó sẽ có giá trị thực tiễn, tránh được những vụ việc đau lòng không đáng có nơi học đường.
Về lâu dài, người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, có văn bản quy định cụ thể, chi tiết hơn về quy định trang phục, màu tóc ... của học sinh thống nhất trên cả nước hoặc nghiêm cấm nhà trường ra nội quy ngoài quy định của Điều lệ trường học do Bộ ban hành.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét