Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Truyện ngắn: Giáo chủ lớp vét

 

Truyện ngắn: Giáo chủ lớp vét

GD&TĐ - Trường tôi dù nằm ngay thị trấn nhưng chất lượng thuộc tốp một từ dưới lên.
Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Vào trường tôi học dễ ợt, chỉ cần nộp học bạ và giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp THCS là xong, không thi thố, không đá chọi gì. Nói chung, chả cần phấn đấu thì trường cũng đến tận nhà mời học, nếu lũ lớp 9 thi rớt các trường THPT có tiếng thơm tho.

Những đứa có điểm thi sáng trong bọn rớt sẽ vào lớp chọn Toán, lớp chọn Văn, rồi lớp thường, lớp vét… Tôi học lớp vét vì chả thi thố gì. Cố thi cũng tạch thê thảm. Xác định vào đây thì khỏi thi cho bớt một việc hại não. Lớp chúng tôi là lũ quái, suốt ngày kiếm chuyện chọc tức thầy cô khiến nhà trường phải đổi giáo viên chủ nhiệm liên tục. Hai năm học trôi qua như gió thoảng mây trôi. Bốn thầy cô chủ nhiệm lần lượt nói lời ly biệt. Trong lớp tôi, đứa nào thuộc bảy hằng đẳng thức đáng nhớ môn Toán thì được gọi là thánh. Đứa nào biết “Truyện Kiều” của ai sáng tác thì được gọi là thần. Đứa nào biết “Con trâu đa mưu” (how old are you?) thì được gọi là chư tiên… Rốt cuộc, chả có thánh thần, chư tiên… nào cả. Chỉ toàn bọn quỷ thành tinh, hổ báo cáo chồn… tiếng đồn oanh liệt.

Thằng Hảo rất bất hảo. Cái mặt nó lúc nào cũng câng câng chực cãi nhau. Đôi mắt gấu trúc thâm quầng vì đêm nào nó cũng cày game đến sáng. Lên lớp thì lăn ra ngủ, không kể giờ giấc. Thầy cô nhắc, nó chỉ thẳng lưng ngồi tí rồi lại lăn ra ngủ như thường. Sấm đánh ngang tai chẳng nghĩa lí gì. Nó vẫn yên giấc mộng, mơ về các trận liên minh huyền thoại. Nhưng nói thực, nó ngủ cũng có cái lợi. Lớp vợi đi một cái miệng liên thanh, choang choác… có khi còn đánh nhau tơi bời dưới hiệu lệnh của thằng Côn.

Thằng Côn thì khắp trường biết nó. To con, xăm trổ, hầm hố... Bố nó – chủ tiệm cầm đồ. Mẹ nó – chủ quán đề lô. Trên không sợ trời, dưới không sợ âm ti, nó thuộc nhóm máu liều, thích gì làm đấy. Vây cánh, băng đảng của nó là mấy thằng loe hoe, tập tọe… “vào đời”. Chúng đeo khuyên, nhuộm tóc, đi đứng khệnh khạng, thái độ ngông ngênh, phì phèo thuốc lá điện tử. Chúng tưởng thế là oai nên cứ hô hố, hô hố. Cái mặt thằng Côn – nhìn là thấy thương hiệu dân anh chị. Thế mà nó vẫn có người yêu xinh là cái Du.

Cái Du hợp đôi với thằng Côn từ cái tên trở đi. Du Côn. Là học sinh nhưng Du ăn chơi ngút ngàn, áo quần không đếm xuể. Trang điểm ố dề, móng mi các kiểu. Thiên hạ đồn nó là “gái ngành”. Sau mỗi lần nó và thằng Côn cãi nhau thì kiểu gì cũng có taxi đến đón tận cổng trường. Thằng Côn không cản được. Gớm mặt như nhau, chẳng phải dạng vừa. Trai anh hùng, gái hảo hán. Hôm sau, chúng nó lại làm lành, ríu rít như đôi chim. Dăm bữa nửa tháng lại cãi, lại taxi đón... Ôi, tình yêu là đồ thị hình sin của bình yên và bão tố.

Truyện ngắn: Giáo chủ lớp vét ảnh 1

Ảnh minh họa: ITN

Lớp tôi có hơn ba chục quỷ sứ. Tật nọ, tật kia phải tính theo cấp số nhân. Cô giáo chủ nhiệm mới hiền khô, xem chừng lại rời sớm. Rồi cô càng lúc càng lột xác trong cuộc thuần hóa lũ giặc giời. Hôm qua, cô đến lớp với mái tóc tém. Kính đen. Áo đen. Quần đen. Giày đen. Chúng tôi mắt tròn mắt dẹt với phong cách ngầu đời chất lừ ấy. Đương nhiên là chúng tôi chồm lên, nhao nhao phỏng vấn các kiểu. Câu trả lời của cô làm chúng tôi sốc óc hơn những gì chúng tôi thấy:

- Cô mới lên đai đen karate, giờ đủ trình bảo vệ các em trong mọi trận ẩu đả.

- Giáo chủ muôn năm – Thằng Hiếu Chiến hô to.

Cái Nga Ngố ngơ ngác chưa kịp hiểu, quay sang hỏi thằng Hiếu Chiến:

- Giáo chủ là gì?

- Là giáo viên chủ nhiệm, gọi tắt cho nhanh, lại hợp với cô trò mình. Cô nhỉ? – Thằng Hiếu giải thích và hỏi khéo để cô đồng tình.

Kể từ đó, tình cô trò lên le vồ (level) mới. Cô cho chúng tôi tự xây dựng nội quy lớp với phương châm tự bàn, tự quyết:

- Đi muộn thì sao? Dắt xe quanh sân trường năm lần!

- Quên sách? Đứng góc lớp, đội cặp lên đầu!

- Không thuộc bài, không làm bài? Chép phạt mười lần!

- Ngủ gật trong giờ? Nhặt một xô lá khô trong các bồn cây!

- Mất trật tự? Đứng co chân và ngậm bút!

Cứ thế, một đứa đứng trên bảng ghi nội quy được cả lớp bàn rồi chốt. Chả mấy lúc, nửa bảng hình phạt đã lấp đầy. Bây giờ đến nửa bảng phần thưởng:

- Làm đủ, ghi đủ bài? Thưởng vở.

- Điểm tốt? Thưởng bút.

- Không vi phạm nội quy: Thưởng cóc dầm do chính cô làm.

……………

Khi tất cả đã khá đầy đủ. Cô giáo yêu cầu quỷ đầu đàn - lớp trưởng, chụp ảnh bảng gửi vào nhóm Zalo của lớp. Kèm đó, bản cam kết thực hiện nội quy được bí thư hoàn thành và cả lớp cùng kí xác nhận đồng tình vào giấy. Kí xong, có đứa hớn hở, có đứa thẫn thờ, có đứa nghệt mặt... Bút sa, gà chết. Từ nay, đời đã vào khuôn. Cơ mặt của giáo chủ giãn ra thư thái.

Ngay tuần sau đó, chúng tôi vật vã thực hiện nội quy cốt không bị phạt. Thằng Hảo cố căng hai mí mắt, bặm hai bờ môi để chống hai bệnh thâm niên của nó – ngủ gật và mất trật tự. Cố tí còn hơn nhặt lá, ngậm bút. Bang chủ… à… giáo chủ đã đãi xoài xanh chấm bột canh, ăn thề với nhau rồi. Phải giữ chữ tín thôi.

Cuối tuần, vào tiết sinh hoạt lớp, cái Nga Ngố bỗng dưng tỏa sáng vì có tận ba điểm tốt. Cô khen nó hết lời. Bên cạnh phần thưởng theo luật: Ba chiếc bút bi, cô còn thưởng nóng cho nó gói cóc dầm to bự. Nhìn gói cóc xanh xanh đỏ đỏ, lũ chúng tôi nuốt nước miếng thèm thuồng.

Ngay tuần kế tiếp, tôi cắm mặt học với quyết tâm giật giải cóc dầm. Thấy tôi ngồi hí hoáy làm bài tập, lại ôm sách giáo khoa học thuộc… mẹ tôi ngạc nhiên hết sức. Mẹ còn tưởng tôi có điều gì bất ổn nên hỏi:

- Này con, có chuyện gì thì nói với mẹ?

- Dạ, không, con học để săn điểm tốt.

- Thế vụ thằng Ba Bảnh ném cặp con xuống ao sau trường giải quyết đến đâu rồi?

- Cô giải quyết êm rồi mẹ ạ. Nó không dám ngang ngược, gây sự như trước nữa.

- Ừ, được thế thì mừng. Con cố gắng lên. Chăm chỉ thành tài, miệt mài tất giỏi.

Truyện ngắn: Giáo chủ lớp vét ảnh 2

Ảnh minh họa: ITN

Câu nói của mẹ tiếp thêm động lực cho tôi. Tôi sẽ quyết tâm. Cô bảo rồi: “Bắt đầu ngay còn kịp. Tuổi mười tám không trở lại. Lớp mười hai rồi. Không thể sống phí mãi”. Hôm sau, tôi giơ tay lên bảng, nhưng chẳng được thầy cô nào gọi vì lũ bạn giơ tay trước tôi nhiều quá. Hôm sau nữa, tôi học kĩ hơn, tự tin hơn, mạnh dạn giơ tay ngay khi thầy đang đọc câu hỏi. Ơn giời, tôi được gọi. Tên tôi được ghi vào sổ đầu bài ở hạng mục điểm tốt (chứ không phải mục mất trật tự như mọi lần). Thật hãnh diện. Tôi đấm vào không khí một quả như để khẳng định bàn thắng của mình. Chỉ cần bạn cố gắng, cả vũ trụ sẽ giúp bạn. Câu này ít nhất đúng với tôi. Cuối tuần, tôi sung sướng nhận bút phần thưởng và gói cóc dầm không nhỏ do chính giáo chủ làm.

Miếng ngon ấy chẳng phải mình tôi thèm nên việc phấn đấu đạt điểm tốt trở thành phong trào sôi nổi trong lớp. Nhờ vậy, lớp vét của chúng tôi không đứng bét nữa. Lớp chúng tôi nhích dần lên vị trí giữa, rồi lọt tốp năm. Tình cô trò càng ngày càng thăng hạng khi những kỉ niệm đẹp cứ dần được bồi đắp phù sa. Món karate của cô chưa phải sử dụng lần nào.

Một kỉ niệm mà tôi không thể quên, đi suốt cuộc đời cũng luôn nhớ mãi. Ấy là khi cô đang say sưa dạy bài “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân thì đột nhiên có ba thầy cô vào dự. Thoáng chút bất ngờ, nhưng ngay lập tức, cô từ tốn giới thiệu về chức vụ của từng người dự. Chúng tôi tái mặt, ngưng tim, lớp im phăng phắc khi biết đó là các lãnh đạo của Bộ, của Sở, của Phòng Giáo dục. Cô đọc vị được tâm trạng của chúng tôi nên cất giọng trấn an:

- Các em đừng căng thẳng, thầy cô dự giờ rất nhân ái, bao dung nên các em cứ thả lỏng tinh thần để tiếp tục tiết học như mọi ngày.

Chúng tôi cởi bỏ được áp lực. Hướng mắt lên máy chiếu xem trích đoạn video phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Đoạn video dài hơn một phút chiếu cảnh lão Hạc bán cậu vàng. Cậu vàng bị bắt rồi, lão Hạc nhìn theo, rơi nước mắt xót thương. Cô hỏi chúng tôi cảm nhận thế nào về vai diễn lão Hạc? Chúng tôi đều nói vai diễn rất đạt, rất xúc động. Cô hỏi chúng tôi: Ai đóng vai lão Hạc? Cả lớp lắc đầu. Cô gợi ý chúng tôi nhìn vào sách giáo khoa.

- Dạ, nhà văn Kim Lân đóng lão Hạc phải không cô? Em nhìn ảnh trong sách thấy giông giống – thằng Huỳnh Hớt nhanh nhảu phát biểu.

- Đúng rồi, em nhận diện rất tốt – cô khen thằng Huỳnh.

Lần đầu tiên chúng tôi biết, Kim Lân không chỉ là nhà văn, ông còn là một diễn viên xuất sắc. Cứ như vậy, cô dẫn dắt, giới thiệu về cuộc đời, tài năng, sự nghiệp sáng tác của tác giả Kim Lân. Rồi cô cho chúng tôi xem trích đoạn video chưa đầy hai phút trong bộ phim “Sao tháng Tám” của đạo diễn Trần Đắc. Một bà cụ gầy trơ xương từ từ gục xuống – chết đói. Tại góc khác, một bé gái chừng mười tuổi, khóc thảm thương cầu cứu: “Các bác ơi, ai cứu bà cháu với. Bà cháu chết mất. Bà ơi…”.

Cả lớp tôi lặng đi. Vài đứa đã khóc theo vì thương cho những kiếp người trước Cách mạng. Giáo chủ cũng đứng lặng vài giây dù video đã dừng lại. Cô hỏi chúng tôi nhìn thấy gì, cảm nhận gì về nạn đói được thể hiện trong đoạn video?

- Thưa cô, em thấy… em thấy… nạn đói đã cướp đi bao mạng người. Thật khủng khiếp. Và em thấy… em thấy… bản thân thật may mắn khi được sống như hiện tại – Cái Lệ Trà trả lời mà không giấu nổi niềm xúc động.

Cô khen Lệ Trà và kết nối nạn đói trong bộ phim với nạn đói trong truyện ngắn “Vợ nhặt” giúp chúng tôi hình dung cụ thể hơn về bối cảnh của truyện.

Đến phần tóm tắt tác phẩm. Hôm trước cô viết kịch bản và yêu cầu bốn tổ diễn kịch tóm tắt tác phẩm. Thật không ngờ, video của tổ tôi được cô chọn chiếu. Đến đoạn Tràng và thị ngồi ăn bánh đúc thì cả lớp không nhịn được cười. Hiệu ứng trái tim bay xung quanh đôi trẻ khiến cả lớp cười thích thú… Cả lớp tôi vỗ tay rầm rầm khi giáo chủ giới thiệu diễn viên, người quay, người chuẩn bị trang phục, đạo cụ… toàn cây nhà lá vườn.

Tiết học cứ thế trôi qua với những giây phút khóc cười rất thật. Chúng tôi quên đi trong lớp đang có thầy cô dự giờ. Ít phút cuối, chúng tôi được tham gia trò chơi “Hộp quà bí mật”. Lớp tôi đứng ngồi không yên vì thóc thì ít, vịt lại nhiều. Năm chiếc hộp đựng năm câu hỏi, năm phần quà, hơn ba mươi đứa hóng. Cuộc đua kì thú bắt đầu. Những cánh tay cố giơ thật cao. Chỉ trong ba phút, năm đứa lớp tôi đã trả lời xong năm câu hỏi và ẵm sạch năm phần quà. Nào cục tẩy, nào bút chì, nào thước kẻ, nào giấy nhớ, nào điểm mười. Những đứa có quà rú lên sung sướng trước sự tiếc nuối của những đứa còn lại.

Khi tiếng trống báo hiệu kết thúc tiết học vang lên, các thầy cô dự giờ không vội ra ngay. Một thầy đã đứng lên nhận xét:

- Thầy chúc mừng cô trò đã có tiết dạy học sinh động, giàu ý tưởng, đổi mới và sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Thầy rất ấn tượng về sự chuẩn bị công phu, tâm huyết, nhiệt tình, sáng tạo… của cô, của trò. Thầy mong cô trò tiếp tục phát huy.

Dẫu vẫn xuất thân lớp vét nhưng lớp tôi không còn nát bét như xưa. Nhờ sự nhiệt tâm dẫn dắt của giáo chủ, chúng tôi lội ngược dòng thành công. Con người nhỏ bé nhưng phi thường ấy đã giúp chúng tôi kịp sống đúng tuổi học trò. Giờ đây, cô có thể hiền lại như lúc đầu mà không lo chúng tôi thêm một lần phá phách. Lớp mười hai sắp kết thúc nhưng cô sẽ luôn ở trong trái tim chúng tôi – đẹp mãi mãi.

Không có nhận xét nào: