Có những bệnh không thể chờ
Tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men bắt đầu từ đầu năm 2022, cao điểm là tháng 6-2022.
Tháng 8-2022, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành đến làm việc với Bộ Y tế, ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - đã than về chuyện "dao mổ cùn, rạch ba lần mới qua da".
Tại đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói "nếu không sửa được nghị định 98, thông tư 14 và 15 thì không bao giờ bệnh viện mua đủ thuốc, vật tư, thiết bị".
Những tưởng khó đến thế rồi, nguyên nhân dẫn đến khó khăn đã nhìn ra rồi sẽ được nhanh chóng giải quyết. Nhưng thực tế những khó khăn này vẫn kéo dài đến tận hôm nay, tháng 3-2023.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ít ngày trước, lãnh đạo một bệnh viện lớn ở Hà Nội nói: "Sau cuộc làm việc tháng 8-2022, những khó khăn đã xới ra vẫn giậm chân tại chỗ, chưa xử lý được thêm gì, thậm chí khó hơn khi thông tư 68 của Bộ Tài chính thay thế thông tư 58 trước đó quy định mua sắm, sửa chữa thiết bị tại bệnh viện phải có ba báo giá.
Tình hình này khiến bệnh viện bị cháy bóng máy chụp X-quang vú duy nhất đành phải đắp chiếu máy mấy tuần, bệnh nhân phải chờ đợi. Trong cuộc đấu thầu gần nhất, có đến 1/3 mặt hàng không có nhà cung cấp nào gửi báo giá, tức là đấu thầu thất bại ngay từ những bước đầu tiên".
Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở y tế hàng đầu khu vực phía Nam, đang "gánh" trọng trách khám chữa bệnh tuyến cao nhất chỉ còn một máy CT dùng được, còn lại đều đã hỏng. Người bệnh thay vì được chụp chiếu tại Chợ Rẫy phải "gửi" đi cơ sở y tế khác, mất thêm thời gian di chuyển, chờ đợi, vòng đi vòng về.
Không những bệnh viện khó, nhà cung cấp vật tư, thiết bị cũng khó vì hàng đã mua để tặng cho bệnh viện cứ "chết dí" trong kho hàng sân bay, hóa chất về không thể thông quan vì vướng quy định.
Người bệnh đã phải "đặt cược" sức khỏe, tính mạng mình để chờ đợi, nhưng "cứu bệnh như cứu hỏa". Trong mớ bòng bong này, có những người bệnh có thể không chờ nổi.
Hôm 3-3, Chính phủ ban hành nghị định 07 thay thế nghị định 98, được cho là "sẽ tháo gỡ nút thắt trong nhập khẩu trang thiết bị". Nhưng vẫn còn nghị quyết 144 sửa đổi chưa ban hành, thông tư 68 và nhiều văn bản nữa cũng cần sớm được ban hành đồng bộ, để gỡ những "nút thắt" đã kéo rất dài và để lại nhiều hệ lụy đáng kể.
Một vấn đề nữa cần đặt ra là sửa nghị định 98 tháo gỡ được nhiều, vậy mà sao để 98 với bao nhiêu vướng mắc kéo dài đến thế? Những vướng mắc này đã xuất hiện và được nhìn ra từ rất lâu, nhưng lại chậm được sửa chữa. Hơn nữa, nghị quyết 144 ban hành tháng 11-2022 nhưng lại đang phải sửa chữa vì quy định khó khả thi: "Dịch vụ sử dụng máy đặt, mượn mà hợp đồng ký sau 5-11-2022 thì không được bảo hiểm y tế thanh toán".
Đây cũng là vướng mắc rất lớn với khối bệnh viện, bởi hầu hết thiết bị xét nghiệm hiện nay là thiết bị diện đặt, mượn và hiện chưa có bất kỳ nguồn tài chính nào để mua sắm (bệnh viện tuyến trung ương đầu tư hệ thống thiết bị xét nghiệm có thể tới 50 tỉ đồng). Nếu bảo hiểm ngưng trả từ cuối 2023 thì máy móc ở đâu để xét nghiệm cho người bệnh? Hệ thống thiết bị đã đầu tư, dù là thiết bị đặt mượn thì bỏ đi, tiêu hủy hay phải làm gì để tiếp tục sử dụng để giảm lãng phí tài sản xã hội, vấn đề lớn này cũng không được đặt ra trước khi nghị quyết 144 được ban hành.
Chính vì thế, sau khi gỡ được nút thắt thiết bị và vật tư y tế, còn một số "nút" nữa rất cần gỡ để bệnh viện và ngành y tế hoạt động hiệu quả, từ đó cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh thuận lợi và chất lượng cho người bệnh.
Sau dịch COVID-19, có những ý kiến cho rằng phải hàng chục năm nữa y tế công mới phục hồi được như trước dịch. Thực tế có đến thế? Còn phải chờ vào việc cách gỡ nút thắt sớm hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét