Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

Nghe cô giáo Vịnh chia sẻ kỷ niệm 35 năm dạy học trên vùng núi Ba Chẽ

Nghe cô giáo Vịnh chia sẻ kỷ niệm 35 năm dạy học trên vùng núi Ba Chẽ

 MINH HÀ
(GDVN) - Suốt 35 năm gắn bó với bục giảng, cô giáo Phạm Thị Vịnh chưa bao giờ nề hà vất vả mà chỉ càng thêm yêu nghề, thêm gắn bó với sự nghiệp “gieo chữ trên nương”.
Một ngày đầu năm học mới 2019-2020, chúng tôi đến thăm cô giáo Phạm Thị Vịnh (giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở Nam Sơn (huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh).
Năm học này là năm cuối cùng cô giáo Phạm Thị Vịnh gắn bó với bục giảng. Khi tôi đến, cô đang dạy dở tiết ngữ văn cho lớp 8A.
Đứng ngoài cửa nhìn vào lớp học, tôi ấn tượng với những cử chỉ thân thiện, ân cần, ánh mắt trìu mến, giọng giảng truyền cảm của cô với học sinh và cảm nhận được sự tâm huyết, yêu bục giảng của cô giáo nhiều năm gắn bó với nghề.
Hết tiết học, ngồi trò chuyện với cô, tôi hỏi về những kỷ niệm buồn vui của 35 năm trong nghề, cô Vịnh vẫn tràn đầy nhiệt huyết.
Cô Vịnh ân cần động viên một học sinh lớp 6, lần đầu tiên xa nhà đi học bán trú trong ngày khai giảng năm học mới 2019-2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cô không giấu được sự bồi hồi xúc động, chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở Ba Chẽ, từ ngày còn nhỏ tôi đã có ước mơ được làm cô giáo để dạy những em nhỏ vùng cao.
Tôi muốn trang bị kiến thức để các em có tri thức làm hành trang lập nghiệp, sau này là những người có đức, có tài, góp sức xây dựng quê hương Ba Chẽ còn nhiều thiếu thốn, khó khăn”.
Năm 1984, sau mấy năm đèn sách, cô Vịnh được phân về Ba Chẽ làm giáo viên như ước mơ.
Những ngày đầu, cô là giáo viên dạy tiểu học ở Trường Thiếu nhi vùng cao hay Trường Rẻo cao (tên gọi cũ của Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ bây giờ).
 (dvnien:Tấm lòng cô giáo trong sáng như thiên nhiên nơi vùng cao.)
Lúc bấy giờ, thầy giáo Lãnh Thế Vinh là Hiệu trưởng nhà trường, nhận thấy được năng lực và tâm huyết của cô giáo trẻ nên động viên cô theo con đường sư phạm văn.
Thế là cô lại tiếp tục đi thi, đi học cao đẳng, trở thành giáo viên chuyên môn văn cấp 2, rồi lại quay về quê hương công tác.

Hồi ức tươi đẹp những năm học thời kỳ chống Mỹ cứu nước
Từ ấy đến năm 2013, cô giáo Phạm Thị Vịnh đã công tác ở nhiều trường khác nhau trên khắp địa bàn huyện vùng cao Ba Chẽ, trong đó phần lớn thời gian là ở những địa bàn vùng cao như Lương Mông, Đồn Đạc.
Năm 2009, cô được biệt phái đi điểm trường vùng cao của xã Thanh Lâm.
Cô Vịnh chia sẻ: “Những ngày ở trên điểm trường vùng cao, tôi mới cảm nhận được sâu sắc nhất nỗi vất vả của cả giáo viên, học trò ở mảnh đất này.
Học sinh ở trên ấy chăm ngoan, tình cảm lắm. Có những em nhà cách trường hàng chục cây số đường rừng, ngày mưa vẫn đến trường, đến lớp.
Những ngày lễ, học trò đem tặng các thầy cô bó hoa rừng, thậm chí có khi cả con gà bản nhà nuôi, được bố mẹ chuẩn bị cho từ hôm trước...
Vì yêu quý sự học, con chữ nên dù khó khăn, cả cô trò đều cố gắng bám trường, bám bản”.
Dù là những địa bàn khó khăn, nhất là đối với những giáo viên nữ, nhưng cô Vịnh chưa bao giờ nề hà vất vả mà chỉ càng thêm yêu nghề, thêm gắn bó với sự nghiệp “gieo chữ trên nương”.
Sau 4 năm gắn bó với Thanh Lâm, cô Vịnh được lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Ba Chẽ ưu tiên cho chuyển về khu vực thị trấn và vùng lân cận cho điều kiện hơn.
Nhưng cô lại đề đạt nguyện vọng xin được giảng dạy ở những địa bàn khó khăn với suy nghĩ đơn giản.
Đó là việc học trò ở những điểm trường vùng cao cần nhiều hơn sự tâm huyết, ân cần của giáo viên, để các em hiểu, yêu sự học, không vì hoàn cảnh khó khăn hay ảnh hưởng từ nhận thức không cao của bố mẹ mà bỏ dở sự học giữa chừng.
Cô giáo Phạm Thị Vịnh miệt mài, tâm huyết với bài giảng. (Ảnh: Minh Hà)
Theo cô Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ, cô Phạm Thị Vịnh là một trong số ít những giáo viên người Ba Chẽ quyết tâm gắn bó trọn vẹn sự nghiệp giáo dục của mình ở những địa bàn xa xôi, khó khăn.
Dù những năm học trước khi về hưu, cô cũng như các giáo viên khác được ưu tiên về trung tâm, gần nhà.
Nhưng vì tâm huyết, tình cảm yêu thương dành cho học sinh, cô vẫn tình nguyện được dạy ở những trường vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn.
Ở những mái trường vùng khó, cô Vịnh cùng các đồng nghiệp vẫn tiếp tục với sự nghiệp trồng người.
Cô cũng không nề hà việc đến từng nhà học sinh nhiều lần để vận động cha mẹ các em cho con em mình đến trường đi học.
Vì cảm phục tinh thần và sự nhiệt huyết của cô, nhiều gia đình đã đồng ý cho con em mình tiếp tục đi học.

Cô giáo Tuyết trên đỉnh Pà Vầy Sủ
“Vất vả, gian nan của giáo viên vùng cao chúng tôi trong chuyện vận động học sinh không nhiều bằng nỗi trăn trở sao cho các em không vì khó khăn địa lý, hoàn cảnh gia đình bố mẹ đông con, nhận thức chưa cao mà khiến con cái phải bỏ học giữa chừng.
Vất vả, gian nan sẽ vơi hết khi các em vui vẻ cắp sách đến trường. Còn niềm vui thì không gì sánh bằng được chứng kiến những học trò của mình trưởng thành, khôn lớn.
Bây giờ, nhiều thế hệ học trò của tôi đã trưởng thành, nhiều em đã theo nghề giáo, viết tiếp ước mơ của tôi.
Như em Trần Thị Hòa, giờ là giáo viên văn của Trường Tiểu học Đạp Thanh này; Nguyễn Văn Chung, Lã Sĩ Tuyên, giờ là Hiệu trưởng và Hiệu phó Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Chẽ;
Đinh Văn Nghiêm, Hiệu phó Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Văn Lang...
Học trò cũ đã trưởng thành, cũng trở thành những nhà giáo, ngày 20/11 nào cũng còn nhớ đến cô giáo cũ, gọi điện, gửi hoa chúc mừng. Với người giáo viên, còn niềm hạnh phúc nào lớn hơn?”, cô Vịnh xúc động kể.
Vốn định hỏi thêm về những thành tích cô Phạm Thị Vịnh đã đạt được sau 35 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục.
Nhưng nghe cô kể say sưa về kỷ niệm, về những học trò cũ với ánh mắt chan chứa niềm vui, sự tự hào, tôi bỗng nhận ra một điều đối với người giáo viên đã gắn bó trọn đời với mảnh đất vùng cao này.
Đó là không thành tích nào đáng tự hào bằng việc nhìn những người học trò của mình nay đã lớn khôn, đem công sức, tài năng ngày ngày cống hiến xây dựng quê hương Ba Chẽ, Quảng Ninh thêm giàu đẹp...
MINH HÀ

Không có nhận xét nào: