Cuộc đời nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh
Ngày 30/9/19, rất đông người đến viếng nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh tại nhà riêng của ông thuộc ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Trong đó có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân, Phó bí thư Thành ủy Võ Thị Dung...
Ông Hạnh sinh năm 1924, là cựu tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Chuẩn tướng. Ông được biết với vai trò Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, người đã tác động để Tổng thống Dương Văn Minh sớm đi đến quyết định kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa buông vũ khí trước sức tấn công của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam vào sáng 30/4/1975, chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Ảnh tư liệu.
|
Dù là một sĩ quan cao cấp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, ông Nguyễn Hữu Hạnh đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam móc nối tạo quan hệ từ năm 1963. Ông được bồi dưỡng để trở thành tình báo, song mặt trận được lệnh không giao nhiệm vụ gì để chức vụ của ông không bị ảnh hưởng, chờ thời cơ đắc dụng.
Trong nhiều lần đối mặt với lực lượng cách mạng, ông đều lệnh cho binh sĩ đánh ở thế giằng co mà không tiến chiếm mục tiêu. Khi quân giải phóng rút, ông cũng ra lệnh rút quân về. Các cố vấn Mỹ mỉa mai gọi ông là "Tư lệnh thận trọng", "Tư lệnh không bao giờ chiếm mục tiêu".
Ngày 28/4/1975, sau khi Đại tướng Dương Văn Minh lên nắm chức vụ Tổng thống, ông được phân công giữ chức Phụ tá cho tân Tổng tham mưu trưởng, Trung tướng Vĩnh Lộc. Tuy nhiên, không lâu thì tướng Vĩnh Lộc đào nhiệm. Vì vậy, nhân danh Tổng tham mưu trưởng, ông Nguyễn Hữu Hạnh đã ra tuyên bố kêu gọi binh sĩ buông súng. Ông cũng là một trong 2 vị tướng bên cạnh Tổng thống Dương Văn Minh trong giờ phút cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.
Sau năm 1975, ông được bầu làm ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách nhân sĩ yêu nước.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh (trái) trong hội nghị Mặt trận tổ quốc tại TP HCM năm 1976. Ảnh tư liệu.
|
Ông Nguyễn Hữu Hạnh có 14 người con. Gia đình cho biết, dù ở tuổi 95 nhưng ông vẫn minh mẫn, thường xuyên đi lại từ nhà ở Tiền Giang lên Củ Chi và thích vui thú điền viên. Một tháng trước ông ốm nặng, được cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất rồi trút hơi thở cuối cùng ngày 29/9. Trong ký ức của người thân, ông là người nghĩa khí, trung thực, tác phong nghiêm chỉnh theo lề lối quân đội.
Nhiều lần gặp gỡ với tư cách bạn bè, ông Phạm Văn Thắng (74 tuổi, nguyên cán bộ Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam) nhận xét ông Hạnh là người hiền từ, tốt bụng. Trước 30/4/1975, hai người chưa biết nhau. Sau ngày thống nhất đất nước họ mới có cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi, hàn huyên nhiều câu chuyện cũ.
Trong sổ tang, ông Thắng với vai trò Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ kháng chiến khối Binh vận TP HCM bày tỏ lòng thương tiếc với người anh hùng thầm lặng. "Nhân dân nhớ ơn anh", ông viết và cho rằng Sài Gòn bớt đổ máu ngày 30/4 là có công lớn của ông Hạnh.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết sổ tang nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh. Ảnh: SGGP.
|
Nhiều lãnh đạo đương nhiệm của TP HCM cũng bày tỏ lòng biết ơn với nhân sĩ yêu nước Nguyễn Hữu Hạnh và những đóng góp quan trọng của ông cho đất nước và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc Anh. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ những đóng góp quan trọng của Anh trong những ngày tháng sôi sục của cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất tổ quốc. Xin vĩnh biệt Anh".
Còn ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM viết: "Xin chân thành chúc hương hồn chú Nguyễn Hữu Hạnh - người nhân sĩ yêu nước - an giấc ngàn thu. Xin chia buồn sâu sắc tới thân bằng quyến thuộc chú Hạnh".
Tang lễ nhân sĩ Nguyễn Hữu Hạnh do bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM làm trưởng ban. Lễ truy điệu lúc 5h30 ngày 2/10, lễ động quan lúc 6h cùng ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét