Thực hư việc người nước ngoài thôn tính đất tại Đà Nẵng
LĐO |
Sau phát ngôn của ông Tô Hùng - Giám đốc sở TNMT TP.Đà Nẵng - tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang (hôm 19.9), cho rằng có đến 21 lô đất ở khu đô thị ven sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn do người Trung Quốc đứng tên. Vậy thực tế ra sao?
Lách luật, thôn tính từng lô đất
Không chỉ gia tăng lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc một cách đột biến thời gian qua, mà số doanh nghiệp, doanh nhân người Trung Quốc đến Đà Nẵng, Việt Nam để kinh doanh, làm ăn ngày càng đông đảo. Tại Đà Nẵng, ra đường là gặp người Trung Quốc, đặc biệt là các khu đô thị, các tuyến đường ven biển. Người Trung Quốc không chỉ sang Đà Nẵng du lịch, kinh doanh nhà hàng, buôn bán hóa chất, dịch vụ nông sản, thuốc bảo vệ thực vật... mà còn hoạt động phi pháp, như tổ chức đánh bạc qua mạng, thuê trẻ vị thành niên để quay phim sex, bán “phim đen” trên mạng... vừa bị công an phát hiện.
Những thông tin nêu trên là công khai từ các giấy chứng nhận cấp phép đầu tư, số liệu của ngành du lịch hoặc từ các vụ án được triệt phá. Còn thực tế, lâu nay có rất nhiều thông tin đồn đoán, không có chứng cứ, trong đó có tin cho rằng người Trung Quốc lách luật, thôn tính từng lô đất, nhất là các khu phố ven biển.
Chính vì những lo ngại đó, tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 19.9 ở huyện Hòa Vang chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, nhiều cử tri đã đặt vấn đề với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng. Ông Tô Văn Hùng - GĐ Sở TNMT Đà Nẵng - cho biết, trước thông tin về tình trạng người Trung Quốc mua đất, vừa qua Bộ TNMT đã chỉ đạo và sở đã tiến hành rà soát kỹ, đặc biệt là ở khu vực các dự án, đô thị ven biển, dọc sân bay Nước Mặn, thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Qua rà soát có 21 lô đất người Trung Quốc đứng tên, sở hữu quyền sử dụng đất.
Phát biểu này làm kinh động dư luận. Bởi theo quy định của Luật Đất đai thì người nước ngoài không được phép đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Ông Tô Văn Hùng diễn giải: Trước đây, 21 trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này được cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận cho người Việt Nam. Nhưng trong quá trình sử dụng thì xảy ra việc mua bán cổ phần và góp vốn giữa các cổ đông ở Cty cổ phần. Vì vậy hiện nay 21 trường hợp này, quyền sử dụng đất đã chuyển sang người Trung Quốc quyết định (tức do người Trung Quốc sở hữu).
Trong tầm kiểm soát?
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó GĐ Sở TNMT TP.Đà Nẵng - khẳng định: “Không có chuyện người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ở Đà Nẵng”. Ông Vinh không bình luận về phát biểu trước đó của ông Tô Văn Hùng (dù trên băng ghi âm ông Hùng khẳng định rõ ràng có 21 trường hợp sổ đỏ người Trung Quốc đứng tên). Tuy vậy, theo ông Vinh, 21 trường hợp sở hữu đất đai có yếu tố người Trung Quốc ở khu vực ven sân bay Nước Mặn, quận Ngũ Hành Sơn là do người Việt Nam góp cổ phần, lập doanh nghiệp, làm ăn với người Trung Quốc. Có thể họ lách luật, góp vốn bằng sổ đỏ để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người Trung Quốc. Nhưng, tới thời điểm này, cả 21 trường hợp đó, mức vốn của người Việt Nam đều trên 51% - tức danh nghĩa vẫn là doanh nghiệp trong nước.
Theo Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Thị Anh Thi thì cho đến thời điểm này, tại địa phương có 23 doanh nghiệp Trung Quốc (gồm cả Hồng Kong và Đài Loan) đăng ký hoạt động kinh doanh tại địa phương. Dù việc đăng ký kinh doanh, cấp quyền sử dụng đất đều do các sở (TNMT, Sở KHĐT) phụ trách, nhưng quận vẫn kiểm soát kỹ các hoạt động tại địa phương. Đặc biệt là vấn đề lưu trú, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Những hoạt động trái pháp luật của người nước ngoài (trong đó có người Trung Quốc) đều được phát hiện, phối hợp với công an xử lý nhanh thời gian qua. Bà Anh Thi cũng cho biết, do lượng khách du lịch là người Trung Quốc tăng thời gian gần đây, nên nhiều cơ sở dịch vụ đã trương bảng hiệu có chữ Trung Quốc, nhưng thực tế là do người Việt kinh doanh.
Thống kê của Sở KHĐT TP.Đà Nẵng, đến nay có 38 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố. Đáng lưu ý, chỉ 2 trong số 38 doanh nghiệp nói trên đóng trụ sở tại các khu công nghiệp tập trung. Còn lại đều rải rác trong các khu dân cư, đặc biệt, tập trung ven biển Đông. Trong đó, riêng quận Ngũ Hành Sơn có đến 23 doanh nghiệp. Vì vậy, dù chính quyền khẳng định là mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu trú của người nước ngoài, trong đó có người Trung Quốc đều trong tầm kiểm soát nhưng lo ngại của người dân cũng có cơ sở bởi những chiêu trò qua mặt chính quyền để thôn tính đất của các đối tượng nước ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét