Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Thẩm phán tuyên 5 bị cáo vô tội nói gì về kháng nghị?

Thẩm phán tuyên 5 bị cáo vô tội nói gì về kháng nghị?
Copy từ http://plo.vn/phap-luat/tham-phan-tuyen-5-bi-cao-vo-toi-noi-gi-ve-khang-nghi-785806.html , tác giả: Ngân Nga , đã đăng ngày 3/8/2018 - 16:32.
(PLO)- "Quan điểm của chúng tôi đã thể hiện qua bản án phúc thẩm. Đúng sai là đã có công luận. Chúng tôi tin là chúng tôi làm đúng nên không tranh cãi gì nữa”.
Sau khi TAND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ 5 người được tuyên vô tội ở Kon Tum, ba thẩm phán trong HĐXX phúc thẩm đã lên tiếng.
HĐXX của TAND tỉnh Kon Tum tuyên năm công dân không phạm tội gồm: Chủ tọa thẩm phán Nguyễn Minh Thành (Chánh án TAND huyện Kon Rẫy), thẩm phán Phạm Hữu Luân (Chánh án TAND huyện Đăk Glei), thẩm phán Trần Phú Lợi (Chánh án TAND huyện IA H’Drai). Ba thẩm phán này được TAND tỉnh điều động về tỉnh để hợp thành HĐXX phúc thẩm.
Chiều 3-8-18, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thẩm phán Nguyễn Minh Thành và Trần Phú Lợi chỉ nói ngắn gọn: “Đây là quyết định của TAND Tối cao, chúng tôi chỉ có thể làm kiến nghị đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng và TAND Tối cao xem xét lại”.
Riêng thẩm phán Phạm Hữu Luân thì nói: “TAND tỉnh Kon Tum điều động ba Chánh án cấp huyện về tỉnh để xét xử phúc thẩm vụ án là rất áp lực. Quan điểm của chúng tôi đã thể hiện qua bản án phúc thẩm. Đúng sai là đã có công luận. Chúng tôi tin là chúng tôi làm đúng nên không tranh cãi gì nữa”.
HĐXX phúc thẩm vụ án. Ảnh: Ngân Nga
Trước đó ngày 1-6, HĐXX này đã tuyên Phan Tiến Dũng, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Ngọc Bình không phạm tội trộm cắp tài sản. Sau khi bản án có hiệu lực, các công dân đã gửi đơn yêu cầu công khai xin lỗi tới TAND huyện Đắk Hà. Thế nhưng tòa này từ chối tiếp nhận đơn vì cho rằng TAND Tối cao vừa mượn hồ sơ lên xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.
Ngày 26-7 TAND Tối cao đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Kháng nghị đề nghị Uỷ ban Thẩm phán của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử huỷ bản án hình sự phúc thẩm và giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm theo hướng các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản. TAND Tối cao còn quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh anh Dũng là kiểm lâm của rừng đặc dụng Đắk Uy (tỉnh Kon Tum). Tháng 4-2016, anh Khánh xin anh Dũng vào rừng Đắk Uy cưa lấy gỗ trắc đã chết khô. Cả nể việc Khánh thường tìm thuê người làm cà phê giúp mình nên anh Dũng đồng ý. Hôm sau, anh Khánh cùng anh Bảy, Thụ và Bình vào rừng cưa cây gỗ trắc đã chết khô thì bị phát hiện. Riêng khúc gỗ mà các bị cáo cưa chỉ 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng.
Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm lần đầu đã tuyên phạt các bị cáo từ 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan. Sau đó TAND tỉnh Kon Tum đã hủy bản án sơ thẩm. Tháng 9-2017, xử sơ thẩm lần hai TAND huyện Đắk Hà vẫn tiếp tục phạt các bị cáo từ 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản trước khi tòa tỉnh tuyên vô tội.
Các chuyên gia cho rằng bản án phúc thẩm thấu tình đạt lý bởi hành vi của các bị cáo không cấu thành tội trộm cắp tài sản.
Ngân Nga
Xem thêm bài "Phó Chánh án làm oan 5 công dân đã trả lời văn bản" đăng ngày 12-07-18 trên blog này.

Không có nhận xét nào: