Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu 2.500 tỷ đồng lợi nhuận của Sabeco, được không?

Kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu 2.500 tỷ đồng lợi nhuận của Sabeco, được không?
Copy từ https://nhadautu.vn/kiem-toan-nha-nuoc-de-nghi-truy-thu-2500-ty-dong-loi-nhuan-cua-sabeco-duoc-khong-d7954.html , tác giả:Thu Phương , đã đăng trong mục các bài viết của Phan Lê Thành Long ngày 23, Tháng 03, 2018 | 09:33.
Một câu hỏi được đặt ra là cổ đông nhà nước đã không thực hiện quyền yêu cầu trả cổ tức của mình khi còn nắm giữ cổ phiếu, giờ không còn quyền biểu quyết, vì sao cơ quan thuộc Quốc hội là Kiểm toán Nhà nước lại yêu cầu truy thu cổ tức?
Kiểm toán Nhà nước mới đây đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về kết luận báo cáo kiểm toán báo cáo tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016 tại Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Theo kết quả kiểm toán, lợi nhuận sau phân phối tại ngày 31/12/2016 của Sabeco là hơn 2.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã phân phối tiếp gần 76 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2016 vào quý I/2017.
Khoản lợi nhuận chưa phân phối của Sabeco năm 2016 trở về trước bị đề nghị truy thu, nộp ngân sách Nhà nước.
Như vậy, trước khi thoái vốn Nhà nước và bán hơn 53% cổ phần cho tỷ phú Thái Lan vào cuối 2017, lợi nhuận còn lại của Sabeco các năm từ 2016 trở về trước hơn 2.700 tỷ đồng. Căn cứ vào tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco cuối năm 2016 là 89,59%, cơ quan kiểm toán kiến nghị doanh nghiệp này phải nộp ngân sách gần 2.500 tỷ đồng lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước.
Ngoài yêu cầu nộp ngân sách số tiền trên, cơ quan kiểm toán còn đề nghị Bộ Công Thương xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc Sabeco không chia hết 2.700 tỷ lợi nhuận của năm 2016 trở về trước, gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Sabeco "om" hơn 2.700 tỷ đồng lợi nhuận để đẩy giá trị doanh nghiệp khi bán cho tỷ phú Thái Lan?
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Luật sư Bùi Quang Tín - thành viên của Đoàn Luật sư TP. HCM, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM cho biết về lý thuyết, phần lợi nhuận hơn 2.700 tỷ đồng chưa được phân phối của Sabeco từ năm 2016 trở về trước sẽ được tính vào giá trị doanh nghiệp trước khi thoái vốn Nhà nước và bán hơn 53% cổ phần cho tỷ phú Thái Lan vào tháng 12/2017.
Ngày 18/12/2017, Vietnam Beverage (do tập đoàn Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi gián tiếp sở hữu 49%) đã mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị gần 5 tỷ USD. Vietnam Beverage đã chính thức nắm quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam.
Chỉ sau 3 tháng về tay tỷ phú Thái Lan, giá cổ phiếu SAB của Sabeco đã giảm đi khoảng 30% giá trị và đang giao dịch ở mức 230.000 đồng/cổ phiếu.
Bình luận về thương vụ này, ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam, cho rằng việc giá cổ phiếu SAB sụt giảm mạnh vài tháng sau sự kiện "bán cho người Thái" cũng là dễ hiểu. Ông Long nhấn mạnh rằng khi mua kiểm soát một công ty thì bao giờ cũng xuất hiện Control Premium, là khoản giá phải trả cao hơn giá thị trường để có được quyền kiểm soát một công ty, nhất là công ty cỡ Sabeco.
Theo ông Long, khi mua Sabeco, người Thái đã phải trả Control Premium khoảng 30% giá mua, tương ứng vào khoảng 96 giá. Và dự báo sau khi mua giá cổ phiếu SAB có thể sụt giảm khoảng 30% để kéo về giá thị trường của SAB. Thực tế sau đó 2 tháng, SAB đã về mức 230.000 đồng từ giá thoái vốn ở đỉnh 320.000 đồng.
Ông Long cho rằng, kết luận của Kiểm toán Nhà nước vừa mới đây có thể đã là tác nhân khiến SAB sụt sâu hơn nữa khi có phiên giao dịch cổ phiếu SAB giảm xuống ngưỡng 210.000 đồng.
"Việc Kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu hơn 2.400 tỷ cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thuộc vốn nhà nước trước 2016 có vẻ là phi thị trường và phi nguyên tắc tài chính cơ bản. Quyết định trả cổ tức là do cổ đông quyết định. Chính sách trả cổ tức phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và yếu tố cơ bản nhất là Dòng tiền tự do (Free Cashflow)", ông Long khẳng định.
Chuyên gia kiểm toán cũng khẳng định thêm rằng, việc chốt quyền hưởng cổ tức mang tính thời điểm, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong thời điểm còn được hưởng quyền thì sẽ được nhận cổ tức khi đại hội cổ đông phê duyệt cổ tức. Cổ đông nhà nước đã không thực hiện quyền yêu cầu trả cổ tức của mình khi còn nắm giữ cổ phiếu, giờ không còn quyền biểu quyết mà cơ quan thuộc Quốc hội là Kiểm toán Nhà nước lại yêu cầu truy thu cổ tức.
"Căn cứ vào luật nào mà truy thu? Cổ đông mới lúc mua không đưa phần lợi nhuận chưa phân phối vào định giá để quyết định giá mua sao?", ông Long đặt câu hỏi và cho rằng bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số và nhà đầu tư nước ngoài là một điểm tối quan trọng trong việc nâng hạng thị trường nhằm thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.
Thu Phương (trong mục các bài viết của Phan Lê Thành Long)

Không có nhận xét nào: