Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Men thuốc đu đủ

Men thuốc đu đủ
Vietsciences- Võ Quang Yến 03/07/2012
Copy từ http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/biologie/menthuocdudu.htm .
Tên em không thiếu không thừa
Ăn vào ngon ngọt cho vừa lòng anh.
Câu đố dân gian.
Ngày 10.06.2002, hai giáo sư Robert Gallo, người Mỹ, và Luc Montagnier, người Pháp, hai nhà khảo cứu có tiếng trên thế giới nhờ đã khám phá ra độc trùng aids, được vào yết kiến đức Giáo Hoàng ở Vatican. Giáo sư Montagnier nhân đó đã dâng tặng một hộp màu hoa cà chứa đựng nhiều viên thuốc mà Ngài sẽ dùng mỗi sáng và mỗi tối, đặt ngay dưới lưỡi. Quan hệ giữa một nhà bác học và một vị giáo chủ đã được báo chí dạo ấy mặc sức bàn tán xôn xao : giáo sư đã bốc cho đức Giáo Hoàng một liều thuốc trường sinh... Thật ra, chỉ là một môn thuốc mà chất nền là một phần chiết lên men của đu đủ do hãng Osato bào chế bên Nhật Bản. Đức tính đặc biệt của thuốc nầy là kích thích miễn dịch và chống oxi hóa, những tính chất đặc biệt cần thiết trong cuộc trị liệu các chứng Parkinson, Alzheimer thường khởi động một cuộc oxi hóa những protein các neuron.
Trước hè, giáo sư Montagnier đã đứng ra bảo trợ môn thuốc ấy. Trong một bài diễn thuyết để giới thiệu và trong một cuộc phỏng vấn đăng trên báo Nutranews 5, giáo sư không ngớt ca tụng FPP (Fermented Papaya Preparation) : chế tạo theo những quá trình sinh học công nghệ đu đủ lên men là một bổ thể dinh dưỡng thiết dụng có khả năng loại trừ những gốc hydroxyl nhân đó kiểm tra những gốc tự do, kích thích hoạt động của superoxid dismutase đồng thời hoạt hóa những đại thực bào và gây nên một tác động miễn dịch điều biến.
Theo ông, nhiều thực nghiệm lâm sàng rất công hiệu đã chứng minh FFP, nhờ khả năng trung hòa hóa những gốc tự do, trì hoãn rõ ràng sự oxi hóa những lipid trong huyết tương và những màng hồng cầu bệnh nhân. FFP cũng là một chất phản ứng suất cải tiến cuộc thích nghi của cơ thể với điều kiện thiếu oxi ở cao độ, cuộc ứng suất xúc cảm tâm lý ở vị trí trên không. Ở mức tế bào, FFP hoạt hóa cuộc chuyển hóa năng lượng, sự tổng hợp những protein cùng những chuỗi bạch huyết bào và những đại thực bào / bạch cầu đơn trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Là một chất kích thích miễn dịch, FFP cũng có thể ngăn chận bước đầu những chứng tầm thường như cảm mạo, sổ mũi. Chính ông cũng đã dùng, mỗi ngày hai lần, buổi sáng và buổi chiều, ngoài bữa ăn, luôn đặt dưới lưỡi. Theo ông, nếu ngày nay FFP đang chỉ là một bổ thể dinh dưỡng, một mai đây nó sẽ trở thành một môn thuốc trị độc trùng, aids, ung thư,...
Cây và trái đu đủ
Từ đâu giáo sư Montagnier tin tưởng nhiều vậy vào phần chiết đu đủ lên men ? Sự tích bắt đầu từ năm 1996, sau một cuộc hội thảo tổ chức ngày 21.05 tại Viện Pasteur ở Paris trên đề tài ứng suất oxi hóa ở aids, ung thư cùng các bệnh thoái hóa khác. Giáo sư Montagnier hằng tin trùng HIV càng phát triển thì càng phát tiết những gốc tự do, tăng cường ứng suất oxi hóa ở bệnh nhân.
Đúng vào dịp đó, hai khảo cứu viên Nga tại Viện Huyết học Khoa nhi ở Matxcơva, Igor Afanasev và Ludmila Korkina, trình bày thuốc Bio-Normalizer, một phần chiết đu đủ lên men 8-10 tháng trước khi đem loại nước, có khả năng cải tiến cương vị oxi hóa trong bệnh thiếu máu vùng biển và giảm hạ những hiệu ứng phụ trong cuộc trị liệu chống ung thư ở bệnh bạch cầu. Bắt đầu từ đây, giáo sư Montagnier quyết định thử thuốc ấy trên các bệnh nhân aids. Nơi thử nghiệm là Trung tâm Khảo cứu Lâm sàng Sinh vật học ở Abidjan bên nước Côte d'Ivoire.
Năm 1999, kết quả sau 6 tháng là nếu thuốc dùng một mình chẳng có hiệu quả thì, trong trường hợp dùng chung với một bộ ba thuốc khác (trithérapy), bệnh nhân lên cân, huyết cầu tố, hồng huyết cầu, bạch huyết cầu cũng tăng cường trong lúc độc trùng phát triển chậm lại. Giáo sư vội kết luận, có lẽ hơi gấp, thuốc đã có các tính chất chống oxi hóa và kích thích miễn dịch. Ngang điểm nầy, giới chuyên khảo không đồng ý, cho những vitamin như ascorbic acid, những carotenoid như lycopen, những khoáng vật như selenium cùng những chất phenol có mặt trong đu đủ đều có tính chất chống oxi hóa, đằng kia cuộc khảo cứu về miễn dịch do bác sĩ Marc Welksler thực hiện ở Viện Đại học Cornell bên Mỹ cũng chỉ đem lại những kết quả mâu thuẫn.
Còn cuộc thực nghiệm trên các bệnh nhân aids ngày nào chưa có kết thúc rõ ràng trên báo chí chuyên khoa thì chưa có thể đánh giá môn thuốc. Theo một nhân viên ở Viện Quốc gia Khảo cứu Nông học Pháp, công tác của giáo sư Montagnier dù sao đã đặt vấn đề buộc chúng ta thực hiện những cuộc nghiên cứu khác... 6
Một cây đu đủ có trái thơm ngọt, có tính chất điều trị hay ho như vậy lại mọc rất nhiều ở nước ta, ắt cần phải được biết nhiều hơn. Còn được gọi thù , phiên mộc, cà lào, phiên qua, phan qua thụ, lô hong phlê (Campuchia), mắc hung (Lào), má hống (Thái) 1,4 , nó mang tên khoa học Carica papaya L., thuộc họ Đu đủ Papayaceae. Những nước sản xuất nhiều nhất là Ấn Độ, Tích Lan, Mã Lai, Nam Mỹ, Nam Phi.
Trái đu đủ thơm nhờ những chất dễ bốc hơi. Một công tác sử dụng máy sắc ký khí phối hợp với máy khối ký (HRGM-MS) xác định đến 134 chất 30. Nhiều nhất trong số nầy là những ester mà nổi trội là methyl butanoat đem lại mùi ngọt, crotonat, hexanoat 36 bên cạnh benzyl glucosinolat 26.
Trong 199 chất dễ bốc hơi trái đu đủ núi C. candamarcensis, 103 có cấu tạo ester, nhiều nhất là methyl octenoat, butyl và hexyl butenoat, butyl furoat, butyl nicotinoat bên cạnh ethyl mercaptopropanoat 29. Còn ester nhiều nhất trong trái đu đủ núi C. pubescens là ethyl, methyl butyrat, butyl, ethyl acetat 34. Cũng trong số các chất dễ bốc hơi, đứng hàng đầu 56 acid là butanoic acid (1,2mg/kg) 31, tiếp đến là những citric, fumaric, tartaric, succinic acid cùng các amin acid : leucin, asparagin, phenylalanin 27. Những linalool, linalool oxid 36, epoxi linalool, dimethyl octadien diol 33 cũng đã được tìm ra.
Trái đu đủ ngọt nhờ những chất đường sucrose, glucose, fructose 27. Ở trái xanh thì có nhiều D-galactose, L-arabinose, D-galacturonic acid 16. Khi chín nó nhuốm nhiều màu, đấy là nhờ những chất sắc carotenoid như cryptoxanthin, violaxanthin, b-caroten 12, đặc biệt lycopen trong loại đu đủ lòng đỏ 538. Nhiều nguyên tố cũng đã được phát hiện, loại lớn : Na, K, Ca, Mg, P, loại nhỏ : Fe, Cu, Zn, Mn, B 46.
Quả đu đủ trên yên xe gắn máy chở đi bán dạo.
Các bạn có thể vào địa chỉ này chọn đọc những bài về cây trái Việt Nam của tác giả Võ Quang Yến : http://vietsciences.free.fr/design/cht_tg-voquangyen.htm

Không có nhận xét nào: