Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Đình Phú Long-Lái Thiêu

Đình Phú Long-Lái Thiêu
Copy từ http://sovhttdl.binhduong.gov.vn/index.php?language=vi&nv=dulich&op=Di-tich-lich-su/Di-tich-lich-su-Dinh-Phu-Long-19 , đăng ngày 22/08/12, mục Du lịch > Di tích và Danh thắng.
Đình tọa lạc tại Khu 5 - ấp Hòa Long, thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Công trình do cư dân người Việt (thuộc tổng Bình Chánh Thượng, huyện Bình An) xây dựng vào khoảng năm 1842, thờ Thành Hoàng Bổn Xứ được ban sắc thần đời vua Tự Đức (thứ 5), tổng diện tích sử dụng là 5.828m2. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo có giá trị nghệ thuật độc đáo mang đậm nét Nam Bộ. Với phong cách trang trí mỹ thuật thể hiện qua loại hình tranh ghép gốm mang đậm nét truyền thống văn hoá dân gian.
Mặt chánh điện Di tích Phú Long
Trong hai thời kỳ kháng chiến, đình là cơ sở hoạt động cách mạng của địa phương. Đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần vào các năm: 1865, 1935, 1997... Năm 1865, đánh dấu đợt trùng tu sửa chữa lớn, từ mái lá, vách tre tạm bợ thành lối kiến trúc có quy mô lớn như ngày nay. Phú Long là một ngôi đình cổ kính đẹp nhất Bình Dương, được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia, ngày 28/12/2001.
Cuộc sống cư dân Nam bộ gắn liền với sông nước, đình nằm trên vùng đất với phong cảnh đẹp, có nhiều cây cổ thụ che bóng mát, mặt tiền của đình quay về hướng Nam, nằm cạnh sông Sài Gòn quanh năm đón gió mát lành.
Mặt sau sân khấu quay ra sông Sài Gòn, phia xa xa là cầu Phú Long mới (Ảnh chụp lúc 10:30 ngày 11/09/14)
Kiến trúc đình theo kiểu chữ Tam, mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa, diện tích xây dựng là 1.258m2. Ngôi chánh điện gồm: tiền điện, trung điện và hậu điện. Tiền điện hình chữ nhật kiểu nhà dân gian ba gian, hai chái phần mái được xây dựng hai lớp trên lợp ngói âm dương, trên trần nhà chánh điện có tấm đan bằng bêtông rộng 2m chạy suốt theo chiều dài của tòa chánh điện, hai bên đầu hồi chính có hai lỗ tròn có nắp đậy che mưa nắng tạo thành một nóc nhà kín. Nóc nhà kín là nơi bí mật trú ẩn hoạt động của chiến sĩ cách mạng vùng Lái Thiêu, từ những năm 1944.
Toàn bộ mái nhà tiền điện cẩn vào bêtông bằng mảnh gốm sứ màu sắc lóng lánh, trang trí bốn Lân đứng hàng ngang hướng về trước sân đình, hai đầu hồi là hai Rồng dao (dao lá); Phần mái của trung điện chính giữa có hình nhật nguyệt, hai bên đầu hồi được trang trí Long, Lân, Quy, Phụng; Phần mái của hậu điện cũng được trang trí hoa văn Cá Hóa Long, Lưỡng Long Tranh Châu...
Hình người bị mờ, chỉ thấy rõ số 1935.
Nhà Tây lang trang trí hai bên là hai con Rồng giữa là đầu Lân và cảnh Long Mã, Công, Nai, Khỉ, cây Tùng, cây Trúc, quả Đào. Hoa văn chạy dài là hình chữ Chuyện. Đông lang được trang trí hai bên là hai con Phụng giữa là hình mặt Nguyệt, Lân, Dơi, Khỉ…
Phần sân trước có ba cổng. Cổng bên phải là Tấn Điền, cổng bên trái là Tấn Lộc, cổng giữa là lạc Phú.
Tấn Lộc, Lạc Phú, Tấn Điền?
Tiền điện tiếp diện cùng sân khấu ngoài trời - nơi biểu diễn văn nghệ cho thần coi, vì vậy sân khấu được hướng vào phía bàn thờ thần. Đây còn là nơi tổ chức tế thần. Chính giữa đặt một bàn thờ Quan Công, bàn bằng gỗ, mặt trước được chạm nổi hình Phước, Lộc, Thọ xung quanh trang trí chạm thủng với chủ đề Lưỡng Long Triều Nguyệt. Toàn bộ tiền điện có chín bao lam bằng gỗ đều được chạm thủng các đề tài: Nho, Chuối, Hoa Mai, Hoa Cúc, Hoa Lan, Hoa Lựu tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và Bát Tiên Hóa Hải(2), Long Hải Tướng Quân,.. Đặt biệt, hơn là khoảng cách giữa trung điện và chánh điện có một bao lam ghép gốm sứ, men màu xanh trang trí: Long, Lân, cảnh hội Bát tiên, Bát Tiên Hóa Hải, Long Hải Tướng Quân, Cá Hoá Rồng...
Bên trong chánh điện là hai bộ vì kèo chịu lực bằng gỗ, kết cấu theo kiểu kẻ chuyền, hai hàng cột gồm 6 cây loại gỗ gõ đường kính 40cm. Chánh điện, chính giữa là một án thờ sắc thần, thành hoàn bổn cảnh được vua tự đức ban tặng vào ngày 8/1/1953. Hai bên thờ tả ban, hữu ban. Ngoài ra chánh điện còn được thờ nhiều người có công theo thứ tự từng án thờ, mỗi án thờ có một bài vị. Riêng án thờ được đặt cao nhất là hình một chiếc ghế dựa bằng gỗ hình vuông, chạm thủng “Mai, Lan, Cúc, Trúc” với một long vị đắp nổi trong rất uy nghi (gọi là Ngự).
Gian đầu hồi bên trái đặt một bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương, cạnh bàn thờ đặt một cái mõ dài 1,8m; Bên phải đặt một bàn thờ ông Hổ, bên cạnh đặt một cái trống để sử dụng vào các ngày cúng tế, lễ hội.
Các bàn thờ Tiền hiền – Hậu hiền cũng được thờ cúng tôn nghiêm từ ban công nhìn thẳng vào chánh điện, có hàng lỗ bộ với nhiều loại binh khí và bốn cặp Hạt (1)đứng lưng Rùa.
Hai cửa trung môn nói liền với Đông lang, Tây lang là nơi chuẩn bị lễ vật cúng thần, ngày thường là nơi giải quyết việc làng, nơi tiếp khách và thờ những người có công đứng đầu trong làng, xã và những ông từ đã có công với đình. Ngoài ra, còn có nhà bếp đầy đủ tiện nghi để phục vụ lễ tiệc trong các ngày lễ hội.
Đình Phú Long được trang trí theo lối cổ lầu. Tất cả những tấm hoành phi, liễn, đối đều được sơn son thếp vàng rực rỡ, nội dung chúc tụng sơn hà xã tắc. Cách trang trí chạm trổ các đề tài nổi bật lên cung cách đầy quyền lực của Rồng, sự trang trọng của Phụng, mạnh mẽ của Lân và phúc thọ của những con Hạc đứng trên lưng Rùa cổ kính trang nghiêm.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ở Phú Long – Lái Thiêu lúc bấy giờ có “Đệ Tam Sư Đoàn” tổ chức này do ông Nguyễn Hòa Hiệp làm Tư lệnh, đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn, qui tụ một số lớn lính “Heiho” (người Việt trong lực lượng bổ túc của quân đội Nhật). Sau ngày Sài Gòn bị thất thủ, “Đệ tam sư đoàn” rút về Lái Thiêu đóng hành dinh tại Phú Long (quê ông Nguyễn Hòa Hiệp) ông thường xuyên tổ chức họp hội tại đình Phú Long. Sau đó, Lái Thiêu bị Pháp chiếm “Đệ tam sư đoàn” rút qua hữu ngạn sông Sài Gòn tiếp tục hoạt động.
Từ năm 1947 đến 1949, tại khu vực đình Phú Long có một tốp du kích trú ẩn để hoạt động, nơi đây dân quân tự vệ và du kích thường xuyên gặp nhau để trao đổi nắm bắt tin tức của địch.
Năm 1965 đến năm 1968, đình là đại điểm làm trạm cứu thương cấp cứu cho các chiến sĩ về đánh đồn bót, chốt chặn. Tại đây đồng chí Nguyễn Văn Huê (Sáu Huê), đồng chí Nguyễn Văn Biết (Tư Biết) đã trực tiếp chỉ huy điều động công tác của trạm, tổ chức được nhiều cuộc họp, chuẩn bị truyền đơn tuyên truyền, tiếp nhận lương thực thuốc men để chuyển vào căn cứ của ta. Tại sân đình thường xuyên có 30 thanh niên luyện tập võ nghệ và một số công nhân lò gốm cũng tụ tập lại bàn kế hoạch đình công đòi quyền lợi cho công nhân.
Ảnh chụp lúc 10:50 ngày 11/09/14.
Cho đến nay, đình vẫn là nơi sinh hoạt cộng đồng, gắn với ý thức dân tộc mạnh mẽ qua các lễ hội. Hàng năm dân chúng tập trung về đây nhiều nhất vào ngày 17 – 18 tháng 8 âm lịch trong dịp lễ Kỳ Yên, cầu cho mưa thuận gió hòa.
Ảnh chụp lúc 10:50 ngày 11/09/14.
Theo sovhttdl.binhduong.gov.vn
Chú thích (ngày 18/8,tiết Bạch lộ, năm Âm lịch Giáp Ngọ- 2014) của dvnien: (1): hạc; (2) Bát Tiên Quá Hải.

Không có nhận xét nào: