Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Hoa Chanh về chốn thị thành

Hoa Chanh về chốn thị thành
(Copy từ báo Công An TPHCM, đăng ngày 14/08/2014 08:14 : http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=1883&id=523255 ; mục Văn học - Sáng tác > Trinh sát kể chuyện)
(CATP) Mười hai chiếc bàn được bày gọn gàng trên khoảnh sân trước cửa nhà. Lần nào cũng vậy, đám giỗ ông bà luôn được chú Mười tổ chức rình rang, không chỉ để tưởng nhớ người đã khuất mà còn là dịp để tụ họp thân nhân, bạn bè. Đến giữa trưa, khách khứa lần lượt quây quần, không khí bữa cơm gia đình mỗi lúc một rộn ràng, cởi mở. Tôi là khách ở xa nên được chú Mười đưa vào bàn thân thiết của chủ nhà, ân cần mời mọc. Nông thôn ngày nay hầu như đã lột xác, những thứ văn minh của thị thành len lỏi vào từng ngõ ngách, khoảng cách về đời sống ngày càng thu hẹp. Bộ mặt ở quê tôi cũng biến đổi thật nhanh, nhất là từ khi có hai cây cầu thay cho mấy chiếc phà ở bến Hàm Luông và Rạch Miễu. Khung cảnh ở huyện Mỏ Cày Bắc không có gì đặc biệt, vẫn là đồng lúa nương khoai, thỉnh thoảng trong câu chuyện của nhiều người vọng lại dư âm của những ngày chiến tranh, đói khổ.
 
Đường quê 
- Hai, mày thấy thằng cha đeo sợi dây chuyền tổ chảng mới bước vô không? - chú Mười chỉ một người bụng phệ tuổi trạc sáu mươi. Tôi gật gù, không hiểu tại sao người đàn ông có vẻ thích khoe của này lại có kiểu đi khá lạ, cứ vài ba bước lại chúi đầu về phía trước một lần. Chú Mười bỗng cười khà khà: - Thằng chả chuyên cho vay tiền góp, sống khỏe nhất vùng này. Tuần rồi nếu cấp cứu không kịp thì chả đi theo ông bà, ông vải rồi. Cha này hai vợ, nên ai bày cái gì ăn uống cho sung mãn chả đều nghe theo. Ai đời ốc bươu vàng mà chả dám thái mỏng tái chanh uống với rượu ngâm bìm bịp. Con trên trời, con dưới đất đánh nhau làm chả sùi bọt mép. Còn kiểu đi như gà mổ là do chả bị nhiễm rượu ngâm con bửa củi, bổ đâu chẳng thấy, con người tự nhiên sửa tướng thấy khó coi.
Có giọng người đàn bà cười nói oang oang ở góc sân, chú Mười lại hướng mắt về phía ấy, giới thiệu với tôi:
- Bà này còn dữ dằn hơn, ở trong ấp người ta đặt cho bả cái tên... cô Ba Tình Lỡ. Ba đời chồng, không người nào chịu nổi cái máu sư tử của bả nên lần lượt cuốn gói ra đi. Người sau cùng còn bị bả cắn sứt cái vành tai, miếng thịt bả còn ướp lạnh giữ làm kỷ niệm. Mấy tháng nay, cô Ba Tình Lỡ mở tiệm karaoke kế bên cái chùa. Bên này các ni tụng “Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng”, thì bên kia mấy cha xỉn cứ gào thét “nếu lỡ chúng mình hai đứa xa nhau”... Ai chịu đời cho thấu. Sư cô trụ trì làm đơn kiện, xã xử hoài mà chưa ngã ngũ. Bà ta lý lẽ tiệm có giấy phép, ngày nào cũng ăn cơm nên phải cho bả kiếm tiền để sống, thưa tới đâu bả cũng đi hầu hết.
 
Hoa chanh vườn nhà ngoại 
Tôi đang băn khoăn trước những chân dung kỳ lạ ở vùng quê yên bình, thì một cô gái trong nhà bước ra cuốn theo mùi dầu thơm nồng nặc. Chú Mười gọi lại, trịnh trọng nói với cả bàn:
- Đây là Út Chẹt, con gái cưng của tui, nó ở thành phố về hồi hôm. Năm nay 22 tuổi, có người dạm ngõ rồi mà coi mòi nó chưa chịu cho tui uống rượu. Hồi nhỏ nó tưới rẫy giỏi lắm, bây giờ nhìn trái dừa nó không nhớ trái nào dừa xiêm, trái nào dừa dứa nữa. Chào chú bác đi Út Chẹt.
Cô gái ngùn ngoằn:
- Tên nghe quê quá, con đổi rồi mà, gọi Út Chili đi.
Cô gái quá tân thời, ngoài mái tóc nhuộm vàng như râu bắp, chiếc áo hở lưng để lộ một cánh bướm màu hồng xăm trên bả vai. Không hiểu ngày xưa thôn nữ Út Chẹt tắm mình trong dòng sông quê hương như thế nào, nhưng nhìn Út Chili ngày nay tôi có cảm giác dòng sông ấy... đã trở nên xa lạ. Đất sinh người, môi trường nào sẽ tạo ra con người nấy. Cách chưng diện bên ngoài thường phản ánh nhận thức bên trong, người thích diêm dúa tâm hồn lại thường rỗng tuếch. Đang ngồi nghĩ ngợi bâng quơ, chợt một thanh niên tuổi trạc ba mươi, có nước da rám nắng kéo ghế ngồi cạnh bên tôi. Anh nhìn cô gái vừa ngẩn ngơ, vừa trìu mến:
- Mới về hén?...
Cô gái không trả lời, đưa tay vào túi chiếc quần jeans lấy ra cái iPhone, ngoe nguẩy bước đến gốc cây khế thản nhiên đứng “quẹt quẹt”. Chú Mười giới thiệu chàng thanh niên tên Sáu Lúa, là rể tương lai của gia đình, người mà tám tháng trước đã đưa cha mẹ qua mở lời cầu hôn Út Chẹt. Có vẻ kết anh chàng này, chủ nhà kể một mạch về tính siêng năng, cần cù, chơn chất, đặc biệt là không ham ăn nhậu. Tôi nhìn người kế bên với đôi mắt ái ngại, anh có giọng nói và gương mặt hao hao nhà báo Thiện Thảo, đặc biệt là nốt ruồi hơi to nằm trên khóe môi bên phải. Biết tôi ở Sài Gòn về, Sáu Lúa hỏi:
- Ở trển lúc rày chắc vui lắm hén, chú Hai?
Tôi hỏi anh ta lên thành phố mấy lần rồi, anh đáp chỉ một lần, cách đây hai năm đi theo ghe bầu bỏ lúa ở bến Bình Đông, đến giờ chưa biết hình thù chợ Bến Thành ra sao. Thấy Sáu Lúa vui tính, tôi hỏi có thích văn nghệ không, anh cười khoe tháng rồi đi thi ở huyện anh được giải nhì với bài “Tình anh bán chiếu”. Tôi hỏi tiếp, anh có biết bài “Trúc đào” không, Sáu Lúa cười vô tư: “Ca thử vài câu coi, tui hổng nhớ...”.
- Chiều nay nhớ ngọn trúc đào, mùa thu lá rụng bay vào sân em, người đi biết về phương nào, bỏ ta với ngọn trúc đào bơ vơ... - tôi rót nhẹ vào tai anh ta mấy câu.
- Chèn ơi, bản này nghe lạ quá, tui chỉ thuộc bài... Anh Ba Hưng thôi! - Sáu Lúa trả lời mộc mạc như trái bắp.
Tôi trở lại vấn đề đáng quan tâm hơn:
- Người yêu anh lên thành phố từ lúc nào?
- Tui qua dạm ngõ được hai ngày là cổ đi biệt, lâu lâu mới về một lần.
- Anh có biết cô ấy làm nghề gì không?
- Nghe nói bán nhà hàng, rồi nghe đồn nhậu dữ lắm.
Nhà hàng thì có nhiều loại, có loại ở thành phố người ta xem không phải là nơi ăn uống, đèn tối mù mù, khi tan cuộc bước ra khỏi quán mấy ông nhậu đầu cổ, tóc tai đều phờ phạc, quần áo nhăn nhúm, bẩn thỉu. Tôi hỏi vậy thì hai người bày tỏ tình cảm bằng cách nào, Sáu Lúa cố nuốt miếng bánh tét đang vướng ở cổ họng, đáp:
- Gọi điện thoại. Có lúc cổ nghe, có khi cổ bảo đang bận làm việc... độ sau này, cổ cứ bảo tui cưới con Tám trồng hành đi, nói nó mê anh lắm, tui chắc không còn hạp với anh nữa... Hồi xưa hiền lành lắm, bây giờ ăn mặc, sửa soạn “xì-tin”... nhìn thấy ớn quá.
Tôi nhìn cô gái đang huyên thuyên “chuyện Sài Gòn” với cô Ba Tình Lỡ rồi nhìn Sáu Lúa ngồi trầm buồn vân vê cái mụt ruồi dễ thương. Hai hình ảnh có lẽ khó mà gắn lại với nhau. Tôi đã biết nhiều mối tình quê nhanh chóng tan vỡ bởi lối sống khác biệt đột ngột xen vào. Hoa chanh nở giữa vườn chanh, thầy u mình với chúng mình chân quê. Hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội ít nhiều bay đi... Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Bính. Làn gió vật chất đã mang lại cho quê tôi nhiều cái được, nhưng cũng đã cuốn đi ở nhiều con người cái bản chất dung dị, hiền hòa. Hoa chanh nở giữa vườn chanh mà ông Nguyễn Bính thiết tha, da diết đó chính là tâm hồn. Chỉ có tâm hồn thanh cao mới là hương thơm vĩnh cửu của cuộc sống con người.
(Theo lời kể của trinh sát Phạm,
Công an TPHCM)

Trần Tử Văn

Không có nhận xét nào: