Trung Quốc sợ điều gì?
(Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/182015/trung-quoc-so-dieu-gi-.html, đăng ngày 23/06/14 lúc 02:00)
Phải vạch trần các hành động của TQ, liên hệ các hành động này với an ninh thế giới và khu vực. Cũng nên hiểu tại sao TQ lại phải đi "la làng" như thế - đó là vì chính TQ cũng có nỗi sợ của mình. Việc Trung Quốc hạ đặt thêm giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời biểu dương một lực lượng hùng hậu các loại tàu dân sự cũng như quân sự khiến nhiều người trên thế giới đau đầu không hiểu giới lãnh đạo TQ đang... nghĩ gì!Trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ ý định lợi dụng cơ hội để "ra tay" với VN. Đầu tháng 5/2014 vừa qua chính là lúc TQ kết luận là thời cơ đã đến.
Tại sao vậy? Năm 2012 khi TQ chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, Mỹ đã làm ngơ. Đến cuộc khủng hoảng ở Syria năm 2013, Mỹ lúng túng rõ rệt - lúc đầu từ chối can thiệp, đến lúc quyết định ra tay thì đã quá muộn.
Một năm sau, việc Nga làm ở Crưm đã cho TQ một "con bài độc" để mặc cả với Nga. Hơn thế, việc Mỹ tránh dính líu ở đây càng làm cho giới lãnh đạo TQ cho rằng đã đến lúc nước này trực tiếp nhúng tay vào thay đổi trật tự thế giới cũ không phải bằng sức mạnh mềm (kinh tế, chính trị, văn hóa), mà bằng công khai gây hấn với nước láng giềng Việt Nam.
Đồng thời với các hành động bành trướng, TQ đang triển khai một chiến dịch tuyên truyền nội bộ và và quốc tế kiểu "vừa ăn cắp vừa la làng". Còn trên trường quốc tế, TQ bố trí một "dàn đồng ca tuyên truyền" với số lượng đông đảo tại các diễn đàn từ nhỏ tới lớn. Dù nơi nào, dù với ai, dù trong hoàn cảnh nào, đặc điểm chung nhất của phương thức của họ là "lớn giọng," thậm chí phớt lờ tất cả lập luận lô-gic của người xung quanh.
Làm sao họ dám làm như thế? Họ dám làm đơn giản bởi họ thấy họ có thể làm! Họ sẽ chỉ dừng lại khi họ thấy việc làm của mình sẽ gây hậu quả.
Trung Quốc rất khôn ngoan trong tuyên truyền quốc tế. Với Mỹ, TQ "khóa họng" bằng cách buộc tội Mỹ đang câu kết vây hãm vì TQ đe dọa vị trí số 1 của Mỹ. Với các nước lớn khác, TQ một mực hứa hẹn là chỉ định "vươn lên một cách hòa bình" (peaceful rise).
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, phương Tây ngồi đó "ngó" Đức vươn lên và chỉ hành động khi thấy chính họ cũng trở thành con mồi; còn Mỹ, mặc dù hứa là sẽ tham chiến nhưng phải đợi tới khi bị Nhật tấn công thì mới thực sự vào cuộc, và chỉ đổ quân vào châu Âu 1 năm trước khi chiến tranh kết thúc. Nhắc lại những bài học cũ để ta hiểu thêm tại sao mặc dù TQ đang có những hành động bành trướng ngang ngược như vậy mà họ vẫn có thể và dám thuyết phục thế giới là họ "vì hòa bình" - bởi thế giới cũng rất muốn tin vào điều đó.
Hiểu như thế để ta đưa ra cách đối phó có hiệu quả. Phải vạch trần các hành động của TQ; phải liên hệ các hành động này với an ninh thế giới và khu vực. Và phải hiểu tại sao TQ lại phải đi "la làng" như thế - đó là vì chính TQ cũng có nỗi sợ của mình.
Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại Vùng đặc quyền kinh tế của VN |
Việt Nam tranh thủ được gì?
Thứ nhất, việc TQ vươn lên thành cường quốc như hiện nay có một phần không nhỏ nhờ vào sự bảo trợ của chính Mỹ.
Từ năm 1972 khi Mỹ và TQ trở nên thân thiện với nhau, Mỹ đã nhượng bộ rất nhiều: gạt bỏ vấn đề Đài Loan sang một bên, ủng hộ TQ gia nhập Liên hợp quốc và sau đó là WTO, mở cửa thị trường cho TQ và đầu tư với tốc độ chóng mặt vào nước này.
Thứ hai, dù TQ có rêu rao rằng nước này có dự trữ ngoại hối và vàng lớn nhất thế giới, là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới đi chăng nữa, thì sự thực là đây là một nền kinh tế được thổi phồng.
Khoảng 30-40% hàng hóa của TQ là xuất sang Mỹ, và tăng trưởng của TQ dựa vào xuất khẩu ra toàn thế giới. Ngoài ra, GDP của TQ lớn, nhưng chỉ số này có thể sụt xuống bất kì lúc nào bởi nó dựa vào lượng đầu tư từ bên ngoài.
Tóm lại, nỗi sợ hãi lớn nhất của TQ không phải là quân sự mà là sự cấm vận về kinh tế. Nếu Việt Nam chấm dứt giao thương với TQ, họ có thể phớt lờ vì chúng ta đóng vai trò quá nhỏ trong nền kinh tế TQ. Nhưng nếu chính phủ Mỹ, Nhật, Úc, và chỉ cần một số nước Tây Âu đồng thời cùng tẩy chay TQ, thì nước này sẽ nhanh chóng trở nên náo loạn.
Viễn cảnh đó là điều Chính phủ TQ hiện nay sợ, bởi một lượng lớn người TQ đã được hưởng những tiện ích mà tăng trưởng kinh tế mang lại, họ sẽ không chấp nhận quay lại thời thắt lưng buộc bụng.
Đã từ lâu, giới chức Mỹ vẫn đề cao một mối quan hệ kinh tế bền chặt với TQ (nhất là dưới thời Obama - người quan tâm tới nội tình Mỹ hơn là đối ngoại), và cái họ phân vân nhất chỉ là về quân đội Nhân dân Trung Hoa và các bước đi quân sự của nước này. Rõ ràng việc làm gần đây của TQ tại biển Đông đã cho họ câu trả lời và từ đó giúp đẩy chính sách của Mỹ với TQ sang một hướng khác.
Đây là yếu tố chúng ta cần lưu ý tranh thủ. Hơn nữa, các nước nhỏ hơn nhưng với cấu trúc về cơ sở hạ tầng và trình độ tay nghề dân số tương tự TQ (như Ấn Độ, Indonesia và nhiều nước khác) cũng sẽ rất ủng hộ tẩy chay TQ. Bởi nó có nghĩa là chính họ sẽ được tăng cường nhận đầu tư nước ngoài thay vì chỉ có một "công xưởng" duy nhất của thế giới là TQ.
Vấn đề là liệu ta có tạo điều kiện cho các nước đó làm như thế hay không? Ngoài việc tăng cường thông tin cho thế giới trên các diễn đàn song phương và đa phương, bằng ngoại giao chính thức và ngoại giao nhân dân, ta còn phải đưa việc làm của TQ ra trước dư luận thế giới bằng việc kiện ra tòa quốc tế. Chỉ khi đó ta mới có thể thuyết phục nhân dân thế giới và chính quyền các nước mới có cơ sở để hành động.
Nếu có một tòa án quốc tế phán quyết rằng hành động của TQ là hành động xâm lược và sai trái, thì việc trừng phạt không phải là để kéo bè kéo cánh "kìm hãm peaceful rise" của TQ mà là biện pháp răn đe.
Cuộc chiến quan trọng nhất và gay cấn nhất chính là lúc này: đó là cuộc chiến bằng công lý, bằng ngoại giao, bằng lương tri, đó là cuộc chiến để đẩy lùi tất cả các cuộc chiến bằng sắt thép và bằng xương máu.
Minh Nguyệt (từ Mỹ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét