Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Bộ Công thương ngại ôm xăng dầu

Bộ Công thương ngại ôm xăng dầu

(Copy từ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ngai-om-xang-dau-20140610222758182.htm, mục Thời sự trong nước, đăng ngày 10/06/2014 22:36;)

Quyền “quyết” điều hành giá xăng dầu sắp tới sẽ được chuyển từ Bộ Tài chính sang bộ chủ quản Công Thương, song không khỏi bất ngờ khi vị “tư lệnh” ngành công thương lại cho biết “không muốn có sự thay đổi này”.

Chia lửa” về trách nhiệm điều hành mặt hàng nhiên liệu thiết yếu và nhạy cảm là xăng dầu khi trả lời chất vấn trên nghị trường Quốc hội chiều 10-06-14, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã “thổ lộ” rằng bộ này không muốn nhận trách nhiệm chủ trì trong việc điều hành giá xăng dầu. Vị “tư lệnh” ngành công thương cho biết đã đề xuất tiếp tục để Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương chỉ phối hợp điều hành giá xăng dầu như hiện hành. Song, theo quyết định của Thủ tướng, đầu mối điều hành giá xăng dầu sẽ được chuyển về Bộ Công Thương nên bộ phải chấp hành.

Việc người đứng đầu ngành công thương cho biết không muốn “ôm” quyền điều hành giá xăng dầu dù có thể gây ra đôi chút bất ngờ song lại có thể hiểu được. Nhiều năm qua, việc điều hành giá xăng dầu luôn là vấn đề không dễ dàng và hay gặp phản ứng, nhất là từ phía người tiêu dùng. Ngay tại phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 10-06-14, có đại biểu đã tỏ ra gay gắt khi truy trách nhiệm trong việc điều hành mặt hàng này.

Một trong những điều gây ra nhiều phản ứng nhất là người tiêu dùng cho rằng quyền lợi và lợi ích của họ đã bị đưa xuống hàng thứ yếu so với lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp trong việc điều hành giá xăng dầu. Thế nên sắp tới, Bộ Công Thương - bộ chủ quản của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đang giữ vai trò chi phối thị trường xăng dầu cả nước - làm “chủ xị” điều hành giá xăng dầu thì càng dễ bị điều tiếng về việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” như quan ngại của đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga. Vì thế, có thể càng dễ gặp phản ứng mạnh hơn trong điều hành giá xăng dầu.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng điều mà người tiêu dùng và dư luận bức xúc thời gian qua hoàn toàn không phải việc tăng nhiều hay tăng ít mà là tính minh bạch của giá xăng dầu. Chính vì thấy chưa được minh bạch về giá mới dẫn tới những phản ứng như: giá xăng dầu “lên nhanh xuống chậm”, “tăng sốc, giảm nhỏ giọt”…

Vì thế, Bộ Tài chính hay Bộ Công Thương giữ quyền “quyết” trong điều hành giá xăng dầu đều không quan trọng bằng việc làm minh bạch giá xăng dầu và điều hành giá mặt hàng này sao cho hài hòa lợi ích 3 bên: nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Làm được điều này thì dù vừa là bộ chủ quản vừa nắm quyền điều hành về giá thì Bộ Công Thương chắc cũng không phải lo gặp phải phản ứng từ người tiêu dùng và dư luận.

PHẠM DƯƠNG

Không có nhận xét nào: