Tấm “visa” đặc biệt |
(Copy từ báo Tuổi trẻ ngày 29/06/14, mục Du lịch) |
Đôi vợ chồng trẻ người Pháp và Ba Lan Quentin Dewiere (32 tuổi) và Agnieszka Nanaszko (30 tuổi) đã thực hiện một hành trình dài qua tám nước trước khi đến VN với một ít tiền và một tấm “visa” đặc biệt có ghi những dòng chân thành. |
Và họ đang thực hiện hành trình khám phá VN. |
Đi đến quốc gia nào, đôi vợ chồng này đều nhờ những người bản địa biết tiếng Anh viết cho một tờ giấy mà họ gọi là tấm “visa” đặc biệt với nội dung: “Chúng tôi muốn đi đến... Nếu bạn đi cùng đường, liệu chúng tôi có thể đi cùng một đoạn thôi có được không? Thật sự chúng tôi không có nhiều tiền. Mọi chi phí chúng tôi đều chi vào lương thực, thực phẩm. Hơn nữa, chúng tôi thật lòng muốn khám phá đất nước của các bạn. Chân thành cảm ơn”. Tại VN, chủ một tiệm Internet được quen qua mạng đã viết giúp đôi vợ chồng này. |
Quentin (giữa) và Agnieszka (bìa phải) cùng một người bạn mới quen chuẩn bị lên đường đi TP.HCM với tấm “visa” đặc biệt - Ảnh: Mai Vinh |
Thử làm người cơ nhỡ |
Trời Đà Lạt mưa lất phất vào một ngày cuối tháng 6, Quentin và Agnieszka đến đây sau khi đã đi khắp các nơi như Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nội, Huế, Nha Trang. Tại Đà Lạt, họ đi dọc các mái hiên khu Hòa Bình (P.1) và trao mẩu giấy nhỏ cho những người bán hàng tìm kiếm sự giúp đỡ. Cầm tờ giấy đã ố vàng có ghi những dòng chữ bằng tiếng Việt được nắn nót cẩn thận, những người bán hàng nở nụ cười rồi nhờ một người lái xe ôm chở đôi vợ chồng trẻ đến một khu trọ nằm sâu trong hẻm Thông Thiên Học (P.2) để thuê nhà trọ giá rẻ. |
Đến căn nhà trọ nào, trước khi hỏi giá họ đều lấy tấm “visa” ấy ra nhẹ nhàng đặt lên lòng bàn tay của chủ nhà trọ trong sự ngạc nhiên. Sau hai lần không tìm được chỗ ưng ý, đôi khách du lịch khác biệt này được ông chủ nhà trọ Home Sweet Home Hostel Dalat Đỗ Phan Anh tiếp nhận với giá phòng chỉ bằng nửa giá niêm yết. Ông Anh cho biết ông đồng ý giảm giá tối đa cho họ vì ông tò mò chuyện họ lang thang khắp nơi với tấm “visa” đặc biệt. |
Vợ chồng Quentin và Agnieszka đều là người nhiếp ảnh tự do. Họ cho rằng nếu chăm chỉ làm việc thì chỉ vài năm sẽ có tiền đi khám phá khắp nơi. Nhưng rồi một ngày cách đây bốn năm, câu chuyện về cụ bà người Ba Lan Teresa Bancewicz (76 tuổi) đi khắp thế giới theo cách quá giang xe và chi phí là những đồng lương hưu ít ỏi đã tạo cảm hứng cho họ. Và họ lao động cật lực để có thể trang trải chi phí trung bình 8 USD/ngày ở tất cả quốc gia họ đi qua. |
Quentin cho rằng: “Quan trọng hơn chi phí là cảm nhận được tình cảm, lòng tốt của con người. Đi lang thang như những người cơ nhỡ đã cho chúng tôi cơ hội làm được điều đó”. Không thể nhớ tên đầy đủ những người VN đã giúp mình, nhưng họ có thể vừa bấm đốt ngón tay vừa đọc tên hoặc biệt danh của hơn 20 người đã chia sẻ chỗ ngồi trên cabin xe tải, đã mời họ ăn bữa dọc đường hoặc một chỗ ngủ mát mẻ trên cung đường miền Trung nóng rát. |
Ngủ nhờ ở quán ăn |
Một lần, vợ chồng Quentin đến một xã heo hút của huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) khi trời đã khuya. Lúc ăn tối ở một quán ăn lụp xụp, họ đưa chủ quán xem tờ giấy để nhờ hướng dẫn đi tìm chỗ nghỉ. Chủ quán ghi vài dòng tiếng Anh rằng làng này không có nhà trọ và đề nghị giúp họ chỗ ngủ bằng cách kê lại bàn ghế thành giường, cho mượn chăn màn. “Ở nhưng nơi hẻo lánh, nghèo khó, tôi cảm nhận được sự chân thành của những người dân. Có cảm giác họ luôn sợ chúng tôi gặp khó khăn vì từ xa đến nên giúp đỡ rất nhiệt tình” - Agnieszka nói. |
Lang thang giữa lòng người bao la |
Câu chuyện của đôi vợ chồng này gắn liền với những lần đi trên cabin xe tải và những lần lang thang ở những làng mạc xa xôi không có một bóng du khách nào, chỉ có hiếm hoi một vài chiếc xe tải chạy ngang qua và cả những bữa ăn miễn phí do người dân sống dọc đường mời. Agnieszka kể để đón xe đi, họ không chọn cách chặn xe đang chạy trên đường mà đi đến những bãi xe tải, nơi tài xế đang chất hàng. Agnieszka kể ở Hà Nội, khi đưa “visa” cho tài xế Long, anh trố mắt nhìn rồi khoát tay chỉ họ lên cabin ngồi. |
“Ở các nước khác, tài xế sẽ chừa một chỗ trong thùng xe rồi bảo chúng tôi ra đó, còn ở VN chúng tôi luôn được ưu tiên cùng tài xế ngồi trong cabin. Có lẽ tờ giấy bằng tiếng Việt đã tạo niềm tin nên họ không để chúng tôi ngồi trong thùng xe chật chội” - Agnieszka nói. Trên đường đi, do không biết ngoại ngữ nên cả hai bên chỉ nhìn nhau rồi cười. “Tôi lạ một điều, chúng tôi luôn đề nghị được chia tiền ăn dọc đường nhưng tài xế không đồng ý” - Agnieszka kể. |
Giữa tháng 5, đang lang thang ở huyện Quảng Uyên (Cao Bằng), một trận lốc ào ào kéo tới. Gió cuốn theo lá cây, rác xối thẳng vào những người đi đường. Quentin và Agnieszka lấy túi ngủ định đặt ở một hốc đá tránh cơn bão nhưng một người đi đường tên Hoàng đã kéo họ về nhà. Ra hiệu bằng cử chỉ, Hoàng giục cả hai người chạy nhanh về căn nhà của anh nằm tựa lưng an toàn vào vách núi. Khi trận lốc đi ngang qua, dọc con đường làng mà họ định đặt túi ngủ tránh bão cây cối ngã la liệt. |
Quentin không giấu được vẻ hồi hộp khi kể lại câu chuyện trái gió trở trời ở một vùng đất lạ. Trận gió lớn vừa qua cũng là lúc trời tối, Quentin và Agnieszka xin phép lên đường, họ đưa tờ giấy cho Hoàng để nhờ hướng dẫn. Đọc xong tờ giấy, Hoàng ra hiệu với đôi vợ chồng nghỉ lại nhà, đợi sáng mai lên đường. Sáng hôm sau, đích thân Hoàng đi tìm một tài xế quen để nhờ đưa họ về TP Cao Bằng. |
Không ngần ngại cho biết mỗi ngày cả hai vợ chồng chỉ có 10 USD để lo cho tất cả mọi việc, Agnieszka kể mỗi khi thể hiện lòng biết ơn cho sự nhiệt tình của những người dân dọc đường, vợ chồng cô thường xuyên đón nhận cái khoát tay rất dứt khoát. “Chúng tôi ngầm hiểu họ nói đừng bận tâm, hãy tiếp tục lên đường” - dứt câu nói, vợ chồng Agnieszka bước vội lên chiếc xe tải chở rau để xuôi về TP.HCM. |
Mai Vinh |
Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014
Tấm “visa” đặc biệt
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét