Tưởng nhớ một nhà thơ lớn
|
Copy từ http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=882&id=513371 , đăng ngày 07/03/14; mục Văn hóa. |
13 năm nay, sau mỗi dịp Tết, các nhà lãnh đạo văn hóa cùng văn nghệ sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh có dịp dự lễ tưởng niệm một nhà thơ lớn, giàu lòng yêu nước, là cụ Á Nam Trần Tuấn Khải. |
Ngôi nhà thờ cụ, được gọi là Á Nam lưu niệm đường, do một người con của cụ - cô Trần Thị Lan, bút hiệu Lan Hinh - từ Mỹ trở về mua một thửa đất ở số 58/4 đường 27, khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, và đã hoàn thành xây dựng vào năm 1998. |
Bà Lan Hinh (đứng giữa) và các liền chị quan họ, các nhà thơ, nhà văn, nhà báo đến dự lễ tưởng niệm cụ Á Nam Trần Tuấn Khải |
Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1895 tại làng Quảng Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, là cháu đời thứ 28 của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng cùng ông Võ Nguyên Giáp được thế giới chọn là 10 vị tướng tài danh bậc nhất của nhân loại này, từ trước đến nay. Cụ Trần Tuấn Khải đã mượn hai từ trong Á châu và Việt Nam để ghép lại thành bút hiệu Á Nam, với lòng ước vọng những địa danh này sẽ có vị trí cao cả ở trên thế giới. Cụ học chữ Hán từ năm lên 6 với thân phụ mình, một nhà nho nghèo nhưng là một vị danh sĩ đã đậu cử nhân của khoa thi Hương vào năm 1890. Từ bé, cụ Á Nam đã yêu thích làm thơ, mang nặng tấm lòng xót thương nòi giống chịu cảnh nghèo nàn, nô lệ dưới ách thực dân. |
Năm 19 tuổi, cụ được nhiều người biết đến với bài Tiễn chân anh Khóa xuống tàu (1914) mượn lời một người phụ nữ đưa tiễn người yêu ra đi tìm đường cứu nước. Đây là bốn câu cuối của bài thơ này: |
Anh Khóa ơi! Anh ra đi mây nước muôn trùng |
Em về vò võ phòng không một mình |
Vời trông theo tàu ngoắt khúc sông quanh |
Sông bao nhiêu nước giọt lệ tình em bấy nhiêu. |
Về chủ đề anh Khóa, tác giả đã có bốn bài. Ngoài bài Tiễn chân, còn bài Mong anh Khóa (1915), Gửi thư cho anh Khóa (1922) và sau ngày đất nước được giải phóng, là bài Mừng anh Khóa về (1975) - xin trích hai câu thơ giữa: |
Anh Khóa ơi! Cũng vì giang sơn mà anh phải lặn lội xông pha |
Phất cờ cách mạng, vì nước vì nhà trong bấy nhiêu niên. |
Và bốn câu cuối: |
Anh Khóa ơi! Ta sẽ làm cho nổi tiếng với danh hoàn |
Làm cho dân tộc với giang sơn rạng rỡ hơn người |
Làm cho Bắc Nam sum họp chung vui |
Cho nhau hưởng phúc muôn đời, anh Khóa em ơi! |
Về văn thơ, cụ Á Nam có nhiều tác phẩm, như tập thơ Duyên nợ phù sinh I ra đời năm 1921, năm 1922, ra đời Duyên nợ phù sinh II cùng tiểu thuyết Hồn Hoa, quyển văn dịch Mạnh Tử và bộ tiểu thuyết Thủy Hử của Trung Hoa. Cuối năm 1921, cụ xuất bản tạp bút Bút quan hoài I gồm nhiều bài kích động nên năm 1927, thực dân Pháp ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ tác phẩm này. Năm 1932, quyển Chơi xuân của cụ có nhiều bài gợi lòng căm phẫn của quốc dân nên sách bị cấm và tác giả bị ngồi tù trong mấy tháng. Sau đó cụ cho ấn hành tập Bút quan hoài II. Từ năm 1935 về sau cụ vừa xuất bản tiểu thuyết Thiên thai võ hiệp, tập thơ Với sơn hà I, Với sơn hà II, dịch một số sách có tính giáo dục và cộng tác với nhiều tờ báo. |
Ông Trần Bạch Đằng đến dự lễ tưởng niệm và ghi cảm tưởng vào sổ lưu bút |
Năm 1955, cụ Á Nam di cư vào Nam, làm việc ở Ban Tu thư của Nha Văn hóa rồi sang Thư viện quốc gia đặc trách sưu tầm, nghiên cứu. Tuy làm việc với chính quyền cũ, cụ vẫn có sự quan hệ với lực lượng cách mạng qua những cán bộ hoạt động bán công khai ở Sài Gòn. Về mặt công khai, cụ Á Nam đã tham gia Phong trào dân tộc tự quyết do luật sư Nguyễn Long khởi xướng, phản đối sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam, và với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Văn học Nghệ thuật cụ cùng với Phó chủ tịch hiệp hội là kịch tác gia Vi Huyền Đắc gởi kiến nghị lên Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương - bấy giờ là Nguyễn Cao Kỳ - để yêu cầu có biện pháp ngăn chặn sự tràn lan của những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật mất gốc, đồi trụy. Tiếp đó, cụ cùng giáo sư Dương Minh Thới - đồng chủ tịch danh dự của Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc ra đời ngày 7-8-1966 tại một đại hội tổ chức ở tòa đô chính (nay là trụ sở UBND thành phố) trực tiếp phát biểu lên án mọi mưu đồ, thủ đoạn xâm lăng văn hóa của đế quốc, đồng thời đề cao văn hóa dân tộc với những truyền thống cần phải bảo vệ, phát huy. Sau ngày giải phóng, cụ Á Nam là Chủ tịch danh dự của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày cụ từ giã cõi đời - ngày 7-3-1983. |
Cũng như mọi năm, lễ tưởng niệm cụ năm nay - vào ngày 22-2-2014 - có đầy đủ khách đến dự, đa số là giới văn hóa, văn nghệ. Trên chiếc xe lăn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn có mặt. Và nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Nhã vẫn luôn hiện diện bên cạnh phu nhân có tài ẩm thực đã giúp bà Trần Thị Lan thực hiện những món điểm tâm gọn, nhẹ cho các khách mời. Và như mọi năm có những nhà thơ ở nhiều câu lạc bộ thơ thành phố đến dự. Nhưng hấp dẫn nhất là những liền anh, liền chị với những chào mời quan họ rất là duyên dáng. Đặc biệt năm nay Câu lạc bộ quan họ ở Phú Giáo (Bình Dương) cũng đến góp phần chung vui. Bên cạnh những bài quan họ và những bài thơ được sự ca ngâm cùng những tờ thư pháp trao tặng với những câu, lời chúc tụng, bà Trần Thị Lan vẫn như thông lệ hàng năm trao những phần thưởng cho các học sinh Trường Ngô Chí Quốc - cạnh nhà lưu niệm - những em đã có công trình xuất sắc viết về thi phẩm của cụ Á Nam. Đây cũng là cách báo hiếu của cô Lan Hinh với phụ thân mình, đồng thời cũng là phương cách quý báu giúp nuôi dưỡng trong lớp trẻ truyền thống yêu nước thể hiện sâu xa trong nhiều tác phẩm của cụ Á Nam. |
Đặc điểm lớn nhất trong thơ của cụ Á Nam là lòng yêu nước, thể hiện qua nhiều mức độ và nhiều đề tài. Thật chưa có nhà thơ nào dành trọn đời mình cho tình yêu nước đậm đà như thế. Và cũng chưa có một nhà thơ nào, đặc biệt là giới thâm nho, lại có lời thơ giản dị, gần gũi quần chúng như thế. Phần lớn thơ cụ mang đậm màu sắc ca dao, chẳng hạn: |
Rủ nhau xuống bể mò cua, |
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng. |
Ai ơi, chua ngọt đã từng, |
Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau. |
Hoặc giản đơn như lời nói thông thường: |
Trên chiếc xe hơi con chó ngồi |
Dưới đường, xe bò thằng người lôi |
Đời vẫn tưởng người sướng hơn chó |
Nào hay rằng chó sướng hơn người. |
Nhưng một nhà thơ yêu nước lớn lao như thế, gắn bó trọn cuộc đời mình cho nền văn học dân tộc lại không được thấy xuất hiện ở trong chương trình văn học của các trường lớp. Và cái sự nghiệp trước tác lớn lao như thế hẳn đang chờ một giải thưởng từ phía Nhà nước. |
Nhờ vào truyền thống gia đình tốt đẹp ở trong đời sống dân tộc mà chúng ta có một nhà thơ lớn. Bởi cụ Á Nam, người cháu đời thứ 28 của Đức Thánh Trần, vẫn luôn nuôi dưỡng ở trong máu tủy hào khí vì nước vì dân của tổ tiên mình. Và nếu người con gái cụ Á Nam không có tấm lòng hiếu thảo đối với người cha đáng kính, đã chịu tạm thời xa chồng, xa 9 người con và 20 cháu yêu thương ở tại nước ngoài để quay về lại quê hương xây dựng được khu lưu niệm, dẫu chỉ là những vách đá, mái tôn, thì bao nhiêu người từng mến mộ cụ Á Nam làm sao có được cơ hội dâng hương cho cụ hàng năm, và được nghe nhiều văn nhân, thi sĩ nói nhiều về cụ. Và điều mà bà Lan Hinh lo nghĩ hiện nay, là với tuổi cao, sức yếu sẽ sớm có ngày rời khỏi trần gian để trở về gặp tiên tổ, thì ai sẽ nối tiếp bà bảo vệ, trùng tu khu lưu niệm này? |
Vũ Hạnh |
Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014
Tưởng nhớ một nhà thơ lớn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét