Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Bolivie: Mô hình kinh tế được IMF ca tụng

Bolivie: Mô hình kinh tế được IMF ca tụng
Copy từ http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=1120&id=513359 , đăng ngày 07/03/14 , mục Quốc tế.
(CATP) Những quốc gia lân cận đông dân và giàu có hơn từ lâu đã che khuất bóng nó. Bolivie, một đất nước nghèo, kinh tế tuyệt vọng triền miên, lại bất ngờ trở thành ngôi sao sáng. Tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2013, tỉ lệ cao nhất vùng. Lạm phát bị kiềm chế, cân bằng ngân sách đạt được, và nợ công xưa kia là khủng khiếp nay giảm xuống đáng kể. Để đối phó với những giai đoạn khó khăn, Bolivie có một quỹ dự trữ ngoại hối làm “xanh mặt” các nước trên thế giới, so với kích thước kinh tế của mình.
Bolivie trở thành tấm gương sáng cho các định chế tài chính quốc tế, như IMF mà Tổng thống Evo Morales cầm quyền từ 22-1-2006 vẫn thường tỏ ra khinh miệt. Khi lên cầm quyền, ông đã quốc hữu hóa nền công nghiệp khí đốt và dầu hỏa, tịch thu hơn 20 xí nghiệp tư trong các lĩnh vực khác. Nhưng nếu Morales tự xem mình như một nhà cách mạng, nhiều người đã dùng một danh từ rất khác để mô tả ông: cẩn thận. Cũng như IMF, Ngân hàng Thế giới cũng ca tụng ông trong một báo cáo mới đây về chính sách kinh tế vĩ mô của con người cẩn thận Evo Morales. Cơ quan đánh giá tài chính lừng danh Fitch Ratings nói đến cách quản lý ngân sách cẩn thận của ông. Nếu vẫn kiên trì đứng về cánh tả của châu Mỹ Latinh, ông tiếp cận các vấn đề kinh tế với một quan điểm rộng mở hơn, khác hẳn chính sách cứng nhắc theo lý tưởng trong vùng.
Cách nay không lâu, Bolivie vẫn còn là một đất nước bất ổn về kinh tế và chính trị. Dù vẫn còn là nước nghèo nhất châu Mỹ Latinh, nhiều thay đổi lớn đã xảy ra. Theo IMF, thành tựu kinh tế năm 2013 là cao nhất từ ít nhất 30 năm qua, và đã bù đắp cho những năm khó khăn. Tỉ lệ cực nghèo từ 38% dân số năm 2005, một năm trước khi ông Morales nhậm chức, đến năm 2011 còn 24%.
Vẫn còn nhiều cực khổ, nhưng chuyển biến kinh tế đã được nhìn thấy rất rõ: nhiều ngôi chợ mọc lên ở các thành phố, máy cày mới cáu hoạt động trên những cánh đồng trước đây còn được trâu cày. Tại El Alto, một thành phố công nhân nằm trên đồi cao của thủ đô, nay xuất hiện nhiều căn nhà mới xây, màu sắc sặc sỡ.
Một trong những điều gây kinh ngạc nhất là kho dự trữ ngoại tệ. Bolivie đã tích cóp được 14 tỉ đôla, tương đương với phân nửa GDP của mình, hay 17 tháng nhập khẩu. Khi kinh tế gặp khó khăn, kho dự trữ này luôn cạn kiệt trước tiên. Theo IMF, Bolivie có kho dự trữ ngoại tệ cao nhất thế giới, so với kích thước của quốc gia mình. Bộ trưởng Kinh tế Bolivie Luis Arce tuyên bố: Chúng tôi đang chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng, có thể vừa theo xã hội chủ nghĩa vừa đạt cân bằng kinh tế vĩ mô. Tất cả những gì chúng tôi làm đều nhằm giúp người nghèo. Nhưng phải biết áp dụng khoa kinh tế học.
Sự trù phú này một phần do giá khí đốt tăng cao, vốn là sản phẩm xuất khẩu chính của Bolivie. Tháng 11-2013, tổng thống còn ra lệnh tăng gấp đôi tiền thưởng cuối năm (tương đương một tháng lương) cho tất cả công chức và phần lớn công nhân trong khu vực tư. Những kẻ chỉ trích giải thích hành động này là do sắp đến kỳ bầu cử. Dĩ nhiên ông Morales sẽ tiếp tục tranh cử vào tháng 10-2014, nhưng biện pháp này còn nằm trong nỗ lực tái phân phối lợi tức từ khí đốt, để đồng tiền đi thẳng vào túi dân chúng. Nếu sự thay đổi này đáng lưu ý, vì trong nhiều năm liền Bolivie là nơi thể hiện chính sách kinh tế thị trường cổ điển, theo hướng dẫn của IMF và các định chế tài chính quốc tế khác, nhưng không thành công. Có lúc lạm phát đến... 24.000% vào năm 1985.
PHỤNG CAO (LCI)

Không có nhận xét nào: