Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Lại chuyện ứng xử với di sản

Chuyện cuối tuần
Lại chuyện ứng xử với di sản
Copy từ http://sgtt.vn/Van-hoa/177473/Lai-chuyen-ung-xu-voi-di-san.html; đăng ngày 11/05/13, mục Văn hoa.
SGTT.VN - Chuyện hàng loạt di sản quốc gia kêu cứu đang trở lại một lần nữa, từ chùa Diên Hựu (Một cột) dột nát cần phải được sửa chữa, trùng tu cho đến người dân làng cổ Đường Lâm trong cảnh nhà cửa xuống cấp mà không được sửa.
Trước đó, tất cả mọi người như “nín thở” theo dõi việc Mỹ Sơn bị phá nát bởi những nhà đầu tư để rồi thở phào khi chính quyền vội vã can thiệp. Nhưng số phận của Mỹ Sơn và cả những di sản văn hoá Việt sẽ ra sao nếu cứ để cho những chiếc máy khoan, máy ủi kia đụng vào rồi mới vội vã lấp liếm vì sợ dư luận? Liệu cuộc rượt đuổi mang tính “ăn xổi ở thì” này sẽ đi đến đâu?
Người viết từng đến Bagan, một xứ sở còn giữ nguyên hàng ngàn tháp cổ của Myanmar. Chưa thấy thì thôi, nhưng khi đã nhìn thấy tận mắt người dân của một đất nước khác gìn giữ văn hoá cổ bằng sự trân trọng, thậm chí là tôn kính, thì giờ đây, mỗi ngày nghe một tiếng kêu than từ những di sản văn hoá của người Việt, lại quặn lên nỗi đau về một tương lai không còn văn hoá truyền thống bởi bằng cách này hay cách khác, chúng ta đang dần tự huỷ diệt nó bằng lòng tham và sự thiếu hiểu biết.
Tượng Phật chùa Một cột đội nón, mặc áo mưa những hôm mưa lớn. Ảnh: VTC News
Trở lại với những di sản mới nhắc đến, khoan nói đến quyền con người hay luật lệ, mà đi thẳng vào vấn đề chúng ta đã từng tranh cãi về việc “ứng xử với di sản”. Chúng ta đã làm gì với di sản? Các nhà khoa học nghiên cứu văn hoá, lịch sử được tôn trọng đến đâu? Những người phụ trách chăm nom di sản ấy trình độ ra sao? Các cơ quan hữu trách quản lý di sản đã thể hiện vai trò, trách nhiệm và cả sự hiểu biết di sản như thế nào? Thậm chí người ta còn lợi dụng di sản quốc gia để tham nhũng…
Qua hai sự việc chùa Trăm gian trước đây và chùa Một cột hiện nay, chúng ta thấy có vài vấn đề: các cơ quan văn hoá và bảo vệ di sản luôn phản ứng chậm với sự xuống cấp hàng ngày của các di tích vốn phân tán trong các địa phương, lại càng chậm hơn nữa nếu muốn có kinh phi sửa chữa.
Với cơ chế hành chính hiện nay, việc này muốn thành hiện thực phải mất hàng năm trời. Những nhà tu hành có thể huy động vốn xã hội để tự bảo quản trùng tu, nhưng với quan niệm thẩm mỹ thiếu chuyên môn và những phường thợ hiện nay, khó mà làm tốt cho một di tích cổ xưa. Vậy thì tại sao không chuyển vốn xã hội ấy cho các cơ quan trùng tu bảo quản của Nhà nước để huy động các nhà chuyên môn trùng tu theo tinh thần văn hoá cổ? Vốn xã hội hoàn toàn của tư nhân, mà bằng uy tín tôn giáo những nhà tu hành quyên góp được, dù không hề có cơ quan giám sát kiểm tra nào, nó vẫn được chi tiêu chính xác, không thất thoát và thường đúng người đúng việc. Những người có vốn xã hội không hề muốn giao vốn này cho cơ quan văn hoá trùng tu khi không có lòng tin nào vào một cơ chế hành chính không hiệu quả và rất thích phong bì.
Kinh nghiệm mà chúng tôi thấy có thể làm tốt, và đã từng làm, là các nhà tu hành nên nhờ một nhà chuyên môn có uy tín chủ trì việc trùng tu và họ cùng với nhà chuyên môn hoàn toàn có thể xin giấy phép từ các cơ quan văn hoá địa phương và cục Di sản. Nhà chuyên môn sẽ chịu trách nhiệm về nội dung công trình cho đến khi hoàn thành, còn các nhà tu hành và nhà hảo tâm vẫn kiểm soát vốn.
Phan Cẩm Thượng – H.T

Không có nhận xét nào: