Gạo giá rẻ: không phải lỗi của thời thế |
Copy từ http://sgtt.vn/Kinh-te/177936/Gao-gia-re-khong-phai-loi-cua-thoi-the.html ; đăng ngày 24/05/13 ; mục Kinh tế . |
SGTT.VN - Không lâu trước đây, VFA đưa tin gạo Việt gặp khó khăn khi gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ, mà trong đó điển hình nhất là Ấn Độ với chiêu bài giá rẻ. Rồi đến gần đây, gạo Việt Nam dù có giá rẻ cũng không bán được... |
|
Dù có chính sách tạm trữ, người nông dân vẫn phải thường xuyên bán gạo giá rẻ. Ảnh: Ngọc Tùng |
|
Giai đoạn cuối năm 2011, giá gạo Việt cao hơn 1/3 so với giá gạo Ấn khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt gặp khó. Và chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, thị trường gạo thế giới đã bị Ấn Độ “thâu tóm” gọn các phân khúc thị trường trung bình và thấp. Trong khi trước đó, Việt Nam lại rất kỳ vọng làm được điều này khi Thái Lan tiến sâu vào thị trường gạo chất lượng cao. Như vậy, việc gạo Việt Nam gặp nạn rẻ mà bán không được như hiện nay có lẽ không phải do thời thế khi hiện nay giá gạo Ấn cao hơn gạo Việt gần trăm USD/tấn. |
Lỗi của thời thế? |
Lỗi lớn nhất có lẽ là lỗi trong xây dựng hệ thống cung ứng gạo cũng như thực hiện các mô hình sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Thực tế cho thấy Việt Nam đã học hỏi và xây dựng nhiều mô hình trong việc sản xuất cung ứng lúa gạo cho thị trường trong nước và quốc tế. Xét về lý thuyết, các mô hình đều có những đặc tính ưu việt hứa hẹn mang về hiệu quả cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa mô hình nào được thực hiện đến nơi đến chốn, thậm chí là còn để lại những di chứng. |
Mô hình “4 nhà” trước đây bao gồm: nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông, thì giờ đây biến hình thành “5 nhà” trong đó nhà thứ 5 chính là “thương lái”. Đó là chưa kể nhà khoa học vẫn loay hoay với các giống lúa chưa được thống nhất, doanh nghiệp với vùng nguyên liệu “khi thừa lúc thiếu”, nông dân gặp khó khi giá đầu vào cao còn Nhà nước vẫn chưa ban hành và thực thi hiệu quả các quy định, hỗ trợ sản xuất cũng như xuất khẩu. |
Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ra đời với mục đích kết nối doanh nghiệp và nhà nông nhằm tăng tính tương tác giữa các lực lượng cung ứng nhằm tối thiểu rủi ro, tạo thế mạnh để đạt thặng dư cao nhất. Tuy nhiên, thực tế thì đây vẫn chỉ dừng ở mức cơ hội cho các nhà sản xuất vật tư nông nghiệp. Thậm chí còn mang về bất lợi cho nhà nông khi các giải pháp đầu ra cho cánh đồng mẫu lớn chưa có, hoặc giả chưa được thực hiện hiệu quả khiến “gạo nhiều tiền chẳng bao nhiêu” do bị ép giá. |
Gần đây nhất là mô hình mua tạm trữ lúa gạo hỗ trợ đầu ra cho người nông dân và đầu vào cho doanh nghiệp cũng gặp không ít những hạn chế. Việc mua tạm trữ trong khi Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực (vốn, quản lý) và hệ thống hạ tầng khiến các đối tượng tham gia ít được lợi. Thế nên giá vẫn rẻ, doanh nghiệp nhận ưu đãi vẫn chậm mua hàng. Lẽ ra mô hình tạm trữ phải song song mô hình cải thiện hệ thống xuất khẩu để đảm bảo “cửa này vào, cửa kia ra” nhằm giảm áp lực tài chính, kho chứa. |
|
Ảnh tham khảo |
|
Xem chiến lược của Ấn Độ |
Có người đặt câu hỏi về thành công tính đến nay của gạo Ấn Độ, thiết nghĩ Việt Nam phải nghiên cứu vấn đề này. Nên biết rằng, gió mùa ảnh hưởng đến hơn 70% lượng mưa hàng năm của Ấn Độ, nghĩa là sản lượng gạo nước này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trong khi ở Việt Nam, yếu tố thời tiết thuận lợi hơn rất nhiều. Hơn nữa, Ấn Độ chỉ vừa đẩy mạnh động thái xâm nhập thị trường lúa gạo trong vài năm gần đây so với lịch sử khá dài của gạo Việt Nam. |
Thứ nhất, Ấn Độ đã “lấp lỗ trống” khi Việt Nam lơ là các thị trường truyền thống. Năm 2011, 2012 là năm Việt Nam bùng nổ trong việc xuất khẩu gạo đến thị trường Trung Quốc. Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu gạo tại Trung Quốc và xem nước này là đối tác tiềm năng trong xuất khẩu lúa gạo. Trong khi đó, Ấn Độ tập trung vào các phân khúc thị trường đa dạng hơn, rõ ràng hơn như thị trường gạo cấp thấp gồm châu Phi, Bangladesh hay thị trường gạo cấp cao hơn tại Trung Đông, Iran và châu Âu. Việc nhắm đến thị trường Trung Quốc trong khi đây lại là đối tác “thiếu ổn định”, bắt nguồn từ bộ phận thương lái Trung Quốc cũng như những bất ổn về xã hội khiến gạo Việt không chỉ mất thị trường cũ mà còn không “ăn được miếng bánh” từ thị trường mới. |
Thứ hai, đi kèm với phân khúc và mở rộng thị trường chính là việc nghiên cứu sản xuất các loại lúa phù hợp với nhu cầu thị trường. Việc chạy theo “tin đồn” thị trường khiến Việt Nam mất ổn định nguồn cung khi thời gian qua, gạo chất lượng cao “thừa” do nhu cầu thị trường giảm. Khác Việt Nam, việc phát triển gạo chất lượng cao của Ấn Độ mang về hiệu quả trông thấy khi loại gạo Basmati xuất khẩu với giá 990 USD mỗi tấn, và sản lượng xuất khẩu chiếm đến 25% trên tổng kim ngạch xuất khẩu gạo. |
Như vậy, chính sự yếu kém trong thực hiện các biện pháp cung ứng lúa gạo, cùng với sự sai lầm trong chiến lược xuất khẩu (xác định sai đối tác tiềm năng) khiến gạo Việt mất cả sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu. Gợi ý duy nhất cho Việt Nam vẫn chỉ là câu “sai chỗ nào thì bắt đầu lại từ nơi đó”. Tất nhiên, nguyên tắc linh hoạt, nói và làm cần được đảm bảo. |
|
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét