Trần Ngọc Trung, tổng giám đốc công ty cổ phần Vinh Phát |
Dân mình không thể nghèo mãi được |
Copy từ http://sgtt.vn/Loi-song/177763/Dan-minh-khong-the-ngheo-mai-duoc.html; đăng ngày 20/05/13, mục Lối sống. |
SGTT.VN - Trong lúc các doanh nghiệp trong nước đang giảm mạnh giá gạo để cạnh tranh được với Thái Lan, đẩy giá gạo xuất khẩu Việt Nam xuống mức thấp nhất thế giới, có một người âm thầm “lội ngược dòng” suốt hơn 20 năm qua, nhằm góp phần xây dựng chuỗi giá trị khép kín, ghi danh thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới với những sản phẩm nổi tiếng như gạo đồ, gạo lài, gạo trắng, gạo tấm, gạo nếp... Đó là Trần Ngọc Trung, mà giới doanh nhân quen gọi là “Trung gạo”. |
Là thành viên hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông đánh giá thế nào về nỗ lực của VFA trong việc cải thiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân, để người nông dân không quá thiệt thòi như trong thời gian qua? |
|
|
Nỗ lực của VFA trong những năm qua đến thời điểm hiện nay rất đáng được ghi nhận. Theo tôi, thiệt thòi của nông dân xuất phát ở vấn đề các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bán phá giá. Doanh nghiệp mình có một nhược điểm lớn là không giữ được bản lĩnh, bán mau, cạnh tranh phá giá lẫn nhau, không thể thống nhất giá được. |
Văn hoá kinh doanh của ta cũng không chuyên nghiệp, nên dù chúng ta xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng nông dân vẫn nghèo vì giá xuất khẩu luôn rất thấp. So với giá gạo thế giới, Việt Nam là thấp nhất, thấp hơn cả Pakistan, Myanmar, Ấn Độ, trong khi chất lượng gạo của Việt Nam luôn cao hơn rất nhiều… đó là câu hỏi lớn. Thực trạng đó đòi hỏi hiệp hội Lương thực luôn quyết liệt trong các đề xuất của mình. Hiệp hội luôn khuyến cáo gắt gao các doanh nghiệp phải giữ giá tốt để ổn định đời sống cho nông dân. |
Để hình thành một chuỗi khép kín từ đầu đến cuối cho xuất khẩu, con đường đến với hạt gạo của ông hẳn cũng đầy gian truân? |
Thị trường luôn thúc đẩy buộc mình phải thay đổi cách làm, nông dân muốn bắt kịp nhu cầu thế giới cũng phải thay đổi theo. Mọi đổi thay đều bắt đầu từ khoa học. Quan trọng nhất trong cuộc chạy đua này là các nhà tạo giống. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân cũng bó tay. Viện Nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua đã rất nỗ lực để đưa ra nhiều giống lúa tốt, nâng giá trị hạt gạo. |
Tôi đến với hạt gạo bắt đầu từ năm 1989, vô nghề này quả không dễ dàng gì. Những ngày đầu không tự chủ được nhà máy sản xuất, phải đi thuê mướn các doanh trại để có kho… Hai mươi mấy năm qua, bắt đầu từ việc bán buôn các mặt hàng nông sản, khi định hướng nhà nước về xuất khẩu gạo mở ra, tôi đã quyết định đầu tư sâu vào hạt gạo. Con đường phát triển từ gạo trắng xuất khẩu chuyển sang gạo thơm cao cấp đến gạo đồ là cả một nỗ lực dài lâu để nâng giá trị cộng thêm cho hạt gạo. Để có thể dẫn đầu về chất lượng và sự tin cậy, không có cách nào khác là đầu tư cho công nghệ. Chọn những vị trí chiến lược để vận chuyển dễ dàng, bảo đảm giao hàng đúng hạn, Vinh Phát đã đầu tư ba nhà máy sản xuất gạo trên khắp sông Mekong, đầu tư công nghệ mới nhất về sàng lọc, đánh bóng. Quy trình từ gạo thô đến khâu cuối cùng xuất xưởng đều được kiểm tra gắt gao. |
Để bao tiêu được đầu vào, bảo đảm chất lượng hạt gạo, tôi làm thí điểm cánh đồng mẫu. Kết hợp với chính sách khuyến nông của tỉnh An Giang, tuỳ theo thổ nhưỡng từng vùng, chọn giống lúa thích hợp để đưa cho nông dân. Bắt đầu với hơn 500ha, dần dần chất lượng chinh phục được khách hàng năm châu. |
Ở thời điểm 2010, khi kinh tế đã bắt đầu suy thoái, quyết định đầu tư hơn 11 triệu USD cho công nghệ sản xuất gạo đồ của ông dường như quá mạo hiểm? |
Quy trình sản xuất gạo đồ phức tạp hơn gạo trắng nhiều lắm, đòi hỏi đầu tư lớn về thiết bị, kỹ thuật. Làm kinh doanh nếu không mạo hiểm, không chấp nhận rủi ro, thì làm sao chinh phục được đỉnh cao mới. Bạn bè cũng có người khuyên tôi không nên đầu tư lớn trong lúc này, vì thị trường mình hướng đến không phải trong nước, mà là quốc tế, khó kiểm soát được. Bài toán thứ hai là đầu tư tài chánh cực kỳ khó khăn. Nhưng tôi tin vào tầm nhìn của mình. Bên cạnh đó là nhờ có sự liên kết về đầu ra với khách hàng, am hiểu kỹ thuật, và một số người thân hỗ trợ. Cũng may lúc đó ngân hàng “co cổ” hết trơn, vốn của mình là chủ yếu, nên tôi không rơi vào cơn lốc lãi suất. |
Dân mình không thể nghèo mãi được. Khi công nghiệp hoá trở thành sức mạnh để phát triển nông nghiệp, sẽ có sự thay đổi căn bản về phương thức sản xuất, cách sống của người nông dân. |
Hơn 20 năm trên thị trường xuất khẩu gạo, bí quyết nào đã giúp ông thành công? |
Tôi vẫn đang trên con đường chinh phục sự thành công, có lúc cần thận trọng, có lúc mạo hiểm. Tính tôi khi cần đầu tư cái gì cũng quyết định rất nhanh. Không chỉ đầu tư kinh doanh gạo, tôi còn có may mặc xuất khẩu để ngành này kéo ngành khác trong lúc tài chính khó khăn. |
Phải chăng những ngày tuổi trẻ lăn lộn ở chợ Bình Tây, trở thành chủ vựa lớn chuyên bán buôn các loại đậu và đường đã hình thành bản lĩnh kinh doanh nhạy bén của ông? |
Máu kinh doanh của tôi dường như có từ trong... bụng mẹ. Mười lăm tuổi đầu, lần đầu tiên đến chợ Bình Tây, trong túi không một đồng, nhưng nhìn các sạp vải lớn và khung cảnh buôn bán tấp nập, tôi đã biết mình sẽ theo nghiệp kinh doanh chứ không thể làm gì khác. Hai mươi tuổi tôi đã là chủ sạp chuyên bỏ sỉ các loại đường cát, đường tán, đường thẻ... từ đó tôi buôn tất cả các mặt hàng tạp hoá. Nhờ thế con người mình nhanh nhẹn hơn, cái gì cũng biết, từ bột bán, bột năn, bột mì, hột é, hột lười ươi… học được đủ thứ, đủ nghề. Nhưng từ người kinh doanh ở chợ trở thành nhà xuất khẩu là cả một quá trình tự học, từ học tiếng Anh đến học kỹ thuật, công nghệ, học từ nông dân… |
Làm việc rất căng thẳng nhưng sao thấy ông vẫn thư thái, nhẹ nhàng? |
Tôi thả lỏng mình bằng cách buông việc này ra, để làm việc khác. Cái đầu mình không thể không suy nghĩ, khi căng quá tôi thích nấu ăn cho bạn bè, hoặc chế tạo một cái gì đó mới. Phải biết cách sống sao cho thoải mái mới kéo dài được việc kinh doanh. |
Ông có thể chia sẻ điều gì với bạn bè doanh nhân đang đứng trước bờ vực phá sản? |
Tôi luôn tự động viên chính mình và anh em không bị hụt hẫng trong ngành gạo vốn cạnh tranh quá khốc liệt. |
Làm doanh nhân ai cũng muốn phát triển tốt, sẵn sàng chịu cực chịu khổ để mang lại lợi ích cho xã hội, nhưng trong kinh doanh không ai có thể nói mình tài. Chữ tài chẳng bằng vận may, bằng cơ hội, tôi nhìn thấy tỷ trọng đó chiếm nhiều lắm trong sự thành đạt của doanh nhân. |
Người thầy lớn nhất trong kinh doanh với ông là gì? |
Tôi không dám coi ai là thầy, mà hoàn toàn tin vào phán đoán của mình, không bị chi phối bởi những gì xung quanh. Muốn vậy, đòi hỏi con người mình phải mạnh mẽ, quyết đoán, suy tính dữ lắm. |
|
Ông có niềm tin mãnh liệt vào hạt gạo Việt Nam trong tương lai? |
Tôi rất tin vào các nhà khoa học, chính họ là đòn bẩy cho hạt gạo Việt Nam trong tương lai. Dân mình không thể nghèo mãi được. Khi công nghiệp hoá trở thành sức mạnh để phát triển nông nghiệp, sẽ có sự thay đổi căn bản về phương thức sản xuất, cách sống của người nông dân. |
|
thực hiện: Kim Yến |
|
Ảnh động: Chim bồ câu ngậm nhánh ô liu. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét