Phép thử đối với "bó đủa" ASEAN |
Copy từ http://sgtt.vn/Quoc-te/177212/Phep-thu-doi-voi-“bo-dua”-ASEAN.html; đăng ngày 02/05/13, mục Quốc tế. |
SGTT.VN - Bằng chuyến thăm các nước “không thân không sơ”, Bắc Kinh muốn làm phép thử xem tác động của vấn đề biển đảo đối với quan hệ Trung Quốc – ASEAN rồi sẽ như thế nào? |
Từ 30.4.13 đến 5.5, trong chuyến công du kéo dài sáu ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị đang tiến hành thăm bốn nước thành viên của ASEAN bao gồm Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei. Thái Lan là điểm dừng chân đầu tiên của ông Vương trên cương vị tân Ngoại trưởng Trung Quốc. Ngoài việc hai bên nhất trí tăng cường thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015, vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là một nội dung quan trọng khác trong chương trình nghị sự giữa ông Vương và người đồng cấp Surapong Towichuckchaikul. |
|
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) thăm Thái Lan trong chuyến công du sáu ngày đến bốn nước Asean. Ảnh: TL |
|
Lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua, các nước châu Á trở thành lựa chọn ưu tiên của một ngoại trưởng Trung Quốc mới được bổ nhiệm. Kyodo News cũng dẫn lời các chuyên gia khẳng định, ông Vương sẽ thảo luận với giới lãnh đạo các nước về vấn đề Biển Đông và tăng cường hợp tác thương mại ASEAN – Trung Quốc. |
Trong bốn nước ông Vương hiện đang công du dường như mang tính trung lập cao hơn và có ảnh hưởng quan trọng hơn đến khối ASEAN, hiện do Brunei giữ ghế chủ tịch luân phiên. Tuy nhiên, Thái Lan, Indonesia và Singapore lại là các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ. Điều này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực thân cận với các cường quốc khác. |
Chuyến công du của tân Ngoại trưởng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12 sẽ khai mạc ngày 31.5.13 tới đây tại Singapore. Theo Giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, Đối thoại Shangri-La sẽ nêu ra sáu chủ đề quan trọng tại các phiên họp toàn thể. Đó là: cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh khu vực, bảo vệ lợi ích quốc gia và phòng tránh xung đột, hiện đại hóa quân sự và sự minh bạch chiến lược, vai trò của Trung Quốc trong an ninh toàn cầu, các định chế khu vực và toàn cầu với an ninh châu Á, thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương |
Chuyển tranh chấp sang bình diện mới |
Đòn ngoại giao mới của Trung Quốc đối với ASEAN bắt đầu cùng một thời điểm với việc tổ chức tour du lịch ra đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 30.4.13, Trung Quốc đã đưa du khách ra thăm thành phố Tam Sa và Đảo Tây Sa trong quần đảo Hoàng Sa, đã gây lo ngại cho nhiều nước Á Châu. Mặc dù tour du lịch được Trung Quốc miêu tả như một chuyến du lịch bình thường tại “một hòn đảo trên Biển Đông”, nhưng đối với Việt Nam, sự kiện này đươc coi như một hành động xâm phạm trắng trợn đối với chủ quyền quốc gia. |
Tour du lịch có tính khiêu khích được sự cổ võ của nhà nước và được truyền thông chính thức ca ngợi, chỉ là một cách để Trung Quốc thách thức quyết tâm của các nước láng giềng trong thời gian vừa qua. Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Malaysia mới đây đã mạnh mẽ khiếu nại về những hành động xâm nhập lãnh thổ của Bắc Kinh, mà các nước châu Á khẳng định, tất cả đều nằm bên ngoài quyền tài phán của Trung Quốc. |
Trong khi đó, Hoàn Cầu Thời Báo, một nhật báo nổi tiếng về quan điểm dân tộc chủ nghĩa, hôm 28.4.13 đã đăng ý kiến của một nghiên cứu viên tại Viện Đông Nam Á từ Đại học Jinan: “Những ai muốn bóp méo hành động của Trung Quốc quyết không phải là những người thiết tha với luật pháp quốc tế và an ninh khu vực”. Khi thuật lại tin này, báo chí của Việt Nam và khu vực miêu tả hành động nói trên của Trung Quốc là “vừa ăn cướp vừa la làng” và đã mạnh mẽ lên án ý đồ “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc. |
Theo tờ Globe and Mail (Canada), hành động gây hấn quyết liệt cùng với những cú ra đòn lắt léo về ngoại giao của Trung Quốc đang gây quan ngại sâu rộng tại phần lớn các nước châu Á. Thực tế đang đặt ra những nghi vấn về điều mà nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, thực sự ám chỉ khi ông đề cập tới tham vọng muốn thực hiện cái gọi là “giấc mộng vĩ đại của Trung Hoa”. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối và bác bỏ các hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các quần đảo của Việt Nam trên Biển Đông. |
|
Trần Hiếu Chân< |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét