dvnien copy từ https://thamhiemmekong.com/thong-tin-du-lich-mien-tay ; trang web này không ghi tên tác giả và ngày đăng.
Du Lịch Miền Tây Thông Tin Du Lịch Miền Tây
THAM QUAN LÀNG NGHỀ DỆT CHOÀNG HƠN TRĂM TUỔI Ở ĐỒNG THÁP
Từ bao đời nay, chiếc áo bà ba cùng khăn rằn đã trở thành hình ảnh gần gũi với mọi người, như là một biểu tượng cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó cũng là sản phẩm của làng nghề dệt choàng Long Khánh A ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Với những cố gắng trong quá trình phát triển, làng nghề dệt choàng Long Khánh đã trở thành một trong những làng tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp.
Dọc theo cù lao sông Tiền, làng nghề dệt choàng hình thành tại Long Khánh vào những năm đầu thế kỷ XX. Theo những cụ cao niên thì trước kia ông bà, cha mẹ trồng dâu nuôi tằm để dệt vải Cẩm Tự (vải Lãnh Mỹ A). Thời đó người dân nơi đây chỉ sử dụng thủ công để thực hiện các khâu đảo chỉ, nấu chỉ, quay chỉ, dệt… năng suất và hiệu quả đạt không cao. Do đó, một số người bỏ một thời gian học hỏi việc dệt khăn choàng từ tỉnh An Giang sau đó đem những mẫu mã và cách dệt choàng về xã Long Khánh A truyền lại cho các thế hệ con cháu. Thấy kỹ thuật dệt choàng dễ thực hiện và sản phẩm tiêu thụ nhanh hơn vải Cẩm Tự nên từ người dân làng nghề dệt Cẩm Tự chuyển hẳn sang nghề dệt choàng.
Làng nghề dệt choàng hoạt động quanh năm nhưng vào khoảng từ giáp Tết Nguyên đán đến tháng 4 âm lịch là mùa làm ăn nhộn nhịp nhất của các hộ dân nơi đây. Nếu có dịp du lịch Đồng Tháp, đặt chân đến làng nghề dệt choàng Long Khánh A âm thanh những máy dệt choàng, se chỉ vang lên liên hồi. Trong không khí sôi động ấy của làng nghề, máy móc hoạt động liên tục, khắp sân nhà đều là những cuộn sợi đủ màu sắc được phơi trong nắng. Những guồng máy dệt tay hầu như đã dần được thay thế bằng cơ giới hóa để tăng năng suất.
Trung bình, một khung dệt máy, người lao động có thể dệt được khoảng 50 -60 sản phẩm khăn choàng/ngày. Bằng việc cơ giới hóa, sản phẩm làm ra tăng hơn trước gấp ba lần so với phương pháp dệt thủ công. Với gần 50 hộ sản xuất, trung bình mỗi năm, làng nghề cung ứng ra thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia… gần 1,5 triệu chiếc khăn các loại.
Với nghề dệt, máy móc đã thay thế sức người trong nhiều công đoạn. Nhiều gia đình đầu tư nồi hấp, máy dệt để đáp ứng nhu cầu sản xuất với số lượng lớn nhưng trình tự thực hiện, từ đảo chỉ, nấu, nhuộm màu, khấy hồ, phơi khô, quay chỉ, móc cửi, dệt không hề thêm bớt đi một khâu nào. Nhìn những chiếc khăn có phần mộc mạc nhưng cũng kỳ công chẳng kém các sản phẩm tơ lụa quý phái.
Nhớ lại vào khoảng từ năm 2000 đến 2012, người dân nơi đây cho biết tình hình sản xuất của làng nghề lúc đó gặp nhiều khó khăn. Do nền kinh tế mở nên thị trường đa dạng hóa sản phẩm, chiếc khăn rằn truyền thống đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn từ những chiếc khăn lông, khăn được làm từ các sợi tổng hợp. Sức mua giảm, đồng nghĩa với thời hoàng kim của chiếc khăn rằn không còn. Khăn choàng dệt xong chất đầy trong nhà nhưng không có nơi tiêu thụ.
Hệ lụy tất yếu là lợi nhuận của ngành nghề không còn đủ sức hấp dẫn để “níu chân” người lao động. Vì thế, nhiều hộ gia đình đã ngừng sản xuất. Do đó, số khung dệt giảm khá mạnh, có thời điểm còn chưa đầy 20 khung. Không thể đứng yên chứng kiến làng nghề đứng trên bờ vực bị mai một, những khung cửi đóng mạng nhện, các nghệ nhân nơi đây đã mạnh dạn thay đổi cách dệt, cải tiến mẫu mã…
Dù không qua bất kỳ một trường lớp nghệ thuật nhưng chỉ bằng đôi tay khéo léo, đôi mắt thẩm mỹ của người làm nghề lâu năm, những người thợ Long Khánh A đã phối màu lại cho sản phẩm, tạo nên dấu ấn rất riêng, vừa mang đậm dấu ấn quê hương vừa pha chút hiện đại.
Ngoài 2 màu sắc trắng – đen truyền thống thì khăn choàng Long Khánh A hiện tại còn được dệt phối bằng những màu lạ mắt, tinh tế như: Hồng – trắng, đen – đỏ, xanh – hồng… Không chỉ mang khăn rằn tới với những người dân miệt vườn, những nghệ nhân ở làng dệt choàng Long Khánh đã biến những sản phẩm của quê hương trở thành những món quà lưu niệm, đồ thời trang “độc” và “lạ” phục vụ khách du lịch, người dân thành phố như áo dài, áo bà ba, túi xách, cà vạt, nón…
Chính sự thay đổi kích cỡ, màu sắc, họa tiết, hình thức sản phẩm… khăn rằn mang thương hiệu Long Khánh A ngày càng trở nên đa dạng và tinh tế hơn, dần chinh phục được thị hiếu khách hàng.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những sản phẩm từ làng dệt choàng Đồng Tháp không chỉ mang nét đặt trưng văn hóa, mà còn đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Tuy mộc mạc nhưng lại được dệt hết sức kỳ công, tỉ mỉ, đây sẽ là món quà vô cùng độc đáo của vùng đất sen hồng thân thương, điểm tô thêm vào văn hóa phương Nam những màu sắc mới mẻ, độc đáo.
Ngày nay, làng nghề dệt choàng Long Khánh A không chỉ phát triển nghề dệt mà còn phát triển du lịch. Đây là điểm tham quan trải nghiệm du lịch làng nghề truyền thống độc đáo cho du khách trong và ngoài nước. Du lịch Đồng Tháp ghé thăm làng nghề bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu, tận mắt những công đoạn làm nên chiếc khăn choàng Long Khánh A có lịch sử hơn 100 năm tuổi này.
Ngoài ra, tại các điểm tham quan còn trưng bày những chiếc máy dệt thủ công trước đây để giới thiệu cho du khách. Thú vị nhất là trải nghiệm trở thành người thợ dệt khăn, tự mình làm ra những chiếc khăn rằn với chiếc máy dệt thủ công dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của người dân địa phương. Bên trong cơ sở còn có những kệ hàng trưng bày những chiếc khăn choàng sau khi dệt xong để cho du khách có thể mua làm quà lưu niệm hay quà tặng cho chuyến tham quan của mình.
Ảnh: Sưu tầm, FB Ke Nhu Huynh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét