Lớp học dưới tán rừng xanh
Dưới tán rừng, những đứa trẻ say sưa lắng nghe những chia sẻ về sức sống của rừng xanh, về sự đa tầng đa dạng của rừng. Đôi tay lấm lem bùn đất chạm vào cây cối, đôi chân chạy nhảy dưới thảm cỏ xanh giúp trẻ dung dưỡng được tình yêu với thiên nhiên.
Gặp được ông Võ Huy Thông (68 tuổi) và bà Nguyễn Thanh Loan (64 tuổi) - chủ nhân của cánh rừng Nhật Trang - Nhật Trang Farm (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) - đã khó, thuyết phục họ xuất hiện trên báo chí lại càng khó hơn.
Suốt 26 năm qua, hai ông bà chọn cách "ở ẩn", lặng lẽ tái tạo rừng xanh, chăm sóc giữ cho rừng non hồi phục, bảo tồn những gì còn lại để rừng không tiếp tục bị tàn phá.
Đưa trẻ về rừng xanh
"Diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng suy giảm, có nguy cơ cạn kiệt nên cần phục hồi lại. Liệu chúng ta có thể làm được điều này không? Đó là câu chuyện mang tầm vĩ mô quốc gia, còn trong phạm vi nhỏ bé của mình, chúng tôi thấy cần tự mình trả lời câu hỏi này ngay trên mảnh đất của mình" - bà Loan mở đầu câu chuyện.
Theo đuổi triết lý về nông nghiệp xanh gắn với mô hình giáo dục dạy và học ngay trong tự nhiên, chủ nhân của trang trại rừng Nhật Trang quyết định triển khai mô hình "Lớp học dưới tán rừng". Mục tiêu là tạo ra môi trường cho những đứa trẻ trải nghiệm thực tế, gầy dựng tình yêu thương, gần gũi với thiên nhiên.
Từ thành thị, những đứa trẻ đặt chân đến với rừng, được tự do hoạt động dưới tán rừng xanh. Chẳng giống như công viên hay khu nghỉ dưỡng lúc nào cũng sạch bong, những đứa trẻ lên rừng trải nghiệm cuốc đất, trồng cây, tay chân lấm lem bùn đất. Các em còn được học các kỹ năng sinh tồn, trải nghiệm cảm nhận đêm trong rừng.
Dưới tán rừng, lớp học nói về sự sống của rừng xanh và ý nghĩa của việc trồng cây gây rừng, về tái tạo khôi phục hệ sinh thái rừng, sự đa tầng đa dạng của rừng. Về với rừng, các em học sinh còn được học cách nhận biết về sự cân bằng trong thiên nhiên, cân bằng trong cuộc sống.
Sau những buổi trồng rừng, những đứa trẻ tụm năm tụm bảy ngồi trò chuyện dưới tán rừng xanh, ghi lại những kỷ niệm đẹp giữa không gian xanh mát. "Các con phải cảm nhận được thiên nhiên thì mới sinh tồn được mỗi khi gặp trở ngại. Đến với rừng Nhật Trang, các con có được cảm giác tự do khi về với rừng" - bà Loan bộc bạch.
Nơi cánh rừng rộng hơn 20 hecta, trang trại rừng Nhật Trang đang triển khai dự án rừng đa tầng, đặc biệt nhất phải kể đến dự án bảo tồn và tái tạo hệ sinh thái rừng lá buông. Rừng lá buông đặc hữu bạt ngàn ở mảnh đất Hàm Tân đã từng nuôi sống người dân nơi đây, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng riêng của vùng đất này.
Tuy nhiên, hiện nay cây lá buông chỉ còn là "huyền thoại" do bị khai thác, tàn phá quá mức dẫn đến cạn kiệt. Trước thực trạng đó, ông bà quyết định khôi phục, tái tạo hệ sinh thái rừng lá buông với ước nguyện đưa rừng trở về theo tiếng vọng của thiên nhiên.
Đặc biệt từ năm 2020, họ bắt đầu thử nghiệm trồng cây đàn hương - loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới - và tiếp tục tăng lên số lượng theo từng năm. Ở rừng Nhật Trang còn trồng lại các loại gỗ quý hiếm bản địa thuộc các nhóm khác nhau cùng hơn 200 loại cây thuốc nam đa dạng chủng loại.
Rừng hồi sinh
Nhờ bàn tay chăm sóc của con người, rừng dần hồi sinh, có những chỉ dấu ở rừng Nhật Trang cho thấy đất đai đang dần phục hồi. Đó là những cây nấm linh chi tự nhiên mọc trong khu rừng sâu, là những chồi lá mọc lên từ rễ lá buông đã bị tàn phá xưa kia.
"Không có sự sống nào quý cho bằng sự sống thiên nhiên! Rừng không phải là số lượng cây mà là chất lượng rừng, nó còn là hệ sinh thái sông suối và đời sống của nhiều loài khác nữa.
Rừng tự nhiên có thể phải mất hàng trăm năm, nhưng với hiểu biết và nỗ lực góp sức của con người, rừng có thể phục hồi 90% sinh khối trong khoảng 60 năm" - ông Thông chia sẻ.
Để gầy dựng được cánh rừng như hôm nay, 26 năm trước, vợ chồng ông Thông đã quyết định "bỏ phố về rừng". Đang ở phố thị với sự nghiệp ổn định, ông bà lựa chọn mảnh đất hoang vu, chẳng có gì ngoài đặc sản "nắng chan hòa".
"Vì "cảm" cái nắng đó mà chúng tôi đặt tên rừng là Nhật Trang. "Trang" là trang trại, "Nhật" là mặt trời mang đến ánh nắng ban mai. Chữ "Trang" còn mang ý nghĩa trang nghiêm, cũng bởi rừng là nơi ở của mẹ thiên nhiên, là nơi mình khôi phục sức sống, dạy cho chúng ta nhiều bài học cuộc sống" - bà Loan bộc bạch.
Còn ông Thông thì quả quyết lựa chọn về rừng là hướng đi đúng đắn nhất vì giúp gia đình, giúp cộng đồng được sống trong một môi trường trong lành, xanh mát. Nhưng cả ông Thông và bà Loan đều thừa nhận "học phí" của rừng cũng… đắt đỏ lắm, phải "lên bờ xuống ruộng" mới đạt được thành quả như ngày hôm nay.
Hiện nay, điều mong muốn cũng là một trong những mục tiêu chính của trang trại rừng Nhật Trang là phát triển mô hình giáo dục bền vững, xây dựng "Ngôi trường không vách ngăn", "Lớp học dưới tán rừng xanh". Qua đó có thể liên kết con người với thiên nhiên, trong đó có việc tổ chức các chương trình dã ngoại giúp học sinh hiểu biết về rừng, dung dưỡng tình yêu thiên nhiên.
Giá trị của cuộc sống
Không chỉ đưa trẻ về rừng, rừng Nhật Trang cũng đón thêm những đoàn khách từ các tỉnh thành ghé thăm. Ông Đỗ Công Luận (ở TP.HCM) không giấu được niềm vui khi lần đầu tiên cả nhà được cùng nhau trồng cây, đặc biệt những đứa trẻ đã được "gửi hồn" vào những mầm cây nhỏ bé.
Về với rừng, chị Tô Huệ (ở TP.HCM) giãi bày ngày nhỏ chị luôn mơ ước được làm việc gì đó lớn lao giúp cho người, làm việc có giá trị. Khi đặt chân đến mảnh đất khô cằn đầy nắng gió của Bình Thuận, chị nhận ra việc đơn giản nhất chính là trồng một cái cây.
"Không chỉ là trồng một cái cây, tôi đã nhận được những hạt giống tâm hồn từ những câu chuyện trồng cây rất đơn giản mà ai cũng có thể làm được. Khi bạn ngồi dưới bóng cây, nghe cây kể chuyện, lắng nghe hơi thở của cây, bạn mới hiểu giá trị của cuộc sống" - chị Huệ nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét