Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

GS Trần Hồng Quân: Thao thức với giáo dục

 Giáo dục

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 29/08/2023 09:34

GS Trần Hồng Quân: Thao thức với giáo dục

Sáng nay 29-8-23, lễ truy điệu GS Trần Hồng Quân (nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT) sẽ diễn ra tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp, TP.HCM).

Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: TL

Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: TL

GS Nguyễn Lộc (nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết tưởng nhớ GS Trần Hồng Quân.

Sôi nổi và say mê

Câu chuyện bắt đầu cách đây không lâu, sau COVID-19. Lúc đó, tôi có dịp tiếp cơm GS Trần Hồng Quân cùng phu nhân mà chúng tôi quen gọi là chị Năm. Ăn đến giữa buổi, tôi bắt đầu tranh thủ tham kiến giáo sư về giáo dục đại học.

Chủ đề xoay quanh các khía cạnh về đại chúng hóa giáo dục đại học, sự phát triển của giáo dục đại học tư thục và một số nội dung khác nữa.

Với vốn kiến thức uyên thâm, GS Quân đã bàn luận thật sôi nổi và say mê. Đến hơn 8h tối, chị Năm ngồi bên cạnh nhắc khẽ: "Mình bớt tranh luận đi, không tối về lại thao thức đó". Chị Năm cho biết thêm là anh Quân khi tham gia trao đổi vấn đề nào đó mà anh quan tâm, đặc biệt là giáo dục, thì tối về anh thường suy nghĩ, trăn trở và mất ngủ.

Chị Năm biết "quy luật" đó nên thường cố gắng nhắc nhở anh Quân bớt đàm luận, bớt suy nghĩ để bớt mất ngủ vì tuổi anh đã cao.

Việc chị Năm dùng từ "thao thức" thay cho từ "mất ngủ" làm tôi liên tưởng đến một tác phẩm của nhà văn nổi tiếng người Nga thời Xô viết có tên Alexander Kron. Tác phẩm này có tên gốc là "Бессонница", có nghĩa là "Mất ngủ". Song sách này được dịch ra tiếng Việt với tên là "Thao thức".

Dịch giả của cuốn sách này là kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê. Người bạn đồng niên tài hoa của tôi cách đây nhiều năm có chia sẻ rằng trong tiếng Việt có từ hay hơn để thể hiện đúng nội dung của cuốn sách nói về sự tự bạch, sự suy tư của nhân vật chính của câu chuyện, vốn là người trí thức - đó là từ "thao thức".

Không biết chị Năm có biết đến tác phẩm "Thao thức" của Kron không, nhưng chị đã dùng đúng từ để nói lên sự suy tư của anh Quân về giáo dục. Sau này tôi đã trộm nghĩ, vì giáo dục anh Quân sẵn sàng "thao thức" cả cuộc đời.

Chuyện đại học, trường đại học

Đã âm ỉ kéo dài nhiều năm nay song những tranh luận về "đại học", "đại học quốc gia", "trường đại học"... lại bùng lên vào cuối năm vừa qua sau khi có công bố về thành lập "Đại học Bách khoa Hà Nội" trên cơ sở nâng cấp Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Lần này cuộc tranh luận có vẻ căng thẳng hơn, thu hút nhiều tầng lớp hơn và kéo dài đến tận Tết mà vẫn chưa có hồi kết.

Các tranh luận nhìn chung bày tỏ ý kiến băn khoăn về những điều không rõ ràng của mô hình "đại học"/ "đại học quốc gia" về các khía cạnh khác nhau như mục tiêu, chức năng, thuật ngữ, đối sánh quốc tế.

Các giải thích ít ỏi từ phía các cơ quan chức năng hầu hết đều dựa vào các văn bản hiện hành, kể cả Luật Giáo dục đại học nên cũng không làm dịu được những băn khoăn xung quanh vấn đề này.

Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là GS Trần Hồng Quân đã lên tiếng với cuộc tranh luận "đại học". Anh Quân lên tiếng rất khiêm tốn thông qua cộng đồng FB. Anh không giải thích đúng sai.

Anh chỉ nhận là bản thân anh cảm thấy đau vì đã để xảy ra những cuộc tranh luận quá nhiều chiều nhằm vào mô hình "đại học quốc gia" - mô hình được hình thành trong giai đoạn anh là lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục. Lúc đấy, anh có ước nguyện là mọi người bớt chỉ trích thôi.

Bản thân tôi cũng có dăm ba lần lên tiếng về cái không giống ai của mô hình "đại học quốc gia".

Khi biết được nỗi đau của anh Quân, tôi chựng lại, tìm hiểu kỹ hơn và tôi ngộ ra rằng đây là mô hình mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn có để tạo nên những "quả đấm thép" để thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy giáo dục trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học của ta quá èo uột. Và mô hình này đã mang lại những thành quả đáng trân trọng.

Mục đích đạt được mới là quan trọng, còn cách thể hiện còn chệch choạc thì có thể điều chỉnh được. Mô hình của Đại học Bách khoa Hà Nội mới thành lập gần đây đã nói lên điều đó. Sau này, tôi đã trộm nghĩ anh Quân đau vì những người nông nổi như chúng tôi.

Loạt bài cuối cùng về giáo dục

Cách đây không hơn nửa năm, GS Trần Hồng Quân có một loạt bài trên FB của mình đề cập đến sự giải phóng của giáo dục đại học Việt Nam qua sự kiện chính là Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học tại Nha Trang vào năm 1987. Và đây có lẽ là loạt bài viết cuối cùng của anh về giáo dục.

Anh linh cảm thời gian của anh không còn nhiều và dành những ngày tháng cuối đời để viết lại những gì anh tâm đắc nhất. Nhiều người có cách gọi khác nhau về đóng góp nổi bật nhất này của GS Trần Hồng Quân nhưng một lần nữa chỉ có giáo sư là người gọi tên đúng nhất đứa con tinh thần của mình là "giải phóng giáo dục đại học".

Có giải phóng giáo dục đại học mới có nhiều người được đi học, mới có nguồn nhân lực trình độ cao đông đảo để đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tầm nhìn vượt trội

Năm 2003 UNESCO đã có một báo cáo với tựa đề "Higher education in Asia and the Pacific 1998-2003", trong đó có nêu sáu xu thế với xu thế đầu tiên là "Gia tăng về số lượng và đại chúng hóa giáo dục đại học".

Xem lại kỹ, ta dễ dàng nhận thấy rằng xu thế đầu tiên của UNESCO và ý tưởng "giải phóng giáo dục đại học" của GS Trần Hồng Quân là một. Vậy ta mới thấm thía tầm nhìn vượt thời đại của GS Quân.

Đặc trưng cốt lõi nhất của lãnh đạo là có tầm nhìn. GS Quân đã có một tầm nhìn. Chính tầm nhìn này đã đưa anh lên vị thế của một bộ trưởng giáo dục xuất sắc nhất trong vài thập niên gần đây.

Tiễn biệt giáo sư Trần Hồng Quân - "cha đẻ" của xã hội hóa giáo dụcTiễn biệt giáo sư Trần Hồng Quân - 'cha đẻ' của xã hội hóa giáo dục

Hôm nay 27-8, lễ tang giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, được tổ chức với nghi thức cấp cao.

Không có nhận xét nào: