Thứ Tư, 16 tháng 8, 2023

Dân miền Tây tất bật đánh bắt cá đồng mùa lũ lớn

 Văn hóa Ẩm thực

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 16/10/2022 15:25

Dân miền Tây tất bật đánh bắt cá đồng mùa lũ lớn

Tin, ảnh: BỬU ĐẤU

TTO - Những ngày này, nước lũ ở đầu nguồn biên giới An Giang đã tràn ngập khắp nơi. Đây cũng là lúc ngư dân “ăn nên làm ra” với con cá đồng. Tại các chợ quê ven biên giới từ 4h sáng, người dân và tiểu thương đã nhóm họp chợ rôm rả.

Dân miền Tây tất bật đánh bắt cá đồng mùa lũ lớn - Ảnh 1.

Thương lái cân cá mè vinh của một ngư dân tại chợ "âm phủ"

Khoảng 4h sáng 16-10, PV Tuổi Trẻ Online đã quay lại chợ "âm phủ" nằm cặp chân cầu Tha La, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang - chợ tồn tại hàng chục năm nay, do các tiểu thương và dân giăng câu lưới tập trung lại để trao đổi mua bán cá đồng.

Tại chợ này, ngư dân tấp nập đưa xuồng cặp bến chợ mang cá lên bán, còn thương lái đón cá sớm và ngã giá để mua cá của ngư dân.

Bà Y., tiểu thương tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc - cho biết năm nay nước lớn nên nhiều ngày qua bà đến chợ thu mua 200kg cá mồi (loại cá nhỏ, đã chết để cho các loại cá khác ăn - PV) mang về cho đàn cá lóc bông ăn và bán cá mồi cho người dân khu vực.

"Tôi đã mua được 150kg cá linh nhỏ các loại để làm cá mồi, giá 5.000 đồng/kg (chủ yếu là cá linh đã chết). Năm nay nước lũ lớn nên bà con làm nghề câu lưới mừng lắm", bà Y. nói.

Dân miền Tây tất bật đánh bắt cá đồng mùa lũ lớn - Ảnh 2.

Ngư dân bán cá linh đã chết làm cá mồi với giá 5.000 đồng/kg

Còn anh Hải - ngụ xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc - cho hay năm nay anh đặt hơn 20 cái dớn. "Hôm nay chỉ được 40kg cá, trong đó có 35kg cá mồi, còn lại 5kg cá linh còn sống nên bán được với giá 25.000 đồng/kg. Mấy bữa nay mưa gió và nước lớn quá nên ít cá. Hy vọng, vài ngày nữa nước rút từ từ sẽ có cá nhiều", anh Hải vui vẻ nói.

Một thương lái chia sẻ: "Chúng tôi mua ở đây 25.000 đồng/kg nhưng phải tạo khí ô xy để cá sống rồi bán. Tùy theo đoạn đường xa hay gần mà giá cá linh tăng thêm nhiều hay ít. Nếu cá linh từ Tịnh Biên đi Châu Đốc hay Long Xuyên hoặc Cần Thơ phải tăng thêm chi phí cho thương lái".

Chợ cá đồng xôm tụ nhất ở biên giới phải kể đến chợ kênh Ruột, xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang. Đây là chợ cá đồng được nhóm họp giữa đồng nước lũ mênh mông giáp biên giới Campuchia.

Gọi là chợ nhưng thực chất có nhiều ghe của ngư dân giăng câu, lưới hay đổ lợp về tập trung tại khu vực này để trao đổi mua bán cá đồng. Chợ hoạt động từ 4h30 và kết thúc lúc 6h sáng cùng ngày.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ Online, ông Trần Anh Dũng - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang - cho biết hiện nay cá linh nhiều ở các huyện đầu nguồn biên giới như: An Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên và TP Châu Đốc.

"Từ nay đến rằm tháng 10 âm lịch nước sẽ rút hết từ từ. Do đó từ thời gian này trở đi lượng cá đồng sẽ có nhiều hơn. Vài ngày tới, tôi sẽ cho kiểm tra lại xem sản lượng khai thác nhiều ít và so sánh với các năm. Giá cả cá linh tại khu vực biên giới dĩ nhiên sẽ thấp hơn nhiều so với thành thị khác", ông Dũng cho hay.

Sau đây là một số hình ảnh Tuổi Trẻ Online ghi nhận được:

Dân miền Tây tất bật đánh bắt cá đồng mùa lũ lớn - Ảnh 3.

Anh Hải nhận tiền cá linh vừa bán được, với giá 25.000 đồng/kg

Dân miền Tây tất bật đánh bắt cá đồng mùa lũ lớn - Ảnh 4.

Thương lái cân cá linh sống với giá 25.000 đồng/kg để vận chuyển đi bán lại các chợ lớn

Dân miền Tây tất bật đánh bắt cá đồng mùa lũ lớn - Ảnh 5.

Cận cảnh cá linh của ngư dân vừa bắt lên để bán cho thương lái

Dân miền Tây tất bật đánh bắt cá đồng mùa lũ lớn - Ảnh 6.

Tiểu thương vận chuyển 150kg cá mồi về cho cá lóc bông ăn

Dân miền Tây tất bật đánh bắt cá đồng mùa lũ lớn - Ảnh 7.

Đặc sản bông súng đồng đã được người dân bày bán tại chợ Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, An Giang

Nước lũ xăm xắp, người dân tất bật bủa lưới, đặt dớn đánh bắt cá đồngNước lũ xăm xắp, người dân tất bật bủa lưới, đặt dớn đánh bắt cá đồng

TTO - Nhiều ngày qua, An Giang liên tục xuất hiện mưa khiến một số khu vực biên giới nước lũ xăm xắp tràn đồng. Người dân khẩn trương giăng lưới, đặt dớn để chuẩn bị cho mùa làm ăn mới đầy hy vọng của mùa nước nổi.

Không có nhận xét nào: