Món nợ với cà phê
23 năm trước, từ anh thợ cơ khí, Võ Đoàn Thanh Tú tham gia một cuộc thi rồi bén duyên và gắn bó luôn với nghề nếm cà phê.
Sau cơn bạo bệnh, Võ Đoàn Thanh Tú vẫn gắn bó với nghề cà phê nhưng với một cách khác - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Đã gọi là nghề, thì đương nhiên là phải chuyên nghiệp. Anh nói đó là hành trình mang ơn vì nhờ công việc tình cờ này, anh gần như có tất cả.
Nhưng rồi anh nhận ấy cũng là món nợ anh tự mang vào mình, khi còn nhiều loại cà phê chưa đạt chất lượng, pha tạp trôi nổi trên thị trường.
Nghề gọi tên mình
Tại một buổi tập huấn rang xay cà phê của một hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Đắk Nông. Hôm ấy, anh hướng dẫn bà con cách rang xay, pha chế một tách cà phê ngon, sạch. Những điều được anh chia sẻ vô cùng mới mẻ với cả trăm nhà nông có mặt tại lớp bữa đó. Chỉ khi nếm thử tách cà phê do anh pha, ai cũng phải trầm trồ, gật gù.
Khi đang làm thợ cơ khí cho một tập đoàn cà phê có thứ hạng trong nước, thời điểm ấy công ty tổ chức cuộc thi nếm cà phê, Tú đánh liều đi thi dù tự nhận mình không phải dân sành thức uống này.
Các thí sinh đồng loạt thử nếm, cho ý kiến, nhận xét về vị trong mẫu thử. Qua các vòng, anh được xướng tên ở ngôi vị cao nhất.
Vậy là Tú được tuyển thẳng lên phòng thí nghiệm, bắt đầu hành trình làm chuyên gia nếm và pha chế cà phê chuyên nghiệp, khá hào hứng.
Cảm giác pha trộn, nêm nếm rồi cảm nhận, tìm ra hương vị vừa miệng nhất từ các mẻ cà phê khắp các vùng trồng trong nước đổ về rất thú vị. Và anh tự nhận "nghề chọn mình nhờ có chút tài nêm nếm".
Vốn không phải là dân ghiền cà phê, mỗi ngày phải "súc miệng" bằng cà phê, hết ngày này qua tháng nọ cũng là một thử thách.
Chưa kể việc phải thử không ít mẫu cà phê do khách hàng đưa tới, lẫn cả mẫu không đạt chỉ tiêu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Có hôm, Tú ói mật xanh mật vàng sau khi nếm quá nhiều.
Anh nói có lẽ trời ban cho khứu giác, vị giác nhạy nên "nếm đâu trúng đó" và anh nhanh chóng thành chuyên gia "cứng cựa".
"Ngày qua ngày, tôi chinh phục hương vị cà phê của từng vùng trồng cả trong và ngoài nước, rồi mò mẫm pha trộn tạo ra loại cà phê hoàn chỉnh. Nhất là nhìn nó được sản xuất hàng loạt, bán ra thị trường càng khiến mình yêu say mê công việc ấy", anh tâm sự.
Giấc mơ cà phê mộc
Nghề nêm nếm cà phê tưởng bình thường hóa ra lại có nhiều yêu cầu, đòi hỏi nghiêm ngặt khi đã là chuyên gia. Ngoài cần ăn ngủ điều độ, giữ sức khỏe, điều kiêng kỵ của nghề là ăn cay, chua và quá nóng.
Khoảng đầu năm 2022, sau hơn 20 năm làm nghề, lúc Tú ở thời kỳ đỉnh cao khi là chuyên gia nêm nếm đặc biệt tại một tập đoàn cà phê lớn, thu nhập khủng. Nhưng chính lúc này, anh bắt đầu bị tụt cân, sức khỏe giảm, da vàng như nghệ. Đi kiểm tra, Tú được chẩn đoán bị ung thư túi mật, gan nhiễm độc nặng.
Anh gọi đó thời điểm "bản thân rơi xuống hố bùn" khi bác sĩ yêu cầu rời xa công việc nếm cà phê đang làm như một liệu trình điều trị giúp gan nghỉ ngơi, hồi phục. "Tôi chuyển qua làm môi giới bất động sản, kinh doanh một vài thứ nhưng niềm đam mê với hạt cà phê cứ thôi thúc mình phải quay lại", anh tâm sự.
Ngần ấy năm với công việc nếm thử, khách hàng của Tú hầu như có ở khắp nơi trên thế giới. Năm 2015, anh được một đại gia kinh doanh cà phê ở Nga mời sang làm giám khảo chấm thi barista. Đây là cuộc thi dành cho những người pha chế các loại nước uống không cồn, đặc biệt là sáng tạo các loại nước uống từ cà phê, vốn là thế mạnh của Tú.
Đến nay, ngay cả khi đang điều trị bệnh, anh vẫn cần mẫn bên các mẻ cà phê nhưng cách tiếp cận có khác hơn. Trước đây khi làm việc cho tập đoàn cà phê, vì là chuyên gia bắt buộc anh phải nếm toàn bộ mẫu thử. Đặc biệt để tạo ra các dòng sản phẩm cà phê hòa tan được thị trường đón nhận, Tú buộc phải nếm các mẫu thử mà anh thừa biết sẽ rất ảnh hưởng sức khỏe.
Thanh Tú đã quyết định thôi làm chuyên gia nếm cà phê cho tập đoàn cà phê nọ, cũng là lúc anh bắt đầu hành trình gieo hạt, mơ về một thị trường cà phê mộc thân thiện cho người trồng lẫn người uống. Dòng cà phê anh đang hướng đến phải là cà phê mộc, sạch 100%. Tức là tất cả các công đoạn từ việc trồng, chăm sóc phải trên vùng đất sạch, theo quy trình thuần hữu cơ. Cả công đoạn thu hái, sấy rang và pha chế cũng phải đạt chuẩn mộc hoàn toàn, không pha tạp hóa chất, không phụ gia tạo mùi, vị...
Chia sẻ cùng nông dân làm cà phê sạch
Sau lần đổ bệnh, Võ Đoàn Thanh Tú đã gần như thay đổi hoàn toàn góc nhìn về làm cà phê. Từng khát khao trở thành chuyên gia nếm thử, người đứng sau hàng loạt dòng cà phê bán chạy như trước, điều anh ưu tiên nhất hiện nay chính là từng giọt cà phê mình tạo ra không chỉ ngon mà phải tốt, phải sạch.
Để hiện thực hóa giấc mơ đó, anh đang đồng hành với một hợp tác xã sản xuất nông sản hữu cơ tại Đắk Nông, chia sẻ cho bà con cách làm cà phê sạch, không giấu nghề. Anh bật mí mình đang đồng hành trong một dự án cà phê thảo dược, mô hình sản xuất cà phê mộc có doanh thu khá ổn.
Anh tự nhận món nợ với cà phê vô hình nay có phần nhẹ nhõm hơn đôi chút. "Cả khi đang phải chữa bệnh nhưng tôi trở lại với dòng cà phê mộc, sạch, dù có nếm thử nhiều cũng không thấy ảnh hưởng gì, cả tâm trạng và tinh thần còn cảm giác tốt hơn", anh Tú ???cười.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét