Nên điều chỉnh môn tích hợp ra sao?
Trong buổi gặp gỡ giáo giới cả nước ngày 15-8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết 'khả năng cao' sẽ có điều chỉnh chương trình môn tích hợp ở bậc THCS. Nhưng điều chỉnh thế nào để tốt hơn mà không gây xáo trộn?
"Điểm trừ nhiều hơn ưu điểm"
Cô Nguyễn Phương Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận xét: So với trước đây (ở cả ba môn lý, hóa, sinh), chương trình - sách giáo khoa môn khoa học tự nhiên của chương trình giáo dục phổ thông mới có ưu điểm là gần gũi hơn và các bài học hướng đến vận dụng kiến thức vào cuộc sống, tỉ lệ bài thực hành, thí nghiệm nhiều hơn và hay hơn.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, nhiều bài thực hành, thí nghiệm chưa thực hiện được do điều kiện về thực hành, thí nghiệm thiếu thốn. Ở Hà Nội còn đỡ, nhiều địa phương thiếu phòng học bộ môn, các bài thực hành, thí nghiệm không làm được nên vô hình trung những ưu điểm chưa được phát huy.
Cũng theo cô Phương Hiền, "điểm trừ" của chương trình - sách giáo khoa môn khoa học tự nhiên nhiều hơn ưu điểm. Một khó khăn lớn xảy ra ở hầu hết các địa phương là chưa có giáo viên dạy được cả ba phân môn của môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Điều này dẫn tới cách bố trí khác nhau khiến giáo viên quá tải, không đảm bảo chất lượng.
Nhưng vấn đề khiến nhiều giáo viên thấy bất ổn nhất lại là ở chương trình. "Đã sang năm thứ ba, hiện chúng tôi cũng đã tiếp cận chương trình, sách giáo khoa lớp 8 thì thấy chưa có phần kiến thức nào thực sự tích hợp giữa các phân môn với nhau.
Mặc dù sách giáo khoa trình bày theo các chủ đề, nhưng cơ bản vẫn riêng rẽ. So với khi thực hiện đơn môn, kiểu thiết kế này còn bộc lộ những hạn chế. Ví dụ học sinh học xong chương 1, 2 (hóa học) ở lớp 7 thì bỏ bẵng đến đầu năm lớp 8 mới trở lại, khi đó nhiều học sinh đã rơi rụng hết kiến thức đã được học", cô Phương Hiền cho biết.
Thầy Nguyễn Xuân Khang (hiệu trưởng Trường THCS & THPT Marie Curie, Hà Nội) nhận xét về môn lịch sử và địa lý cho biết môn này còn rõ hai phần riêng biệt hơn so với môn khoa học tự nhiên. "Hình như môn học này không bận tâm đến chuyện "tích hợp". Các nhà viết sách giáo khoa cũng có hai nhóm riêng biệt. Chỉ khác trước là lịch sử và địa lý không phải hai cuốn sách giáo khoa, mà gộp vào một cuốn".
Giải quyết môn tích hợp thế nào?
Thầy Nguyễn Xuân Khang đề xuất nên bỏ việc tích hợp một số môn học ở THCS, quay trở lại là các môn học riêng rẽ: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Tương ứng với chương trình cũng có những cuốn sách giáo khoa riêng cho từng môn nêu trên.
Cô Phương Hiền băn khoăn: "Tôi thích ý tưởng tích hợp vì nó dễ giúp học sinh liên hệ kiến thức với các vấn đề đời sống. Về lâu dài, nếu có thể sửa chương trình, sách giáo khoa để nó thực sự đạt được mục tiêu như đề ra thì đó là phương án tối ưu, cũng phù hợp với xu thế ở nhiều quốc gia tiến bộ. Với thực tế hiện nay, nên tách ra theo đơn môn để giải quyết các khó khăn trong việc thực hiện, đảm bảo chất lượng tối thiểu".
Việc viết lại chương trình, sách giáo khoa để đúng là "tích hợp" hoặc làm lại chương trình, sách giáo khoa theo từng đơn môn không dễ làm trong ngày một, ngày hai. Vì thế theo một số nhà quản lý, giáo viên thì tạm thời tách nội dung chương trình hiện tại theo đơn môn.
"Hiện tại ba giáo viên phụ trách một môn tích hợp, khi ra đề kiểm tra cũng căn cứ vào từng phân môn để tập hợp câu hỏi thành một đề, rồi khi chấm lại lần lượt chia cho từng giáo viên chấm từng phần. Rất rắc rối, trong khi không thấy lợi ích" - cô Mai Hương, giáo viên THCS quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết.
Phát triển chủ đề từ hiện tượng đời sống
Cô Mai Hương, giáo viên THCS quận Tây Hồ, Hà Nội, chia sẻ: Nếu tinh thần của chương trình mới là giảm tải thì môn tự nhiên xã hội chưa đạt được mục tiêu này. Chương trình lớp 7 hiện đang đưa những kiến thức từng dạy lớp 10 ở chương trình cũ xuống. Tương tự, lớp 8 cũng có nhiều nội dung trước đây chỉ dạy ở bậc THPT.
"Các môn lý, hóa, sinh ở bậc THCS đều là các môn học để học sinh làm quen dần với lĩnh vực này. Nên cần đi từ đơn giản, gần gũi đến khó, phức tạp hơn. Bên cạnh đó cần bắt đầu từ các hiện tượng đời sống để phát triển các chủ đề để phù hợp với học sinh THCS. Với mục tiêu này, tích hợp ba trong một là hợp lý. Nhưng cần làm khác với chương trình đã thiết kế hiện nay: quá nặng và vẫn chỉ là sự ghép cơ học ba phân môn với nhau" - cô Mai Hương nói.
Lãnh đạo một trường THCS ở TP.HCM:
Chặt chẽ hơn trong thẩm định sách giáo khoa
Tôi cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn tích hợp có nhiều ưu điểm so với chương trình cũ với các môn riêng lẻ như lý, hóa, sinh, sử, địa. Thật ra, yêu cầu cần đạt của môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý là vừa phải, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới. Nhưng sách giáo khoa thì chưa thể hiện được ưu điểm ấy.
Cả ba bộ sách giáo khoa môn khoa học tự nhiên hiện nay đều đưa vào nhiều nội dung kiến thức khó, cao siêu…Trong khi đó, rất nhiều giáo viên vẫn cho rằng sách giáo khoa là pháp lệnh. Vì vậy, họ giảng dạy bám sát, phụ thuộc vào sách giáo khoa, gây quá tải cho học sinh và khiến cho mục tiêu tốt đẹp ban đầu của môn học tích hợp khó đạt được. Đây chính là điểm trừ của các bộ sách xã hội hóa. Và từ đây cũng cho thấy khâu thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa được chặt chẽ như ý muốn.
Không những thế, thay vì nội dung sách giáo khoa phải trình bày theo đúng tinh thần tích hợp thì thực tế các chủ đề lại được trình bày một cách riêng rẽ với lý, hóa, sinh riêng… Giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn. Sách giáo khoa cũng trình bày theo kiểu đơn môn. Vậy làm sao người thầy giáo có thể liên kết các môn lại để dạy đúng như tinh thần môn tích hợp?
Do đó, nếu cần chỉnh sửa cho môn tích hợp, tôi cho rằng cần chỉnh sửa sách giáo khoa. Cần phân biệt rõ đâu là kiến thức chuẩn, đâu là kiến thức nâng cao, các thí nghiệm nào là cơ bản, dễ thực hiện; thí nghiệm nào dành cho học sinh giỏi, có năng khiếu…
Mộtcán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM:
Phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên phù hợp
Khoa học tự nhiên là một môn học được xây dựng từ khoa học vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất. Bản chất của môn học này là khoa học thực nghiệm, là những sự vật, hiện tượng gần gũi với đời sống của học sinh chứ không phải khoa học hàn lâm.
Nhiệm vụ của nhà trường là tổ chức cho học sinh khám phá thế giới tự nhiên dưới cái nhìn cơ sở nhất khi các em học môn này. Tức là kiến thức, kỹ năng các em học ở môn khoa học tự nhiên chỉ mang tính chất nền tảng. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nhận thức, hình thành thế giới quan khoa học của học sinh.
Như vậy, có thể nói mục tiêu của chương trình môn học là phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới (mỗi một nghề đều đòi hỏi con người phải có nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ một lĩnh vực), phù hợp với nhận thức khoa học của học sinh THCS.
Thế nhưng, trên thực tế khi giảng dạy lại không tích cực như thế. Ở nhiều trường THCS, một môn khoa học tự nhiên có ba giáo viên của ba môn lý, hóa, sinh đứng lớp. Vì vậy, nhiều giáo viên đang "nhồi" cho học sinh hết mức có thể.
Giáo viên lý "nhồi" cho học sinh nhìn theo lĩnh vực vật lý, tương tự với giáo viên hóa và sinh cũng vậy. Tình trạng này dẫn đến hai hệ lụy. Thứ nhất, học sinh sẽ nhìn sự vật, hiện tượng bằng cái nhìn phiến diện hoặc theo hóa, hoặc theo lý, hoặc theo sinh. Thứ hai, giáo viên sẽ dạy theo hướng chuyên sâu, nâng cao của lý, hóa, sinh chứ không phải dạy theo hướng cơ bản, nền tảng.
Từ đây, có thể thấy rõ lực cản khi triển khai chương trình môn tích hợp chính là giáo viên. Mà nguyên nhân sâu xa của nó là Bộ Giáo dục và Đào tạo không chuẩn bị đội ngũ đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học này. Vậy người cần thay đổi ở đây chính là giáo viên chứ không phải chương trình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét