Toàn cảnh vụ án 'chuyến bay giải cứu' đến ngày 31-12-2022
Từ cuối năm 2020 và năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia, khi đó hàng trăm ngàn người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu trở về quê hương, nhiều doanh nghiệp mong muốn đưa lao động về nước để cách ly và tránh dịch.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức gần 2.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 người dân từ 60 quốc gia về nước an toàn. Việc tổ chức những chuyến bay cứu hộ này là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là đảm bảo về an toàn tính mạng cũng như tài sản cho người dân.
Hành động này cũng đã nhận được sự tôn trọng, tán đồng của các cơ quan ngoại giao nước ngoài, cùng đó đã ghi dấu ấn ngoại giao của Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân.
Đây là những chuyến bay nhân đạo nhưng chi phí cho những chuyến bay này cũng “không hề rẻ”, rất nhiều người dân cũng phải “xếp hàng” chờ để được về nước. Cũng trong thời gian này, có nhiều ý kiến cho rằng giá vé các chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước quá cao so với bình thường.
Khi đó, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 1-2022, báo chí đã đặt câu hỏi với Bộ Ngoại giao về việc người Việt về nước theo các chuyến bay giải cứu nhưng phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn và nghi vấn có trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.
Và trả lời câu hỏi trên, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, đã khẳng định chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
"Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng. Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật" - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.
Thế nhưng, chính những người dân cũng không ngờ rằng mình và gia đình đã bị lợi dụng để trục lợi với số tiền hàng chục tỉ đồng, hàng trăm ngàn USD từ những cán bộ được giao trọng trách hỗ trợ - bảo hộ các công dân đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo ở nước ngoài sớm được trở về quê hương an toàn.
Sau gần một năm khởi tố vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan “chuyến bay giải cứu” tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 22-12-2022, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 37 người, phần lớn trong đó số này có nhiều lãnh đạo thuộc các bộ, ngành và địa phương như Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Văn phòng Chính phủ... Và cũng trong số đó, có những cán bộ cấp cao là thứ trưởng, cựu thứ trưởng… của Bộ Ngoại giao.
Thông tin với báo chí về vụ án “chuyến bay giải cứu” tại cuộc họp báo chiều 19-12, đại diện Bộ Công an cho hay trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã yêu cầu UBND một số tỉnh, TP rà soát các tài liệu liên quan; đến nay đã cơ bản có báo cáo.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, kết quả điều tra ban đầu xác định có tới gần 2.000 chuyến bay “giải cứu”. Có chuyến bay sau khi trừ các chi phí, số tiền “bỏ túi” lên đến vài tỉ đồng.
Khởi nguồn, ngày 28-1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án nhận hối lộ, liên quan đến việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân, xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Cùng với đó, cơ quan công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn người để điều tra với tội danh nêu trên.
Những người này gồm Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng lãnh sự; Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự.
Đến ngày 25-3, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao với tội danh mới là đưa hối lộ. Ngay sau đó, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam với Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình.
Theo thông tin tự giới thiệu trên trang chủ anbinhairlines.vn, Công ty TNHH Thương mại Du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình, trụ sở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hoạt động theo chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 9-9-2011 của Sở KH&ĐT Hà Nội. Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp này là đại lý vé máy bay, dịch vụ phi hàng không tại sân bay, dịch vụ du lịch.
An Bình là một trong số những doanh nghiệp liên quan đến làm dịch vụ tổ chức chuyến bay để đưa, đón khách, chủ yếu là công dân Việt Nam đang kẹt ở nước ngoài vì các biện pháp hạn chế đi lại phòng, chống COVID-19 của nhiều nước. Quá trình này đã gây ra dư luận bức xúc về việc chi phí cao bất thường, cùng nghi vấn tiêu cực, lợi ích nhóm.
Quá trình mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ này, ngày 14-4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam về tội nhận hối lộ đối với ba bị can.
Những người này gồm ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, Chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế và Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng được lãnh đạo phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác của Bộ Ngoại giao, trong đó có mảng lãnh sự.
Đồng thời, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2022, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết cơ quan điều tra khẳng định “có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi trong vụ án này”. Hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, gồm một số cơ quan, ban ngành của cả trung ương và địa phương.
“Đặc biệt, vụ án xảy ra trong thời gian dài. Các đối tượng đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc” - ông Xô nói.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đề nghị Bộ GTVT cung cấp các tài liệu làm rõ căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay; quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay “combo”, “giải cứu” như thế nào, cũng như điều kiện để công dân được về nước theo các chuyến bay này.
Danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay và các công ty, doanh nghiệp đã được cấp phép triển khai các chuyến bay “giải cứu”, cung cấp danh sách cá nhân được phân công để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay “giải cứu”…
Nói về việc Thứ trưởng Tô Anh Dũng và một số cán bộ bị khởi tố, bắt giam, tại buổi họp báo thường kỳ ngày 21-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, cho biết Bộ Ngoại giao đã bố trí nhân sự phù hợp, đảm bảo không gián đoạn công việc chuyên môn.
Đến ngày 6-5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Tường Vi (42 tuổi, giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đầu tư ATA Việt Nam) và bà Nguyễn Thị Dung Hạnh (40 tuổi, giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam 19) về tội đưa hối lộ.
Gần ba tháng sau, ngày 25-7, sau thời gian điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời khởi tố, bắt tạm giam thêm bốn bị can về tội nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Mai Anh, chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ; Ngô Quang Tuấn, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT; Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Công an còn khởi tố ông Bùi Huy Hoàng, cán bộ Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty CP du lịch thương mại Lữ Hành Việt, Giám đốc Công ty Vận tải du lịch Hoàng Long Luxury, về tội đưa hối lộ.
Ngày 18-8, Công an tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc bị can Nguyễn Tiến Thân, Chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ, về tội nhận hối lộ.
Căn cứ tài liệu thu thập được, liên tục trong các ngày 20 và 27-9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ về tội nhận hối lộ; Nguyễn Quang Linh, trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, về tội nhận hối lộ.
Trong ngày 27-9, Ban Bí thư đã họp và quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Tô Anh Dũng và Nguyễn Quang Linh. Chính phủ cũng có quyết định buộc thôi việc đối với hai cá nhân nêu trên.
Trước đó một ngày (26-9), trong thông cáo về kỳ họp thứ 20, UBKT Trung ương cho biết qua xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên liên quan đến vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, TP, UBKT Trung ương nhận thấy:
Ông Tô Anh Dũng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Đồng thời vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Hai cán bộ này đã làm sai lệch chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước khi dịch COVID-19 bùng phát; gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng.
Do đó, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông Tô Anh Dũng và Nguyễn Quang Linh.
Đến những ngày đầu tháng 10, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hồng Hà, nguyên cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản về tội nhận hối lộ; bà Nguyễn Lê Ngọc Anh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ngoài ra, công an cũng khởi tố và bắt tạm giam ông Hoàng Anh Kiếm (nghề nghiệp tự do) về tội đưa hối lộ.
Đến ngày 27-10, Bộ Công an tiếp tục có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Tào Đức Hiệp, nguyên giám đốc Công ty TNHH du lịch dịch vụ công đoàn Đường sắt Việt Nam về tội đưa hối lộ, và bà Lê Thị Ngọc Anh, chuyên viên Phòng nhà khách, Vụ Lễ tân, Ban đối ngoại Trung ương, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một ngày sau đó (28-10), ông Trần Hồng Hà, giám đốc Công ty TNHH cung ứng nhân lực và thương mại Quốc tế Sao Việt cũng bị bắt và khởi tố về tội đưa hối lộ
Cho đến những ngày đầu tháng 12 này (3-12), Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục ra các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đối với bảy bị can.
Trong đó, ba người bị bắt về tội nhận hối lộ, gồm Vũ Hồng Quang, Phó Trưởng phòng vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola; Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, hiện là Chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ GD&ĐT.
Ba người bị bắt về tội đưa hối lộ, gồm Nguyễn Thị Hiền, làm lao động tự do; Đào Minh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vijasun và Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty TNHH du lịch, thương mại Sang Trọng.
Bị can còn lại bị bắt về tội môi giới hối lộ là Phạm Thị Kim Ngân, Cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra - Thanh tra Chính phủ.
Năm ngày sau, ngày 8-12, ông Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ & Du lịch Bầu trời xanh (Blue Sky) tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam về tội đưa hối lộ; Phạm Bá Sơn, lao động tự do, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến ngày 22-12 vừa qua, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ. Ông Dũng được xác định có sai phạm liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu.
Cùng bị bắt về tội danh với ông Dũng còn có ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.
Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Bích Hằng, giám đốc Công ty CP Vina Mi Chi, về tội đưa hối lộ.