Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Gỡ khó cho du lịch, đâu phải chỉ chuyện visa

 

Gỡ khó cho du lịch, đâu phải chỉ chuyện visa

dvnien copy từ https://tuoitre.vn/..., trang web này đăng ngày 20/12/2022 08:20

Quan trọng nhất lúc này đối với ngành du lịch là có chính sách cởi mở hơn đối với du lịch quốc tế. Cần có những cách làm hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những khó khăn về vốn.

Gỡ khó cho du lịch, đâu phải chỉ chuyện visa - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tham quan quận 1, TP.HCM trên xe buýt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các hoạt động xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch Việt Nam vẫn yếu hơn nước bạn. Cùng với đó, còn nhiều chuyện vẫn chưa khắc phục để hấp dẫn du khách.

Cần chất hơn lượng

Trong bối cảnh sau đại dịch, để khách quốc tế ồ ạt đến Việt Nam như trước là rất khó. Vì vậy, số lượng khách không nhất thiết năm sau phải cao hơn năm trước mà quan trọng là doanh thu từ du lịch phải tăng thông qua việc thu hút dòng khách cao cấp, khách nhà giàu, có mức chi tiêu cao. 

Chúng ta cần thay đổi quan điểm, lượng khách chỉ nên là con số để tham khảo, quan trọng là doanh thu của ngành du lịch.

Thay vì chú trọng quá nhiều vào việc đặt mục tiêu số lượng khách đến Việt Nam như lâu nay, ngành du lịch cần phấn đấu làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn.

Một thống kê gần đây cho thấy trong khi Thái Lan trung bình 70% khách quốc tế sẽ quay lại, tại Việt Nam tỉ lệ này mới là 25 - 30%.

Cùng lưu trú khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng trung bình một khách đến Thái tiêu 2.500 USD, còn tại Việt Nam chỉ 1.200 USD. 

Nước bạn đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, mua sắm hoàn thuế và nhiều dịch vụ hấp dẫn khác. Khách đến Việt Nam vẫn đi ngủ sớm, không có nhiều dịch vụ để tiêu tiền. "Bỏ quên" kinh tế ban đêm đang là rào cản khiến du lịch Việt Nam đi sau nhiều nước.

Các điểm đến thiếu bản sắc. Ẩm thực, đồ mỹ nghệ na ná nhau, không có sản phẩm mang dấu ấn bản địa. Các gian hàng có vẻ tạm bợ, bán nhiều mặt hàng rẻ tiền và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc này khó thu hút khách quay lại.

Sau đại dịch, xu hướng du lịch phục hồi sức khỏe, tiện nghi nhằm giảm tiếp xúc, rút ngắn thời gian di chuyển được ưu tiên. Du khách thích du lịch ngoài trời, trở về với thiên nhiên, du lịch gắn với công nghệ cao, tính linh hoạt trong suốt hành trình.

Vì lẽ đó, cần tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản), du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng), du lịch đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe... nhằm thu hút nhiều hơn du khách quốc tế.

Tạo sự khác biệt

Việc "chặt chém", hét giá, chèo kéo du khách khiến ngành du lịch Việt trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Điều này luôn mang lại tâm lý bất an cho du khách.

Ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng khách du lịch bị ép giá, lừa đảo, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm và dịch vụ thực tế, mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

Khách quốc tế tìm đến Việt Nam không phải chỉ vì phong cảnh, ẩm thực mà còn vì văn hóa, con người Việt Nam. Những hình ảnh xấu xí về con người Việt Nam là một trong những lý do khiến nhiều du khách nước ngoài một đi không trở lại.

Một nguyên nhân nữa là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí cần có, thiếu vai trò nhạc trưởng điều phối chung. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, phong phú, chưa đủ hấp dẫn, quyến rũ.

Nói cách khác, muốn phát triển du lịch bền vững, hiệu quả cao thì phải theo hướng tạo sự khác biệt và đặc sắc. Việt Nam có nhiều cái hay, nhưng ta phải làm cho hay hơn. 

Du lịch Việt Nam phải vượt lên về chất, về sự hấp dẫn, khác biệt, lấy lợi ích kinh tế cụ thể làm thước đo, tạo đẳng cấp, chứ không chỉ đơn thuần chạy theo số lượng.

Nhiều địa phương mong thêm khách quốc tế

Thừa Thiên Huế: Khách du lịch quốc tế vẫn chưa đạt kỳ vọng

Ông Nguyễn Văn Phúc, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết năm qua ghi nhận du lịch nội địa đang phục hồi rất tốt nhưng du lịch quốc tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

"Nên miễn hoặc tăng thời gian gia hạn cho một vài quốc gia có quan hệ đối tác song phương, ít nhất có thể tăng lên 3 tuần đến 1 tháng. Việc này có liên quan đến nhiều vấn đề, nhưng nếu có giải pháp thì đây cũng là một cách để kích cầu du lịch. Ngoài ra có thể tìm những giải pháp, áp dụng công nghệ trong việc rút ngắn thời gian làm thủ tục xin visa cho khách du lịch", ông Phúc nói.

Ông Vũ Văn Chương, giám đốc Công ty du lịch Tự hào Việt Nam, có ý kiến rằng nhiều địa phương du lịch, trong đó có Huế, nên đầu tư nâng cấp hạ tầng và tăng thêm các dịch vụ trải nghiệm để thu hút du khách.

Đà Nẵng: Chuyến bay quốc tế còn thấp

Ông Nguyễn Văn Hiền, trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết: "Đến thời điểm này khách đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn mới chừng 35 - 40% so với trước dịch, chủ yếu do vắng khách quốc tế. Những tháng cuối năm là thời điểm đón khách nước ngoài, dù có "chạy đà" vào đầu năm nhưng lượng khách quốc tế vẫn chưa tăng".

Ông Nguyễn Minh Xoang, phó chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, cho rằng tính đến thời điểm này Đà Nẵng mới khôi phục được 13 đường bay quốc tế với trung bình 17 chuyến/ngày. Đây vẫn là con số rất khiêm tốn, thấp hơn số chuyến bay kết nối Đà Nẵng - Hàn Quốc mỗi ngày vào thời điểm trước dịch COVID-19.

"Chúng tôi nhìn thấy đã có sự phục hồi của các thị trường khách Hong Kong, Thái Lan, Malaysia.

Một số thị trường mới như Ấn Độ cũng sẽ đi vào giai đoạn khai thác mạnh sẽ tạo nên tăng trưởng cho năm tới. Tuy nhiên, nếu muốn phục hồi nhanh thì cần có thêm nhiều giải pháp, trong đó việc xem xét miễn hoặc kéo dài thời gian gia hạn visa" - ông Xoang nhận định.

TRƯỜNG TRUNG - N.LINH

Đừng để du lịch Việt NamĐừng để du lịch Việt Nam 'đi trước về sau'

TTO - Mục tiêu 5 triệu hay 10 triệu khách chỉ là những con số không nhiều ý nghĩa nếu du lịch Việt Nam không có một kế hoạch tổng thể để thực hiện. Và đây chính là bài học hồi phục của du lịch Việt Nam sau đại dịch.

CHUNG THANH HUY

Không có nhận xét nào: