Bài học từ "bản án chung thân" tự nhận của bị cáo Trần Đình Thành
Đối với bị cáo Trần Đình Thành - cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai, có thể nói đó là những lời "gan ruột". Tự nhận mình đã mắc sai lầm nghiêm trọng, cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai cảm thấy ân hận, đau xót khi trở thành tấm gương xấu.
Ân hận vì đã làm những điều ảnh hưởng tới đồng chí, gia đình, bạn bè. Những sai lầm không chỉ đem đến đau khổ tủi nhục cho bản thân mà cho người thân của mình. Ông Thành cay đắng và chân thành nói lên điều đó.
Ăn năn, hối lỗi và cho rằng không thể tha thứ cho bản thân, ông Trần Đình Thành nói: "Giờ đây, trong lòng bị cáo đầy tâm trạng nặng nề, luôn thấy đau xót, hổ thẹn. Chắc chắn tâm trạng này sẽ đeo đuổi suốt cuộc đời bị cáo. Bị cáo nghĩ đây gần như là bản án chung thân mà toà án lương tâm đã tuyên với bị cáo".
Tự "tuyên" một bản án chung thân, rồi đây khi hết hạn tù thì lương tâm cũng cắn rứt cho đến hết đời. Bị cáo Trần Đình Thành nói thật lòng mình, và cũng rất đáng để nhiều người khác suy nghĩ.
Những người theo dõi phiên tòa, hoặc đọc những lời nói sau cùng của bị cáo Trần Đình Thành trên báo chí, đều có thể chia sẻ được với ông, hiểu được những đau khổ dằn vặt của ông. Còn người làm quan thì đúng là có được bài học "sâu sắc".
Chắc chắn từ khi bước chân vào trại tạm giam, bị cáo Trần Đình Thành nuối tiếc rất nhiều. Câu nói "giá như đừng làm" được nhắc đến nhiều nhất trong suy nghĩ, trong tâm trí của ông. Nhưng đã quá muộn.
Bị cáo Đinh Quốc Thái cũng như vậy. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo nói rằng: "Bị cáo rất đau buồn vì truyền thống, niềm tin của gia đình, của bạn bè, đồng chí đối với bị cáo; quá trình sự nghiệp của bị cáo cũng đã mất hết... Một lần nữa xin cúi đầu nhận hết cả tội lỗi của mình".
Sự giày vò về tội lỗi của mình đã ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất của con người. Chính bị cáo Trần Đình Thành cho rằng, sức khoẻ của mình giảm sút rất nghiêm trọng, bản thân thấy sức khoẻ không còn bao nhiêu nữa.
Nếu có cuộc sống bình thường, không cần nhiều tiền, thì ông Thành vẫn vui tươi mạnh khỏe. Cái quý giá nhất là sức khỏe, đến lúc này mới nhận ra thì nó đã "không còn bao nhiêu".
Những ai là cán bộ lãnh đạo, chức vụ càng lớn càng nên theo dõi những phiên tòa tham nhũng.
Nghe những lời các bị cáo nói, xem những gương mặt buồn thảm của các bị cáo trước màn hình và trên các trang báo, sẽ học được nhiều hơn mọi lời giáo huấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét