Đơn thuốc bất thường tại BVĐK Hà Đông: Bảo hiểm từ chối thanh toán
Tiếp theo loạt bài điều tra của Báo Lao Động về những đơn thuốc bất thường tại Khoa Phụ sản- Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội), nhiều sản phụ từng sinh nở tại đây đã lên tiếng khẳng định những gì Báo Lao Động phản ánh chính là những gì họ đã trải qua.
Mua thuốc ngay khi vào viện nhưng bị bảo hiểm từ chối thanh toán do thuốc dùng ngoại viện
Mặc dù khi vào khoa Phụ sản- Bệnh viện đa khoa Hà Đông, bệnh nhân phải mua thuốc ngay khi làm thủ tục nhập viện, thế nhưng đã có bệnh nhân bị công ty bảo hiểm từ chối thanh toán vì đơn thuốc này thuộc vào chi phí phát sinh sau xuất viện, không thuộc phạm vi thanh toán. Hiểu đơn giản là những loại thuốc này không hề được sử dụng trong quá trình sinh nở của bệnh nhân, nhưng vẫn phải mua.
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, chị N.T.Ch (Phú Lãm- Hà Đông- Hà Nội) cho biết: "Thời điểm tháng 11.2021, tôi phải lấy toàn bộ hóa đơn, giấy tờ, bảng kê chi tiết khi sử dụng các dịch vụ khi đi sinh tại Khoa sản- Bệnh viện đa khoa Hà Đông để thanh toán bảo hiểm. Bảng này ai cần thanh toán bảo hiểm thì bệnh viện sẽ cấp cho".
Thế nhưng, riêng phiếu mua thuốc mà Khoa Phụ sản kê đơn ban đầu ngay khi tôi vào Khoa làm hồ sơ sinh thì không được liệt kê vào bảng kê chi tiết.
"Mặc dù ngay khi vào viện, tôi đã phải mua thuốc, nhưng bên bảo hiểm vẫn từ chối vì lý do là tiền phát sinh sau xuất viện, không thuộc phạm vi bảo hiểm thanh toán. Bên bảo hiểm đã từ chối chi trả khoản tiền hơn 1 triệu mua thuốc này"- chị Ch bức xúc.
Kê đơn thuốc không theo nguyên tắc nào
Theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú do Bộ Y tế ban hành, 3 nguyên tắc đầu tiên trong kê đơn thuốc: Một là chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh; hai là phải kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh; ba là việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả.
Soi chiếu vào các đơn thuốc mà hầu hết tất cả các sản phụ đến sinh con tại Khoa Phụ sản- BVĐK Hà Đông như Lao Động đã phản ánh, có thể thấy nhân viên y tế tại đây đã kê đơn thuốc một cách hết sức tùy tiện. Hành vi này đã vi phạm 3 nguyên tắc đầu tiên và cơ bản nhất trong quy định về kê đơn thuốc.
Giá thuốc trong bệnh viện cao hơn, một số người bệnh ra ngoài viện mua thuốc
Theo điều tra, tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, khi nhân viên y tế yêu cầu đi mua để chuẩn bị cho sản phụ sinh nở thì gần như không có người nhà bệnh nhân nào từ chối mua. Một số ít người nhà bệnh nhân mua thuốc tại các nhà thuốc bên ngoài bệnh viện, nhằm giảm chi phí. Vậy lý do gì khiến họ phải làm như vậy?
Theo khảo sát của chúng tôi, với những loại thuốc được kê trong đơn này, khi người bệnh mua tại nhà thuốc của bệnh viện sẽ phải chịu mức giá cao hơn so với thị trường.
Đơn cử như thuốc sắt Fogyma hộp 8 vỉ 40 ống, khảo sát tại các hiệu thuốc có giá dao động từ 255- 285 nghìn đồng. Thế nhưng, cùng loại này, nhà thuốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông bán với giá 320 nghìn đồng.
Thuốc Trimoxtal 500, tại các nhà thuốc bên ngoài bệnh viện có giá 13,5 nghìn đồng/viên nhưng trong nhà thuốc bệnh viện bán 18 nghìn đồng/viên. Với 21 viên thuốc được kê đơn, người bệnh phải trả 378 nghìn đồng.
Sau khi tham vấn ý kiến một số bác sĩ, phóng viên được biết thuốc Trimoxtal là kháng sinh hàng kê đơn. "Tức là bác sĩ kê đơn được chiết khấu % của hãng dược gửi lại. Còn các loại thuốc khác trong đơn này là hàng thông thường, hầu như nhà thuốc bán lẻ nào cũng có. Riêng đối với kháng sinh, bác sĩ hoàn toàn có thể kê các loại thuốc thay thế, đơn cử như Augmentine 500 hàng Pháp có giá cả rẻ hơn, hiệu quả tốt. Tuy nhiên, kê thuốc đó, bác sĩ không được đồng nào"- một vị bác sĩ phân tích.
Bác sĩ này cũng cho rằng việc nhân viên y tế kê đơn thuốc dùng sau sinh cho các sản phụ ngay từ "đầu vào", ngay từ khi bệnh nhân vào viện như vậy là không đúng, vi phạm quy định. Đây cũng là hành vi tận thu đối với người bệnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét