Khi hiệu trưởng quan liêu, thiếu dân chủ
(GDVN) - Nỗi sợ hiệu trưởng trở thành ám ảnh đối với mọi người. Khi đang đi vào trường mà gặp hiệu trưởng thì co rúm, bước thật nhanh cho khuất.
LTS: Tình trạng độc đoán, chuyên quyền, quan liêu đã và đang được các hiệu trưởng áp dụng một cách triệt để trong nhà trường.
Chia sẻ về hình ảnh người hiệu trưởng quan liêu, thiếu dân chủ, tác giả Thạch Hoàng Sa đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Nếu hỏi bất kỳ một giáo viên, nhân viên nào trong nhà trường rằng: Thầy cô, anh, chị sợ ai nhất thì bạn sẽ nhận được câu trả lời: “Sợ thầy hiệu trưởng”.
Vì sao có tình trạng mọi người “sợ” người đứng đầu nhà trường như vậy?
Trong thực tế, nhiều hiệu trưởng được đề bạt không phải vì tài năng, đức độ mà do có những “mối quan hệ tốt đẹp” với cấp trên. Vì vậy, trong quá trình quản lý nhà trường, họ bộc lộ khá nhiều những khiếm khuyết.
Hiệu trưởng độc đoán, chuyên quyền (Ảnh minh họa: ĐAN). |
Có lần, tôi vừa dừng xe phía góc trường thì nghe giọng hiệu trưởng oang oang từ ngoài vào: “Ai đưa bảng nội quy vào góc khuất này? Đem vào đây thì có ai xem? Người nào làm đây chắc thiếu i-ốt nặng lắm?”.
Thì ra bảng nội quy vừa được Bí thư đoàn trường dịch qua để làm bảng thông tin của Đoàn thanh niên.
Thay vì gặp Bí thư đoàn trường, vừa trao đổi nhẹ nhàng thì tình cảm biết mấy, đằng này, hiệu trưởng lại tự cho mình cái quyền mắng mỏ người khác trước mặt giáo viên và học sinh…
Hoặc có lần tôi chứng kiến hiệu trưởng la rầy một giáo viên chủ nhiệm ngay tại văn phòng trường, trước mặt nhân viên văn phòng và một số học sinh về “tội” thông báo chưa chính xác số tiền “tự nguyện” cho lớp.
Cô giáo đã phát khóc vì vừa tức vừa mắc cỡ trước mọi người. Tôi vội lánh xa, nếu ngu ngơ bước vào “hỏi thăm” thì ít nhất sẽ “lãnh” một vài “loạt đạn” vì hiệu trường đang “nổ”.
Nỗi sợ hiệu trưởng trở thành ám ảnh đối với mọi người. Khi đang đi vào trường mà gặp hiệu trưởng thì co rúm, bước thật nhanh cho khuất.
Trong các cuộc họp hành, hiệu trưởng “áp” từ trên xuống mọi công việc, không cho ai bàn bạc, phản biện hoặc có ý kiến thì tìm mọi cách phủ nhận.
Khi hiệu trưởng lộng quyền, độc đoán |
Nhớ hồi chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập trường, hiệu trưởng mời các tổ trưởng đề xuất cách làm quà kỷ niệm. Có tổ trưởng đề xuất làm chiếc quạt, trên đó in hình của trường, phát cho đại biểu…
Vừa dứt lời, hiệu trưởng “đốp” luôn: “Kỷ niệm ngày thành lập trường chứ đâu phải đám ma mà làm quạt giấy phát cho khách?”. Tội nghiệp đồng nghiệp phải ngồi im luôn, không dám ý kiến gì nữa.
Theo tôi, hiệu trưởng phải là trung tâm đoàn kết của nhà trường thì nhà trường mới có sức mạnh để vươn lên. Hiệu trưởng mà phát biểu thiếu chuẩn mực, mắng chửi giáo viên, nhân viên thì tự mình làm hại mình.
Đó là chưa nói đến những tiêu cực, những mập mờ, những biểu hiện thu vén cá nhân, không minh bạch trong thu chi… sẽ dẫn tới những “lời ra tiếng vào”, tuy không trực tiếp nhưng chính những dư luận không tốt này làm xói mòn niềm tin vào hiệu trưởng.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng cần có chữ “Nhẫn” trong công việc, trong đối nhân xử thế. Coi thường mọi người, tự cho mình là có quyền uy mà làm cho người ta “sợ” thì chắc họ chỉ “sợ” trước mặt thôi; vì công việc, vì chỗ làm chứ sau lưng chắc chắn họ không sợ và họ mong có sự đổi thay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét