Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Sẽ còn bao nhiêu thầy cô giáo nữa sẽ bị đuổi khỏi trường?

Sẽ còn bao nhiêu thầy cô giáo nữa sẽ bị đuổi khỏi trường?

  Trần Phương
0 bình luận - dvnien copy từ https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/...
(GDVN) - Nếu các thầy cô không thay đổi, không tự làm mới mình để đáp ứng những yêu cầu của xã hội thì sẽ còn bao nhiêu thầy cô giáo nữa sẽ bị đuổi khỏi trường học?
Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến bạo lực học đường, mà người gây ra bạo lực lại chính là người thầy, người cô của các em.
Tháng 01/2019, học sinh Đàm Công M. lớp 1A, Trường tiểu học Thụy Hùng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) nghi bị cô giáo chủ nhiệm dùng thước kẻ đánh gây tổn thương ở mắt phải đã được gia đình phản ánh báo chí và các cơ quan chức năng. Đến nay việc giải quyết hậu quả của vụ việc vẫn chưa được gia đình học sinh đồng thuận.
Tháng 2/2019, một học sinh lớp 7 ở trường Trung học cơ sở Long Hòa, tỉnh Long An bị thầy giáo phạt đánh nhiều roi. Theo kết quả chụp X quang, học sinh bị vẹo cột sống. Mặc dù chưa khẳng định được cháu bị vẹo cột sống có phải do thầy giáo đánh nhưng việc thầy đánh học trò là có thật.
Cũng trong tháng 1/2019,  một cô giáo tại trường Tiểu học Trung Thành, Thái Nguyên đã bị phụ huynh tố cáo bắt học sinh tiểu học tự tát 50 cái vào mặt chỉ vì em này mất trật tự. Các học sinh khác cho biết là không chỉ một mà nhiều học sinh khác từng bị cô ép tự tát. Sau khi bị phụ huynh làm đơn tố cáo, cô giáo đã được chuyển sang dạy lớp khác.
Những giọt nước mắt hối hận không giúp các cô giáo có được sự thông cảm của xã hội khi các cô đã dùng bạo lực với học trò. (Ảnh cắt ra từ clip)
Trước đó, ngày 28/12/2018, do nhầm lẫn trong giờ kiểm tra nên một học sinh trường Tiểu học số 1 Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã làm không đúng đề bài nên đã bị giáo viên chủ nhiệm đến tận bàn xách tai và tát 2 cái vào má.
Em học sinh này bị chấn động sọ não và phải nhập viện điều trị theo dõi. Sau đó, cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với cô giáo này với mức phạt là 2,5 triệu đồng.
Vào tháng 11/2018, cũng tại Quảng Bình, một cô giáo tại Trung học cơ sở Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã bị khởi tố vì chỉ đạo các bạn trong lớp tát bạn mình tổng cộng 231 cái tát.

Nền giáo dục công bằng, yêu thương sẽ xoa dịu, hàn gắn các tổn thương
Tại Hải Phòng, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) đã bị đuổi khỏi trường vì đã tát học sinh lớp 2 trường này.
Gần đây nhất, ngày 19/6, đại diện trường Mầm non Song ngữ Ecokids (Tòa R4, khu đô thị Goldmark City, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cô giáo tát bé trai B.A là Nguyễn Thị T. (SN 1990), làm việc tại trường được khoảng 4 tháng đã bị đuổi việc.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một số hình ảnh cùng thông tin cho rằng cô giáo trường mầm non Ecokids Goldmark City đánh học sinh đến bầm dập.
Những hình ảnh bạo lực học trò sẽ chỉ làm ngành giáo dục gặp khó khi lấy lại niềm tin của nhân dân. (Ảnh Tổng hợp)
Qua những vụ việc trên, vấn đề được nhiều người quan tâm là: Vì sao các vụ bạo hành học sinh tiếp tục xảy ra? Nhiều thầy cô giáo vì sao không thể kiềm chế được cơn thịnh nộ của mình?
Và nếu cứ để tình trạng này tái diễn, sẽ có bao nhiêu thầy cô giáo nữa sẽ bị đuổi khỏi trường học?
Trong bất kỳ nghề nghiệp nào, việc làm sai phạm mà bị kỷ luật có thể coi đó là chuyện bình thường bởi trong xã hội luôn có người đúng, người sai. Kỷ luật để điều chỉnh hành vi của người đó.
Thế nhưng, nhưng một nhà giáo bị lên án vì có hành vi bạo lực, không có tình yêu thương học sinh, trong khi đây là cốt lõi của nghề dạy học thì quả thật là sự đau xót của nhà trường nói riêng, ngành giáo dục nói chung.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo lực học đường do các thầy cô giáo gây ra cho học sinh.

Bạo lực học đường, có phải chúng ta đang đổ lỗi?
Nhưng không điều lý giải nào có thể thuyết phục được bằng chính sự thay đổi của các thầy cô trong việc nhận thức vai trò của mình đối với học sinh và nhà trường.
Bất kỳ xã hội nào đều coi trọng người thầy, bởi người thầy luôn là chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo, nghề giáo là nghề tạo ra những thế hệ tương lai của dân tộc.
Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình nhưng một nhà giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau.
Nhưng, cũng cần phải nói rằng, “trồng người” là một sự nghiệp lớn cần phải có sự chung tay của cả hệ thống xã hội trong đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Đã có rất nhiều thầy cô giáo đang âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người của đất nước, những hi sinh tuổi xuân của các thầy cô giáo đã làm nên những trang vẻ vang của giáo dục nước nhà. Những tấm gương của các thầy cô giáo đã trở thành những tấm gương phản chiếu đạo đức giáo dục nước nhà.
Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng đang có một bộ phận giáo viên chạy theo lối sống kim tiền, tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của mình xấu dần trong mắt học trò.
Đau lòng hơn, khi có những thầy cô bị đuổi khỏi trường, khỏi lớp bởi những hành động vô tâm hành hạ, đánh đập, dùng áp lực, xúc phạm đến nhân cách học trò...
Chính vì vậy, những tấm gương mờ của một số thầy cô giáo thời gian gần đây đã khiến cho dư luận, xã hội đang có những cách nhìn chưa đầy đủ về nghề giáo.
Việc đó vô tình đã phủ nhận đi công lao của hàng triệu các thầy cô giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang ngày đêm gieo chữ, trồng người.
Có lẽ đã đến lúc những người làm giáo dục cần “định vị” lại những tiêu chuẩn của giáo viên để những sự việc đáng tiếc này không còn xảy ra trong tương lai.
Mối lo bạo hành học sinh đến từ giáo viên trở thành mối lo đang ngày càng hiện hữu trong xã hội (Ảnh minh họa từ tạp chí kiếm sát)
Và hơn hết, các thầy cô phải tự mình thay đổi, phải luôn trau dồi và nâng cao phẩm chất, năng lực của mình, điều đó là yêu cầu tự thân của mỗi nhà giáo, vừa là yêu cầu cả xã hội đặt ra và coi đó là một nhu cầu của cuộc sống hàng ngày khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp của mình.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội:  “.. Không có cơ hội cho những giáo viên không có đạo đức nhà giáo.
Nhất thiết cần đưa vào Luật những quy định xử phạt với nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp để giáo viên có ý thức chấm dứt hẳn những hành vi phản giáo dục, chấm dứt bạo lực trong trường học vì một nền giáo dục thực chất vì học sinh” .
Bên cạnh đó, thiết nghĩ, lãnh đạo ngành Giáo dục nên nghiêm túc rút kinh nghiệm, tăng cường các hoạt động kiểm tra, quản lý các trường học; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên có nghiệp vụ sư phạm tốt, phẩm chất đạo đức tốt để hạn chế đến mức thấp nhất “bạo hành” học sinh, không để xảy ra rồi mới kiểm điểm, kỷ luật, cảnh cáo, rút kinh nghiệm…
Trần Phương

Không có nhận xét nào: