Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

Dấu mạn thuyền

Dấu mạn thuyền

Copy từ https://tuoitre.vn/dau-man-thuyen-20190602104628606.htm , tác giả: Hoàng Công Danh , đã đăng
ngày 02/06/2019 10:55.
Thời con gái

TTO - Lần nào đi Huế, tôi cũng ghé qua trước cổng nhà Khánh. Một cây osaka thỉnh thoảng nở vàng từng chùm thả xuống như nhắc nhớ về thời sinh viên hai mươi năm trước.

Dấu mạn thuyền - Ảnh 1.
Minh họa: Đặng Hồng Quân
Thuở đó, Khánh đẹp nhất lớp đại học, và tôi si mê. Thuở đó, tôi rụt rè ngại ngần, đến giảng đường không dám bắt chuyện với Khánh. Chỉ những ngày cuối tuần, tôi thường đạp xe đi qua trước cổng nhà có cây osaka.
Hai mươi năm từ ngày ra trường, mỗi năm ít nhất một lần tôi đều đi Huế, những dịp công tác hay đi chơi festival. 
Sắp tới cổng nhà Khánh, trong người cứ rạo rực, run run. Tôi nhờ xe ôm chở tới chỗ quán nước trước nhà Khánh, đưa mắt nhìn vào cổng sắt, lóm liếc như một kẻ làm điều khuất tất. 
Tôi sợ nhỡ Khánh từ trong nhà bắt gặp ánh nhìn của tôi, một kẻ mãi không khá lên được nên luôn tự ti.
Đến khi lấy vợ có con, tôi vẫn còn thói quen đi qua cổng nhà Khánh. Và đến lúc ấy, tôi mới chợt thấy mình ngờ nghệch quá. Tôi quên mất rằng Khánh cũng phải đi lấy chồng. 
Thậm chí Khánh đã lấy được chồng giàu có ngon lành từ lúc mới ra trường, vì Khánh đẹp.
Biết vậy, tôi vẫn ghé cổng vàng osaka, mong mỏi một lần nào đó Khánh quay về nhà ba mẹ. Và chỉ cần nhìn thấy cái dáng vẻ ấy, trong một bộ đồ tím là tôi sẽ quay đi ngay.
Bà chủ quán nước trước cổng đã quen mặt tôi. Mỗi lần ghé, bà đều mỉm cười thân thiện. Tôi cũng định hỏi thăm về Khánh nhưng ngại, sợ bà biết, rồi Khánh sẽ biết có người âm thầm theo dõi.
Tôi khen vu vơ cái nhà đối diện có cổng hoa đẹp quá. Bà bảo ai ghé quán nước này cũng khen như thế, nhờ nó mà chục năm nay bà bán nước được. 
Tôi như mở cờ trong bụng, chờ bà tiết lộ thêm, chẳng hạn nhà đó có cô con gái đẹp lắm giờ đi lấy chồng ở đâu, thường về thăm nhà dịp nào.
Nhưng bà chủ quán không nói gì thêm nữa, lặng lẽ ngồi sau tủ kính. Đúng thật phụ nữ Huế kín kẽ, họ không hở ra nhiều chuyện. Phải vì thế mà hai chục năm rồi từ ngày quen Khánh, tôi chẳng biết được gì nhiều ngoài cái vẻ đẹp dịu dàng khuôn phép.
Hoa osaka mấy mùa nở vàng, tôi vẫn không gặp được Khánh.
Thời Facebook, tôi kết nối với bạn bè đại học nhưng không tìm được Facebook Khánh. Không biết Khánh lấy chồng ở đâu, cuộc sống bây giờ thế nào. Khánh không chơi Facebook, hay nàng lấy một cái biệt danh nào đó mà tôi chưa tìm ra. 
Định hỏi thăm chuyện chồng con của Khánh thông qua bạn bè, rốt cuộc tôi vẫn không dám. Mà thực ra những tò mò ấy cũng không cần thiết, tôi chỉ cần mỗi lần qua Huế ghé nhà Khánh, mong nhìn lại người xưa là đủ.
Chuyến vừa rồi đi công tác về, vợ tôi chìa ra mảnh giấy.
"Anh nên đi gặp chị Khánh, địa chỉ đây".
Tôi sững sờ. Sao vợ lại biết hết chuyện. Đến nước này thì tôi không còn giấu vợ được nữa. Tôi kể cho vợ những kỷ niệm thời đại học của tôi và Khánh. Khẳng định với vợ đó chỉ là thứ tình cảm sinh viên, giữa tôi và Khánh chưa có chuyện gì sâu sắc, thậm chí chưa nắm tay nhau.
"Em biết, nên em mới khuyên anh đi gặp chị ấy. Em thậm chí còn biết anh vẫn thường ghé qua nhà chị Khánh. Nhưng em muốn anh gặp chị ấy một lần. Chị Khánh đến đây định kỳ, nên anh muốn gặp thì theo lịch ở trong giấy đó".
Cuối tuần, tôi cùng vợ đi Huế. Lấy nhau mười năm, nhưng đây là lần đầu tiên hai vợ chồng cùng đi Huế. Hồi trăng mật, vợ muốn đi Huế nhưng tôi không đồng ý, quyết đi Đà Lạt. Có lẽ vợ đã nghi ngờ từ dạo đó.
Tới Huế, vợ nhắc tôi nên ghé qua chỗ nhà Khánh trước. Giờ thì vợ nói gì tôi đều nghe theo. Như một kẻ bị túm ót, tốt nhất là chấp hành. Cổng nhà hôm nay không có hoa nở vàng. 
Vợ bảo dừng lại một chút, cho tôi nhìn thật kỹ một lần. Tôi thừa biết không có Khánh ở đây, hôm nay đã đến lịch ghi trong tờ giấy vợ đưa.
Đến bệnh viện, chân tôi run run bước lên cầu thang. Tính tôi nhát gan, thấy máu me kim tiêm là sợ. Những lần tới cổng hoa vàng tôi đã run, giờ thì run nhiều hơn, vì tôi sắp được gặp Khánh và bên cạnh còn có vợ tôi.
Đứng ngoài cửa phòng bệnh, tôi đã nhìn thấy Khánh nằm trên giường. Tóc Khánh không còn sợi nào, đầu như một ni cô. Nếu vợ không chỉ tay, tôi sẽ không thể nhận ra được Khánh. 
Lâu nay, tôi không dám gặp Khánh vì mặc cảm sự nghèo nàn của mình. Ngờ đâu bây giờ Khánh đang ở trong kia, hẳn nỗi mặc cảm của nàng sẽ lớn hơn tôi, nhất là khi gặp lại một người bạn từng đeo đuổi mình.
"Chị ấy đã vào chùa, luôn thể cạo đầu cho việc hóa trị, chị không muốn người khác nhìn thấy vẻ bệnh tật".
Tôi chợt rùng mình. Người xưa và người bây giờ khác nhau nhiều quá, hay chỉ vì tôi không chấp nhận được sự thay đổi một thứ mình quá yêu quý. 
Tôi đã hiểu ra vì sao bạn bè không ai có thông tin gì về Khánh. Và Khánh cũng dứt bỏ những thứ liên lụy đến cõi phàm trần lưu luyến. Thế thì cứ để cho Khánh yên.
"Vào thăm chị chút, anh".
"Thôi, mình về".
Sau lần đó, những lần đi Huế tôi không còn ghé qua cổng hoa vàng. Bâng khuâng lời nói không biết chủ ý hay vô tình của vợ: "Vì những người cứ níu giữ quá khứ, không biết hiện tại thì chỉ như kẻ khắc dấu mạn thuyền thôi, chẳng được gì đâu. Sách viết thế".
Truyện ngắn 1.078 chữ của HOÀNG CÔNG DANH

Không có nhận xét nào: