Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

Ngoảnh lại Thất Sơn

Ngoảnh lại Thất Sơn

Nghiêm Quốc Thanh
Copy từ "https://www.thesaigontimes.vn/289114/ngoanh-lai-that-son-.html", đã đăng ngày thứ Tư 29/5/2019, 10:44.

(TBKTSG) - Ai đã từng du ngoạn hay hành hương về Thất Sơn, về với hồ, với dốc đá và với những cổ thụ trăm năm, mới thấy nhớ thương nơi này khi một ngày nào lòng nặng trĩu. Rồi dù không ai làm bạn đồng hành, có khi ta cũng một mình ngược về phía ấy. Dừng ở con dốc quen. Ngồi lặng im. Không cần độc thoại trầm trồ trước sự quyến rũ ngàn năm của núi rừng. Ta còn lạ gì với núi nữa đâu, nhưng cứ lâu lâu ngó lên lại thấy núi niềm nở dang tay như đón chờ vị khách ngác ngơ xa lạ. Nắng ở lưng chừng đồi Tà Pạ cứ trong như tấm kính dựng thẳng lên bầu trời. Mặt trời lên hẳn rồi mà cánh đồng bên sườn đồi còn quấn quít sương.
Ảnh: Internet
Mây phủ trùm lên chóp núi. Giữa những trái núi, chiền(1) tạo ra biết bao suối hồ. Đồng bào người dân tộc Khmer gọi “hồ” là “ô”. Ô Tưk Sa - chỗ suối nước sung nhất vào mùa mưa chảy xuống hồ, ta muốn xẻ dọc vườn xoài tìm về mà tắm mát. Chỉ khởi nguồn là một hồ nước dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu quanh vùng mà nay Soài So (2) trở thành điểm đến của các bạn trẻ những chiều buông nắng. Có thể là vì sự hiếu kỳ với cái tên suối Vàng suối Bạc, mà cũng có thể người ta muốn chinh phục đỉnh Cô Tô để nhìn xuống cung đường quanh mặt hồ soi sắc trời sắc lá.
Ta đi, vòng xe ôm lấy những con đường mòn lượn dốc quanh co ưỡn theo sườn núi. Ta hỏi vì đâu lại có con đường này? Chỉ có những người khai phá và chinh phục đỉnh cao. Có con người, núi rừng thêm rạo rực. Và như thế, rừng núi cứ giục bước chân thử thách biết bao người. Ta hỏi vì đâu lại có những tảng đá lớn nhỏ chất chồng? Chỉ có tạo hóa mới sắp đặt như thế, trông lêu bêu mà vững trụ, mỗi dáng đá là một tuyệt tác của thiên nhiên.
Ai đó như chùn bước đi lên thì hãy ngồi xuống mỏm đá tỏa bóng mát kia, rồi thủng thẳng tiếp tục cuộc hành trình. Nếu chân có mỏi thì dọc đường cũng sẽ có xe ôm sẵn đợi những ai bỏ giữa chừng cuộc chinh phục. Ai đó bụng cồn cào, thì đã có lều quán bán bánh xèo núi, ít tép và đậu xanh, nhiều rau. Từ chân núi càng lên cao, món này càng rẻ.
Bên cheo leo đá, bên vực sâu, mình bay trong trí tưởng tượng. Dưới kia là suối chảy, là những ngọn cây lêu nghêu đọt lá tím, là những cây me, cây dầu rái đã được công nhận là cây di sản, là cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Và từng hang động có tên gắn với từng sự kiện Thất Sơn xưa, đưa mình qua đoạn tối lại thông ra cửa sáng, có nơi thông lên những ngọn cây và thăm thẳm bầu trời.
Ngồi ở đỉnh, có ai nghe thấy bên mình một ánh chiều trôi. Ta trông về đồng bằng ngút tầm mắt vừa bát ngát xanh đầu vụ lúa.
Mặt trời lăn qua bên kia núi rồi. Khơi lửa lên thôi! Dưới 20 độ C cũng không lạnh lắm, dường như là âm ấm của lửa và sương. Một đêm lạnh không thể nào quên. Cả bọn có đứa di di chiếc điện thoại lên khỏi đầu bắt sóng, đứa lôi trong giỏ ra chừng mươi củ quả, loanh quanh tìm chỗ nướng. Núi đêm rõ từng nhịp buồn tanh tách. Vừa ăn vừa ngước lên tìm trăng giữa tháng đang trong veo trên nền trời và thốt rằng: “Ôi, nếu trăng xưa nơi này, chúa tể sơn lâm sẽ xuất hiện nằm phơi mình trên phiến đá, mãng xà lướt nhanh như gió táp động cây rừng”. Anh bạn lại kể liền mạch những câu chuyện ly kỳ trên dãy Thất Sơn. Chuyện vị đạo sĩ khai hoang, tu luyện đắc đạo, diệt trừ hung thú, chữa bệnh cứu người. Hay chuyện cặp song sinh đầu thai tương phùng làm anh em ruột bởi tiền kiếp hẹn thề dang dở...
Bạn đánh một khúc ghi ta, hát: Dù rằng sau mưa bão, gió hiền hòa lại về, bỗng thấy lòng hoang vu. Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay...(3). Bạn công tác nhiều năm rồi định cư trên đỉnh Thiên Cẩm Sơn, xem như còn nợ non núi một ân tình. Ta cũng ngược về phía núi mỗi lúc chênh vênh, nhưng không làm sao phượt cho hết dãy Thất Sơn trải dài trong nỗi nhớ.
Mãi đó Thất Sơn, những ngọn núi oai hùng và lung linh huyền bí. Sớm mai nào hòa phiên chợ Mây để được bồng bềnh Thiên Cẩm Sơn, nhìn từ vồ (4) Bồ Hong để đánh thức giấc mộng cả một cung điện nguy nga đồ sộ dưới chân mình. Về thăm Phụng Hoàng Sơn, cho phép mình lạc giữa những tiên nữ giáng trần tạt nước làm mưa, ướm dấu chân to ai đã in sâu lên phiến đá cho đến nay vẫn chưa rõ câu trả lời. Ta sẽ rủ ai đó cùng viếng Ngũ Hồ Sơn nhâm nhi ngọt trái mãng cầu, chua chát trái hồng quân và khỏa nước giếng Tiên do bàn tay vô hình ban tặng cứ khi cạn khi đầy từ khe đá len về một lõm nhỏ. Rồi lên Liên Hoa Sơn nghe rừng tỏa hương trầm từ cây gió bầu. Mấy ai như ta, hồ hởi ghé thăm Ngọa Long Sơn, nơi có những lò ảng từng nuôi giấu du kích quân mà pháo dội, trời gầm cũng không hề nghe thấy. Chỉ duy nhất Anh Vũ Sơn không có con đường nào khác con đường dành cho người chinh phục đỉnh núi này bằng chính đôi chân mình. Và Thủy Đài Sơn như em út, chìm giữa đồng lũ, khiêm tốn độ cao mà quanh năm mát mẻ vô cùng.
Ta về mà sao cứ ngoảnh lại trông lên. Mặt trời lên hẳn rồi mà sườn núi còn quấn quít trong sương. Tà Pạ một sáng vương sương làm dịu cơn nắng mỗi ngày qua, xanh màu xanh hồ nước đọng...
Núi vẫn ngẩng cao đầu nơi biên cương tổ quốc.
Núi ôm ấp xóm làng, núi vẫn dang tay chờ đợi những bước chân ai về.
(1) Chiền: chân núi, nơi có nhà cửa, đường sá thuận tiện hơn trên đỉnh núi và lưng chừng núi.
(2) Hồ Soài So ở sườn phía đông núi Cô Tô, thuộc huyện Tri Tôn, An Giang. Hồ rộng khoảng 5 héc ta, nước từ dòng suối Bạc đổ xuống. Nước hồ quanh năm xanh biếc phẳng lặng. Quanh hồ phong cảnh hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ.
(3) Lời bài hát Xin thời gian qua mau của nhạc sĩ Lam Phương.
(4) Vồ: đỉnh nhô lên trên một ngọn núi. Theo cách gọi “năm non bảy núi” của người dân vùng Thất Sơn thì bảy ngọn núi gồm núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài lớn, núi Dài Năm Giếng, núi Két, núi Tượng, núi Nước. Năm non hay còn gọi là năm vồ gồm vồ Bồ Hong, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Ong Bướm, vồ Thiên Tuế. Các vồ này đều thuộc núi Cấm và cao nhất là vồ Bồ Hong.

Không có nhận xét nào: