Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Tôi thấy "'kỳ lạ" khi coi tro xỉ là chất nguy hại

Tôi thấy "'kỳ lạ" khi coi tro xỉ là chất nguy hại
Copy từ http://icon.com.vn/vn-s83-146677-641/Toi-thay-ky-la-khi-coi-tro-xi-la-chat-nguy-hai.aspx, tác giả: Xuân Tiến/Icon.com.vn ; đã đăng ngày 15/11/2018 16:53.
“Nhiều nước tiên tiến của châu Âu còn phải nhập tro xỉ về làm vật liệu xây dựng hoặc làm nền đường, còn Việt Nam dường như vẫn lảng tránh tro xỉ. Tôi thấy kỳ lạ khi coi tro xỉ là chất nguy hải”, đó là chia sẻ của PGS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam khi trao đổi với PV Tạp chí Điện lực.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam
PV: Thưa PGS, theo tính toán, hàng năm các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam thải ra bao nhiêu tấn tro xỉ?
PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Theo tính toán của chúng tôi, than nội địa có tỷ lệ tro xỉ trung bình 30-35% (tức 1 triệu tấn than sẽ có 350.000 tấn tro xỉ). Hiện nhu cầu than nội địa cần 30 triệu tấn/năm cho sản xuất điện, như vậy, hàng năm sẽ phải thải ra khoảng 10 triệu tấn tro, xỉ.
Đối với than nhập khẩu phục vụ sản xuất điện, lượng tro, xỉ dao động 3-8%, chúng tôi tính toán lấy trung bình 5%, tỷ lệ than nhập khẩu hiện nay khoảng 10 triệu tấn (tức nửa triệu tấn tro).
Như vậy, hiện nay, lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 10-11 triệu tấn. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, từ nay đến năm 2030 tiếp tục phát triển nhiệt điện than, lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than đạt khoảng 20 triệu tấn/năm.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện là chất nguy hại, xin PGS phân tích cụ thể hơn về vấn đề này?
PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Tôi đã có nhiều bài báo khoa học cũng như ý kiến phát biểu tại diễn đàn và khẳng định tro xỉ nhiệt điện than không phải chất nguy hại. Có thông tin cho rằng nhiệt điện than tạo ra hàng loạt kim loại nặng độc hại như thủy ngân, selen, arsen, chì, cadimi, v.v.
Tôi không hiểu tại sao khi đốt than lại thải ra nhiều kim loại nặng đến như vậy. Khối lượng các kim loại nặng này là bao nhiêu trong một tấn than đốt. Kết quả phân tích tro xỉ của rất nhiều nhà máy điện ở Việt Nam đều không phát hiện có các nguyên tố kim loại nặng này, còn nếu chỉ thấy có vết thì ngay một nắm đất xung quanh ta cũng có đủ cả trăm hóa chất khác nhau, một điếu thuốc lá cũng có danh sách cả nghìn hóa chất độc hại.
So với quy định của QCVN 07:2009/BTNMT nồng độ các nguyên tố kim loại nặng có trong tro xỉ nhỏ hơn từ vài chục lần tới mấy nghìn lần thế thì có điều gì phải lo ngại, thậm chí các nồng độ này còn thấp hơn nồng độ trong cơ thể động vật.
Trong bất kỳ một cơ thể sống nào cũng như vật chất vô cơ từ nắm đất đến cây cối và cơ thể đều có hóa chất kim loại nặng, trong đó nhiều nguyên tố kim loại nặng trở thành vi chất cần thiết của cơ thể, nó không độc hại. Ví dụ, trong cơ thể người chúng ta cũng có sắt – nếu không có sắt sao có máu đỏ? Trong sinh vật khác không thiếu gì đồng, chính là máu xanh. Hay kẽm trong cơ thể người giúp tăng cường khả năng đàn ông… những kim loại đó cho là kim loại nặng, có hại cho sức khỏe thì không đúng và không có cơ sở khoa học.
PV: Nhưng phải nhìn nhận thẳng vào thực tế, hiện nay nhiều bãi tro, xỉ đã đầy hoặc gần đầy gây bức xúc cho dư luận. Vậy theo PGS, Việt Nam cần làm gì để xử lý tro, xỉ này?
PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Nếu như tro, xỉ nhà máy nhiệt điện hiện nay có khoảng 10 triệu tấn/năm và theo tính toán, một triệu tấn để làm gạch kích thước tiêu chuẩn (gạch đặc) được 500 triệu viên gạch, gạch rỗng được 1 tỷ viên. Với 10 triệu tấn tro xỉ, nước ta sẽ sản xuất được 5-10 tỷ viên gạch đây.
Và theo các quy định của Chính phủ hàng năm sử dụng 40% gạch không nung, đến năm 2030 cần 40 tỷ viên gạch, trong khi theo tính toán đến năm 2030 Việt Nam chỉ có thể đáp ứng được 10-20 tỷ viên gạch. Như vậy nếu chỉ mang tro ra làm gạch đã không đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngoài ra, có thể làm việc khác như phụ gia xi măng, trong than nội địa có nhiều tro và có than chưa cháy hết có thể chiếm 15% trong tro, xỉ. Tro, xỉ này không làm vật liệu xây dựng được nhưng có thể khử cacbon để làm than tổ ong. Đối với than nhập khẩu gần như đốt cháy kiệt và theo tính toán từ này đến năm 2030 lượng than nhập khẩu sẽ nhiều lên và đến năm 2030 sẽ chiếm ¾ lượng than cho sản xuất điện. Vì thế tro của than nhập khẩu rất ít, cháy kiệt và gần như không có bãi tro.
Như vậy, nếu tất cả doanh nghiệp vật liệu xây dựng vào cuộc vào để biến tro xỉ thành sản phẩm hữu dụng thì chúng ta không phải bận tâm đến tro, xỉ nữa.
PV: Có ý kiến cho rằng, tro xỉ nhiệt điện than có thể dùng làm vật liệu san lấp, PGS có bình luận gì về ý kiến này?
PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Không nên, như vậy sẽ rất lãng phí. Tôi khẳng định lại lần nữa tro xỉ không phải chất nguy hại mà nó là tài nguyên, nếu làm đường giao thông như gia cố nền (lâu nay làm bằng cát) dưới dạng bê tông đầm lăn sẽ rất tốt, giảm lượng đá cũng như khai thác cát từ các sông gây lãng phí tài nguyên quốc gia. Tôi cho rằng đây là lỗi của ngành Giao thông khi không dùng vật liệu rẻ, tốt như vậy mà dùng cát với giá đắt.
Tôi từng có ý kiến trong một diễn đàn nếu làm đường cao tốc đoạn Phan Thiết- Nha Trang thì sử dụng tro xỉ của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ rất tốt và tiết kiệm rất nhiều chi phí cho ngành Giao thông.
PV: Trên thế giới, các nước sử dụng tro xỉ nhiệt điện than như thế nào thưa PGS?
PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Nước Anh hiện nay hàng năm nhập khẩu hàng triệu tấn tro xỉ về làm vật liệu xây dựng. Trung Quốc nhiệt điện than chiếm 79% công suất đặt hệ thống (nhiều hơn công suất điện của cả nước Mỹ) với lượng tro xỉ khổng lồ lên đến hàng trăm triệu tấn nhưng 100% tro xỉ của họ dùng làm vật liệu xây dựng.
Đặc biệt năm 2003 Chính phủ Trung Quốc có quy định cấm dùng gạch nung và mỗi năm cần 600 tỷ viên gạch không nung chủ yếu dùng từ tro xỉ của nhiệt điện. Họ cho rằng nếu không sử dụng tài nguyên tro xỉ, nước họ sẽ phải khai thác lượng đất sét khổng lồ để làm gạch. Một số nước xung quanh ta như Nhật Bản sử dụng 100%, Hàn Quốc 97% (3% còn lại do than kém chất lượng hơn không thể làm tro xỉ được). Ở Châu Âu một số nước dùng nhiều nhiệt điện than như Đức, Ban Lan, CH Séc cũng sử dụng tro xỉ hoàn toàn, không để lãng phí như nước ta.
Tôi thấy kỳ lạ khi tro xỉ là nguyên liệu quý nhưng coi đó là chất thải nguy hại.
PV: Như vậy, ở Việt Nam, để tháo gỡ bài toán tro xỉ cần khung pháp lý hoàn chỉnh, cụ thể hơn thưa PGS?
PGS.TS Trương Duy Nghĩa: Đúng vậy. Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chần chừ trong việc ban hành tiêu chuẩn tro xỉ nhiệt điện than. Từ 2 năm trước Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn tro xỉ dùng làm vật liệu xây dựng, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn này. Riêng đối với ngành Điện Bộ TN&MT có văn bản khẳng định tro xỉ không phải chất thải nguy hại.
Bãi chứa tro xỉ hiện nay ở các nhà máy chỉ còn 2 năm nữa đầy, nếu chưa có quy định cụ thể, Chính phủ cần cho phép kéo dài thêm vài năm và quy định “cứng” để ngành Giao thông, Xây dựng sử dụng tro xỉ chứ không phải kêu, hô hào như hiện nay nữa.
PV: Xin cảm ơn PGS!
Xuân Tiến/Icon.com.vn

Không có nhận xét nào: