Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Đồng Nai Thượng ngày mới

Đồng Nai Thượng ngày mới
Copy từ http://baolamdong.vn/xahoi/201612/ky-niem-30-nam-thanh-lap-huyen-cat-tien-1986-2016-dong-nai-thuong-ngay-moi-2768660/ , tác giả: Hữu Sang , đã đăng ngày 28/12/2016 09:02.
Sáng chớm lạnh, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp thức dậy thật sớm để ngắm nhìn những ruộng lúa nước xanh mướt đang trổ đồng dưới ánh nắng ban mai trên đỉnh Bù Sa (xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên). Đó là thời điểm của khoảng 5 năm về trước, khi đó, người dân nơi đây bắt đầu làm quen với việc trồng lúa nước thay cho lúa đồi. Mùa cứ nối mùa, đến nay, trồng lúa nước được xem là bước tiến đánh dấu sự thay đổi lớn lao trong cách nghĩ, cách làm của những người Châu Mạ bản địa đã gắn bó bao đời với vùng đất anh hùng này.
Lẽ dĩ nhiên, Đồng Nai Thượng ngày nay không chỉ có cây lúa nước. Người dân nơi đây còn trồng chuyên canh nhiều loại cây trồng khác như điều, cà phê, cao su…
Cô trò Trường Mầm non Đồng Nai Thượng trong giờ học hát. Ảnh: Đ.Anh
Qua rồi... đói giáp hạt
Sau nhiều lần trở lại Đồng Nai Thượng, đổi thay dễ nhận thấy nhất của vùng đất này chính là màu xanh của cây trái đã dần thay thế cho những ngọn đồi trọc trước đây. Những con số thú vị về sự thay đổi của vùng đất này đã được vị Phó Chủ tịch UBND xã trẻ tuổi Lê Quang Chường cho chúng tôi biết. Ngoài hơn 28 ha lúa nước với năng suất 45 tạ/ha và sản lượng gần 140 tấn, bà con nơi đây còn biết thâm canh nhiều diện tích cây trồng khác như: 510 ha điều, 282 ha cà phê, 17 ha tiêu và 55 ha cây ăn trái… Trong số đó, có nhiều diện tích cây trồng các loại đã được chuyển đổi giống, ghép cải tạo.
Như để minh chứng về sự đổi thay của vùng đất Đồng Nai Thượng, già Điểu K’Độ trầm ngâm nhớ lại những ngày đói giáp hạt cách đây lâu lắm rồi. Khi đó, bà còn chỉ biết trồng lúa đồi mỗi năm một vụ. những lúc nhàn rỗi thì lại lên rừng lấy măng, khai thác lâm sản. Cuộc sống vì thế rất khó khăn, cái đói cứ cận kề, nhất là vào những tháng cuối năm. Nhưng giờ đây, già K’Độ đã có thể an tâm vui vầy với con cháu ở cái tuổi đã ngoài 90 của mình. Bởi lẽ, không chỉ gia đình của già K’Độ ở thôn Bù Sa đã biết trồng 2 vụ lúa nước mỗi năm mà người dân ở hầu hết các thôn trên địa bàn xã như Bù Gia Rá, Bi Nao, Bê Đê… cũng đã trồng theo.
“Cây lúa nước đã giúp người dân không còn cảnh đói giáp hạt. Nhờ đó, bà con cũng không còn phá rừng làm rẫy như trước đây” - già Điểu K’Độ chia sẻ.
Nhằm đảm bảo nguồn lương thực, hàng năm, chính quyền xã đã vận động và tổ chức cho bà con tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa nước. Nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ cũng được đầu tư xây dựng để giúp bà con chủ động nguồn nước tưới. Nhiều công trình thủy lợi như: hồ Bê Đê, đập dâng Bù Sa, đập bổi Đạ Cọ, Bi Nao đã được đưa vào sử dụng. Nhờ đó, nếu như năm 2010, diện tích sản xuất lúa nước chỉ đạt 5 ha thì đến nay con số này đã tăng gấp 6 lần, lên gần 30 ha. Ông Điểu K’ Giá, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Nai Thượng cho biết: Cùng với việc khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước, một số loại cây công nghiệp khác cũng đã được bà con tích cực chăm sóc, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm đã không ngừng được tăng lên.
Qua rồi nỗi lo đói giáp hạt, ngày nay, người dân xã Đồng Nai Thượng cũng đã tạm gác nỗi lo về chăm sóc y tế, cho con cái đến trường do trở ngại về đường sá. Một ngôi trường mầm non mới mọc lên, một trạm y tế khang trang vừa được xây dựng ngay trung tâm xã như “điểm tô” thêm cho sự thay đổi toàn diện nơi đây.
Anh Điểu K’Pên, Trưởng Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng chia sẻ: Cuộc sống của bà nơi đây đã thật sự đổi khác. Không còn nỗi lo thiếu ăn, thiếu mặc, bà con cũng được chăm lo sức khỏe tốt hơn. Con em được đi học đầy đủ vì xã đã có trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở.
Vùng căn cứ giữ rừng
Nhắc đến Đồng Nai Thượng, người ta nghĩ ngay đến vùng căn cứ thuộc Chiến khu D trong kháng chiến chống Mỹ. Những cái tên như Điểu Thị Lôi (Năm Lôi), Điểu K’ Độ, Điểu K’Đoi... không chỉ đã gắn liền với những chiến công trong kháng chiến mà còn là những “đầu tàu” dẫn dắt người dân xây dựng cuộc sống trong thời bình. Già làng Điểu K’Đoi là một trong những con người như thế. Với uy tín của một già làng, ông đã vận động bà con tích cực chăm lo, phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Bởi lẽ, theo già K’Đoi, rừng đã nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ trong chiến đấu, nuôi sống bà con những ngày đầu còn khó khăn khi mới lập buôn làng. Nay, cái đói đã lùi xa thì bà con cần phải giữ rừng theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, để rừng tiếp tục nuôi sống bà con.
Nằm giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên nên công tác quản lý, bảo vệ rừng rất được chú trọng. Hàng năm, xã luôn phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đồng thời, tổ chức cho người dân cam kết không tác động trái phép đến rừng, gắn công tác quản lý, bảo vệ rừng với chi trả phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống của cộng đồng dân cư. Tổng diện tích giao khoán hàng năm khoảng hơn 6.000 ha với số tiền chi trả hơn 2 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ công tác bảo vệ rừng là gần 15 triệu đồng. Công tác này đã góp phần đáng kể trong xóa đói giảm nghèo, gắn được trách nhiệm người dân với rừng. Do đó, tình trạng phá rừng được hạn chế tối đa, không còn tình trạng phát nương làm rẫy.
Vẫn còn đó một số khó khăn đối với xã nằm cách xa trung tâm huyện Cát Tiên nhất này. Trong đó, tuyến đường đến trung tâm xã còn đang dở dang được xem là trở ngại lớn nhất cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trở ngại này có lẽ sẽ sớm được dỡ bỏ khi tại buổi làm việc gần đây với xã Đồng Nai Thượng, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét nguồn kinh phí từ tỉnh, thay cho nguồn trái phiếu Chính phủ trước đây, để “tái khởi động” lại tuyến đường này.
Hữu Sang
Tối 13-11-2018 kênh truyền hình Nhân Dân có phát phim tài liệu về xã Anh hùng Đồng Nai Thượng.

Không có nhận xét nào: