Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Phụ huynh than phiền sự hà khắc hs THPT Lương Thế Vinh Hn phải chịu

Cơn bão mang tên Lương Thế Vinh và sự chống chế vụng về
Copy từ http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/con-bao-mang-ten-luong-the-vinh-va-su-chong-che-vung-ve-401193.html , tác giả: Văn Thiêng , đã đăng ngày 27-09-17 15:09.
Dư luận mấy ngày nay như bị sốt xung quanh lời chia sẻ "chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt" của một phụ huynh học sinh trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Dưới đây là góc nhìn của một người từng dạy học, là cha của hai đứa con:
Có thể người này người kia cho rằng vì “bênh con mình” mà chị đã có những nhận định sai về trường, chưa nhìn ra hết tính tích cực của những hình phạt mà trường đã dành cho học sinh mắc lỗi như: Viết bản kiểm điểm, phạt rửa chén, dọn vệ sinh, trầm trọng hơn là mời phụ huynh đến trường và dọa đuổi học.
Cổng trường THPT Lương Thế Vinh
Nhưng có một sự thật ai cũng biết là nếu nhà trường mong học sinh chăm ngoan, học giỏi một - thì nỗi hằng mong ấy của người làm cha mẹ lại lớn hơn gấp rất nhiều lần. Bởi với cha mẹ, yêu thương, nuôi nấng, dạy dỗ và hy sinh cho con cái là vô điều kiện. Còn với nhà trường - nhất là trường tư, thì quan hệ thầy - trò, nhà trường - phụ huynh là mối quan hệ có điều kiện.
Tất nhiên, không ai phủ nhận rằng, đã làm giáo dục, dù là bằng hình thức nào thì cũng phải nêu khẩu hiệu “lấy yêu thương, cảm hóa làm đầu”!
Hù dọa đuổi học không phải phương pháp giáo dục tốt
Ông bà ta thường nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đó là cách nói bóng bẩy cổ xưa về việc rèn dạy con cái. Ai đã làm cha mẹ, chắc cũng không ít hơn 1 lần đã dùng “roi vọt” với con mình khi chúng không ngoan. Tuy nhiên, không ai cho đó là phương pháp giáo dục tốt nhất.
Những đứa trẻ nhà quê tinh nghịch, con của những bà mẹ ít chữ như chúng tôi, hầu như không đứa nào khỏi bị đánh đòn khi làm việc gì đó không vừa lòng mẹ. Nhưng chúng tôi trưởng thành không phải từ những lằn roi của mẹ, mà là từ việc bà tỉ mẩn thoa dầu lên những lằn roi ấy, trong tiếng thở dài và những giọt nước mắt bỏng rát trên khuôn mặt sạm nắng của bà sau khi phạt roi con mình.
Rửa chén, dọn vệ sinh là công việc bình thường ở nhà của một học sinh, nếu gia đình không có người giúp việc. Nhưng nó sẽ không còn là bình thường nữa, một khi được dùng làm hình phạt cho học sinh ở trường.
Nghiêm khắc trong giáo dục là điều cần thiết. Nhưng đến độ hà khắc, thường xuyên lấy hình phạt ra để đe nẹt học sinh, hù dọa đuổi học… chắc chắn không phải là phương pháp giáo dục tốt.
Chống chế vụng về
Vị phụ huynh gửi tâm thư cho trường, tức là chị cũng đã nghĩ rất kỹ, mà như chị nói là đắn đo “mấy tháng”, khi những chuyện như thế này hầu như ai cũng thấy nhưng không mấy ai dám nói...
Chị muốn “nói riêng” với lãnh đạo trường Lương Thế Vinh nguyện vọng của một người mẹ sau khi nhận ra những điều bất ổn trong cách giáo dục hà khắc của cô chủ nhiệm đang ảnh hưởng đến đứa trẻ. Và như chị nói là “nếu không giải quyết được, xem như chưa có chuyện gì, đừng làm ảnh hưởng đến con cái...”.
Thế thì vì sao, cuộc làm việc của cô hiệu phó với chị lại có mặt của Ban đại diện phụ huynh, sao lại họp lớp để lấy ý kiến học sinh theo kiểu “dằn mặt” nhau như vậy? Rồi thì cái tờ giấy kiến nghị được ông chủ tịch Hội phụ huynh ký phản bác lại tâm thư của vị phụ huynh kia là gì, nếu không muốn nói là cách xử lý thiếu tôn trọng cha mẹ học sinh, là sự chống chế vụng về.
Một nơi giáo dục mà lúc nào cũng đe dọa chuyển lớp, chuyển trường, đuổi học đối với học sinh, thì chắc chắn không thể nói rằng, đó là nơi của những con người tận tụy, hết lòng vì giáo dục, yêu thương học sinh như con em mình được.
Chia sẻ của người mẹ cũng chỉ với mong muốn để những phụ huynh khác, trước khi quyết định cho con mình vào học trường này cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, kẻo đã cho con mình vào, đến lúc “đi mắc núi, lại mắc sông” như chị, phải vật vã chuyển con mình sang trường khác.
Điều đáng tiếc là khi được “lên tiếng” trên một số tờ báo, người ta không thấy đại diện trường THPT Lương Thế Vinh có dòng nào bày tỏ sự sẻ chia với phụ huynh, mà chỉ thấy những lời giải thích và bao biện cho những thứ gọi là “phương pháp giáo dục riêng” của trường.
Đường ngắn nhất đến chân lý là trung thực với chính mình
Một tiến sĩ, Phó hiệu trưởng một trường ĐH chia sẻ: "Tôi có con gái đang học lớp 11, môi trường con tôi học hoàn toàn khác Lương Thế Vinh. Các con thực sự yêu quý các cô, gần gũi như người thân. Ngoài giờ học các con có thể tâm sự trải lòng và nhận được sự góp ý của các cô về kỹ năng sống, về định hướng tương lai. Với môi trường đó các con trưởng thành bằng sự tự giác, tự nhận thức".
Nói điều này để thấy rằng duy trì kỷ luật trong trường học là điều nên làm. Nhưng đến độ hà khắc với những hình phạt, nay đe chuyển lớp, mai dọa đuổi học thì đó không thể là một “phương pháp giáo dục tốt”.
Bởi suy cho cùng, “nói chuyện trong lớp, đi học muộn năm ba phút, thiếu bài tập về nhà, đổi chỗ, ngủ gật trong giờ, không ghi chép bài trên lớp đầy đủ, quần áo đầu tóc không ngay ngắn… cũng chưa đến mức là “thảm họa của trường học”.
Nhưng nếu cứ “đi trễ 5 phút là chết với cô” thì đây, mới thực sự là “thảm họa”. Nhất là khi ở thành phố này, tắc đường lại là câu chuyện xảy ra bất cứ lúc nào.
Con đường ngắn nhất đến chân lý là minh bạch thông tin và trung thực với chính mình.
Chỉ tiếc rằng, trong cơn bão thông tin mang tên Lương Thế Vinh, dư luận lại không thấy sự xuất hiện đúng lúc và “khả kính” như cách mà người lãnh đạo cao nhất của ngôi trường dân lập đầu tiên này thường làm, trước những bức xúc liên quan đến giáo dục.
Dư luận cũng thắc mắc nhiều hơn về vai trò quản lý nhà nước của ngành giáo dục Hà Nội trước những thông tin đang làm khuấy động tâm can hàng ngàn phụ huynh có con đang học ở trường này.
Văn Thiêng

Không có nhận xét nào: