Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Khi di tích cũng làm… dịch vụ

Khi di tích cũng làm… dịch vụ
Copy từ http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/dien-dan-nhan-dan-cuoi-tuan/item/33119202-khi-di-tich-cung-lam%E2%80%A6-dich-vu.html ;tác giả: Thu Cúc; đã đăng ngày 09/06/2017, 02:54
Một cuộc dịch chuyển đang diễn ra trong vài năm qua: Khác với sự trầm mặc, với lối sống khổ hạnh của các bậc chân tu như hình ảnh thường thấy trong quá khứ, các di tích tâm linh Việt dường như “diêm dúa” hơn, “hào hứng” đón khách hơn và thậm chí gắn liền với sự xô bồ, phức tạp hơn trước biển người đổ về lễ bái.
Hương nghiêm Pháp đường một trong những kiến trúc “xa lạ” tại chùa Hương đã bị xử lý.
1. Và, sự “diêm dúa” ấy, trong rất nhiều trường hợp, gắn liền với sự trùng tu di tích theo hướng lòe loẹt, phản cảm và xa rời nguyên gốc.
Gần nhất, cuối tháng 3 vừa rồi, ngành quản lý văn hóa đã phát hiện nhiều sai sót trong việc trùng tu đền Gióng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội). Các đánh giá ban đầu cho thấy: một phần lớn kèo, chân cột, chấn song… (trong đó có hai bức chạm từ thế kỷ XVII) tại đền Thượng trong quần thể này đã bị sơn son thếp vàng với mầu sắc sặc sỡ, gây biến dạng nghiêm trọng so với nguyên gốc. Đáng nói, việc sơn son thếp vàng hai bức chạm này được phía quản lý đền tự ý thực hiện mà không có phép.
Và, vụ việc ở đền Gióng Phù Đổng chỉ là một trong hàng chục thí dụ về mặt trái của trào lưu “sơn son thếp vàng” tại các di tích trong những năm qua. Chẳng hạn, đó là trường hợp pho tượng đá Phật A di đà tại chùa Chương Sơn (Nam Định) bị phủ son, thếp tới mức… không thể nhận ra pho tượng ban đầu, hay là chuyện tự ý sơn son thếp vàng lên nhiều cấu kiện (không có trong hồ sơ) tại lăng Minh Mạng, lăng Gia Long, Hưng Miếu… tại cố đô Huế.
Nói về sự lạm dụng ấy, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng chỉ rõ: Để thực hiện đúng các thao tác truyền thống, việc sơn thếp lại những kiến trúc hoặc hiện vật cổ sẽ tốn rất nhiều vàng thật và sơn ta, nhưng lại cần có thời gian để đạt được gam mầu trầm cổ kính theo như tính chất vốn có. Ngược lại, dùng những chất liệu công nghiệp và thao tác “giả cổ”, quá trình ấy được rút ngắn thời gian, đồng thời có mầu sắc “nịnh mắt” với người xem nhưng lại có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính nguyên bản.
Thậm chí, ở rất nhiều trường hợp, việc trùng tu di tích còn gắn kèm với sự xuất hiện của những yếu tố văn hóa kệch cỡm, ngoại lai. Chẳng hạn, tại đền Gióng Phù Đổng, một bộ roi sắt, ngựa sắt có hình dáng rất “công nghiệp” được cung tiến và đặt ngay cạnh gian thờ. Còn tại chùa Hương, năm 2016, một tòa Hương nghiêm Pháp đường, với những kiến trúc được thiết kế theo hình dáng của… Mật tông Tây Tạng cũng từng mọc lên ngay trong quần thể di tích này.
Xa hơn, trong một cuộc tọa đàm về kiến trúc, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ: Các di tích đang có xu hướng hoành tráng, đua theo những kỷ lục phù phiếm, lạm dụng trang thiết bị hiện đại trong những ngôi chùa được trùng tu hoặc xây mới - thay cho phong cách khiêm tốn, khoan hòa, gắn bó cùng thiên nhiên như quá khứ.
2. “Khi mà một bộ phận lớn khách hành hương còn thích hoành tráng mầu mè, thích những sư tử Trung Quốc, đèn Nhật Bản, tượng Phật xanh, đỏ phát hào quang… thì sẽ luôn còn những cơ sở tín ngưỡng chiều ý họ, và tận dụng việc trùng tu để bỏ cũ thêm mới, tranh thủ đắp điếm tô vẽ” - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ.
Theo lời ông Hiền, sự xuất hiện của những cơ sở thờ tự diêm dúa, hoành tráng ấy gắn liền với một hiện tượng xã hội đáng suy nghĩ: Xu hướng thương mại hóa trong bối cảnh các sinh hoạt tín ngưỡng đang nở rộ.
“Tôi thấy nhiều địa phương bây giờ hào hứng với khái niệm “du lịch tâm linh”. Về thực tế, ai cũng hiểu bản chất của du lịch là thương mại, đặt ra chuyện tìm nguồn lợi kinh tế cung cầu” - nhà nghiên cứu này cho biết. “Trong khi đó, việc đến cửa Thiền tìm sự an ủi về tinh thần, tìm sự xoa dịu nỗi đau trần thế như bản chất vốn có của Phật giáo sẽ khác hẳn việc tìm đến đó trong tư cách của một khách du lịch a dua theo đám đông với tâm lý đơn giản là cầu tài cầu lộc…”.
Thực chất, khái niệm du lịch tâm linh tại Việt Nam đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, các nghiên cứu cơ bản cho thấy: Nhiều địa phương chủ yếu vẫn chỉ phát triển loại hình này ở góc độ khai thác đơn lẻ các di tích hoặc cơ sở thờ tự liên quan tới tín ngưỡng, tâm linh. Trong khi đó, về bản chất, loại hình du lịch tâm linh chỉ phát huy hiệu quả khi kết nối cùng nhau thành chuỗi địa điểm, hoặc kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… để cùng phát triển dịch vụ tiêu dùng.
Đơn cử, theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, nếu lượt khách tới các điểm du lịch tâm linh chiếm khoảng 30% lượng khách du lịch trong nước thì con số này chỉ đạt được khoảng 12% so với lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Đồng thời, thời lượng lưu trú trung bình của du khách tại các địa điểm này cũng chỉ đạt khoảng 2 ngày/lượt khách.
Có nghĩa, thiếu cách tiếp cận hợp lý, câu chuyện “du lịch tâm linh” ấy lại sa vào cách khai thác theo kiểu vụn vặt và “ăn xổi” - giống như tình trạng chung của rất nhiều di sản.
Thu Cúc

Không có nhận xét nào: