Thứ Hai, 5 tháng 6, 2017

Văn hóa trong một bữa ăn gia đình của người dân Hậu Giang

Văn hóa trong một bữa ăn gia đình của người dân Hậu Giang
Copy từ http://www.baohaugiang.com.vn/van-hoa-trong-nuoc/van-hoa-trong-mot-bua-an-gia-dinh-cua-nguoi-dan-hau-giang-54985.html , tác giả: Nguyễn Thị Diễm Thúy; đã đăng ngày 05/06/2017 | 07:31.
Quan niệm của con người về ăn uống thì không phải ai cũng giống ai. Xuất phát từ quan niệm của dân tộc Việt, người dân Hậu Giang xưa và nay rất coi trọng việc ăn uống. Xem đây không chỉ là một hoạt động để nuôi sống cơ thể mà còn là biểu hiện của tính cách, đạo đức, văn hóa của một con người.
Rất nhiều hành động của người Việt nói chung, người Hậu Giang nói riêng đều lấy “ăn” làm đầu như: ăn uống, ăn ở, ăn mặc, ăn nói, ăn chơi, ăn học, ăn tiêu, ăn ngủ, ăn nằm, ăn cắp, ăn trộm, ăn vặt, ăn tết,… Chính vì vậy, khi một đứa trẻ lớn lên việc người ta quan tâm đầu tiên đó là dạy con cách ăn, ăn như thế nào cho lễ phép, lịch sự. Và câu “ăn coi nồi, ngồi coi hướng” là câu nói cửa miệng mà người dân Hậu Giang thường dạy con cháu trong bữa ăn gia đình, để con cháu ăn biết kính trên nhường dưới và ăn uống có lễ nghĩa.
Với người Việt nói chung, bữa ăn là giờ sum họp gia đình. Trừ những người đi làm xa còn lại những thành viên khác dù làm công việc gì thì đến giờ cơm cũng phải tụ họp về nhà ăn chung với ông bà, cha mẹ. Lên mâm cơm, trong khi chờ đợi dọn đủ các món thì ông bà, cha mẹ răn dạy, nhắc nhở con cháu những việc sai trái, ăn xong thì cha mẹ cắt đặt công việc cho từng thành viên trong ngày hoặc ngày kế tiếp. Tuy nhiên, trong giờ ăn, các thành viên đều hạn chế việc vừa ăn vừa nói và ông bà, cha mẹ cũng không rầy la con cháu khi nó sai quấy vì coi việc ăn là rất quan trọng, ngay cả “Trời đánh còn tránh bữa ăn”.
Việc ăn uống cũng phải có lễ nghĩa. Món ăn ngon thì nhường cho ông bà, cha mẹ hoặc là trẻ nhỏ trong gia đình. Người ốm, thai phụ đều được dành phần ăn ngon nhất. Một con cá, có cái trứng thì dầm ra trong dĩa nước mắm để tất cả mọi người đều được phần. Ăn cá thì phải ăn từ phần đuôi lên, nếu ăn phần sống lưng trước gọi là ăn hỗn. Con lươn để ông bà phần từ đuôi lên, cá lóc để nửa con phần đầu quay về phía ông bà. Và ăn thì phải “ăn cho hết, để cho còn” tức là với con cá, miếng thịt ăn phải gắp gọn gàng ăn cho hết phần mình múc ra, phần chừa lại phải nguyên vẹn không quá ít và không manh mún. Các thành viên trong gia đình khi ăn đều nhường nhịn nhau để tất cả cùng no bụng. Nồi cơm xới, bới chén đầu tiên vừa đầy cho người lớn nhất trong nhà sau đó đến các thành viên khác. Khi có khách đến nhà thì các món ngon trong bữa ăn dành phần để mời khách.
Vị trí ngồi trong một bữa ăn gia đình cũng thể hiện nét văn hóa trong ăn uống. Trước đây, vị trí ngồi của các thành viên trong gia đình được phân định rõ ràng từ lớn đến nhỏ. Ngồi bàn vuông thì ông bà, cha mẹ ngồi đầu trên, kế tiếp là các thành viên khác theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Ngồi trên ngựa thì nam xếp bằng, nữ ngồi xếp hai chân một bên (còn gọi là ngồi xếp chè he) người con gái lớn ngồi gần bếp, và trông coi việc bới cơm, múc đồ ăn. Nếu có khách thì người lớn ngồi trên, nhỏ ngồi dưới (chiều trên bộ ngựa từ cửa vào là đầu trên).
Ngày nay, đa phần các gia đình đều ít người và bữa cơm sum họp gia đình thường vào các ngày nghỉ, ngày lễ, tết. Vì vậy, các lễ tiết trong bữa ăn gia đình cũng không còn vào khuôn phép như trước đây. Bàn ăn thường là bàn tròn, dọn đủ các món. Và nếu bữa ăn có đủ ông bà, cha mẹ và con cháu thì cùng nhau ngồi, không phân định lớn nhỏ, chủ yếu tạo không khí vui vẻ để tất cả đều ăn có cảm giác ngon. Tuy nhiên, lễ nghĩa trong bữa ăn không phải vì vậy bị bỏ rơi. Lên bàn ăn con cháu đều mời ông bà, cha mẹ rồi mới cầm đũa và khi ăn ông bà đều được con cháu đặc biệt quan tâm gắp những miếng ngon hoặc những phần thức ăn ông bà yêu thích. Khi xưa ăn uống không được nói chuyện, nhưng ngày nay trong bàn ăn râm rang tiếng cười, tiếng nói để ông bà, cha mẹ vui và ăn được nhiều.
Nhìn chung, qua từng giai đoạn khác nhau, bữa cơm gia đình của người dân Hậu Giang cũng có nhiều biến đổi. Nhưng những nét đẹp văn hóa cũng như những đạo lý trong bữa ăn gia đình của người dân Hậu Giang vẫn giữ nguyên giá trị theo thời gian.
Đoạn có màu nền
Nguyễn Thị Diễm Thúy (Trích đề tài “Văn hóa tỉnh Hậu Giang xưa và nay”)

Không có nhận xét nào: