Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Nhà trường không biết học sinh bị bạn đánh suốt 2 năm là nói dối

Nhà trường không biết học sinh bị bạn đánh suốt 2 năm là nói dối

(Copy từ http://laodong.com.vn/giao-duc/nha-truong-khong-biet-hoc-sinh-bi-ban-danh-suot-2-nam-la-noi-doi-393454. ; đăng ngày 04/11/15)


(LĐ) - Số 255 HUYÊN NGUYỄN - 6:50 AM, 04/11/2015
Nạn nhân bị các bạn cùng lớp bạo hành. Ảnh cắt từ clip

Sau khi báo Lao Động đăng tải các thông tin về trường hợp nữ sinh lớp 8 ở Thái Nguyên bị bạn cùng lớp đánh suốt 2 năm mà nhà trường không biết, các ý kiến đều cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các cấp trong vụ này và phải xử lý nghiêm minh.

GS Văn Như Cương (Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội): Nói không biết học sinh đánh bạn suốt 2 năm là nói dối:

“Không thể chấp nhận được, nhất là một trường THCS, trẻ con mới chỉ từng ấy tuổi đã đánh bạn dã man như vậy. Tại sao trong suốt 2 năm mà nhà trường lại không biết sự việc? Nói như vậy là nói dối.

Còn nếu không biết thật thì thật sự là trường không quan tâm đến học sinh, không nghĩ gì đến đạo đức học sinh mà đáng ra mình phải giáo dục.

Để xảy ra hiện tượng như vậy thì còn gì là ngôi trường, làm sao các em có thể học hành được. Sự việc xảy ra, trách nhiệm hết sức lớn thuộc về ban giám hiệu, cô giáo chủ nhiệm, của liên chi đội. Không thể chấp nhận được kiểu giáo dục như vậy”.

GS Văn Như Cương nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của từng học sinh, từng giáo viên trong vụ việc qua. Nếu sự việc này chỉ được giải quyết qua loa, không nghiêm túc, theo thầy Cương, “giáo dục thất bại hoàn toàn”. “Tôi mà có quyền, tôi cách chức luôn hiệu trưởng” - thầy Cương bức xúc. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Trách nhiệm trực tiếp là của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm:

“UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục huyện Phú Bình đã xác nhận sự việc, từ đó cần phải xử lý trước tiên là trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường, sau đó là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm khi để xảy ra tình trạng bạo hành học sinh kéo dài 2 năm liền. Theo tôi, để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, cần phải thường xuyên giám sát, khi xảy ra vụ việc thì người quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm”.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội): Bạo lực học đường đã thành thảm họa: “Trong trường hợp em học sinh bị đánh ở Phú Bình (Thái Nguyên) thì trách nhiệm của nhà trường là chính. Đầu tiên là cô giáo chủ nhiệm, thứ hai là trách nhiệm của đồng chí hiệu trưởng. Tình trạng này đã trở thành thảm hoạ, khiến các vị phụ huynh cho con học ở đâu cũng không yên tâm. Trước thì bảo ra đường sợ tai nạn giao thông, gặp cướp, nhưng bây giờ đi học thì lại sợ bạo lực học đường. Với thực trạng quản lý, giáo dục học sinh như hiện nay thì không biết sẽ dẫn các em học sinh tới đâu. Nhà trường để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vậy là quá vô trách nhiệm. Việc trưởng phòng giáo dục trả lời báo chí là “không nắm được sự việc”, né tránh, cũng là vô trách nhiệm. Trách nhiệm của anh là quản lý giáo dục, các trường trên địa bàn. Khi xảy ra sự việc mà anh không biết thì hằng ngày anh làm những việc gì? Hãy rà soát lại các vị trí cụ thể, cứ trên sự việc mà tiến hành kiểm điểm thôi”.
Luật sư Trần Đình Triển, VP Luật sư Vì dân: Nhà trường thể hiện thái độ vô cảm:
“Báo Lao Động đưa thông tin về vụ việc bạo lực ở Trường THCS Kha Sơn, Thái Nguyên, tôi cho rằng đây là việc làm hết sức ý nghĩa. Vụ việc vừa qua là sự báo động về tình bạn với nhau trong cùng lớp, cùng trường, trách nhiệm của cơ cấu tổ chức trong lớp học như lớp trưởng, liên chi đội, hội phụ huynh… đặc biệt là ban giám hiệu nhà trường và giáo viên. Sự việc cũng cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên là phòng GDĐT, UBND huyện..., khi xảy ra sự việc đã không xử lý đến nơi đến chốn, để hiện tượng này có xu hướng ngày càng tăng. Qua báo đăng, nhà trường không những không phát hiện ra sự việc, không xử lý, mà còn lảng tránh tiếp xúc báo chí, thể hiện thái độ vô cảm, thoái thác.
Cần làm dứt điểm để xem tình trạng này xảy ra lâu chưa, xảy ra như thế nào, với một em hay nhiều em, điều tra, xử lý một cách tổng thể, nghiêm minh. Được biết, công an huyện đã vào cuộc, tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc kịp thời đó”.
Sáng 3.11.15, ông Nguyễn Văn Tài (Trưởng Công an huyện Phú Bình) cho biết: “Ngay sau khi biết thông tin, Công an huyện Phú Bình đã vào cuộc, nắm bắt tình hình và xuống tận cơ sở tìm hiểu thông tin. Đây là sự việc đáng buồn xảy ra trên địa bàn huyện, và việc nêu trên báo Lao Động là có thật. Theo quan điểm của cơ quan công an huyện, việc các học sinh đánh nhau chưa vào dấu hiệu tội phạm, bởi nếu liên quan đến gây thương tích cần có tỉ lệ % và các bạn tham gia đánh chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật. Chính vì thế công an huyện chỉ nắm thông tin, tình hình chứ không xử lý”.

Không có nhận xét nào: