Sống nghèo trên 'núi vàng'
(CAO) Núi Ngọc Linh (Kon Tum) do người Xê Đăng chinh phục, cây sâm quý hiếm ở trên đỉnh núi cũng là của người Xê Đăng,... vậy mà sao người Xê Đăng vẫn nghèo?!
Người Xê Đăng ở Ngọc Linh không gọi thứ thuốc quý là sâm Ngọc Linh mà gọi là “củ đắng” hoặc “củ giấu”. Những cư dân của vùng sâm Ngọc Linh đã phát hiện ra vùng sâm từ rất sớm...
Thương quá Xê Đăng
Ở vị trí địa lý không thuận lợi, bốn bề là núi cao, giao thông cách trở. "Bầm dập" đi qua đèo Măng Rơi mới thấy thương cho vùng đất được mệnh danh là “vương quốc của đồng bào dân tộc Xê Đăng” hùng mạnh hay thánh địa sâm đắng (sâm Ngọc Linh).
Không như lời rao của cánh dân buôn, rằng ở Ngọc Linh linh thiêng, khí trời rất tốt, sâm Ngọc Linh quý giá mọc nhiều vô kể, chính vì vậy mà cánh dân buôn ví núi Ngọc Linh như "ngọn núi vàng". Nhưng chúng tôi chẳng tìm thấy củ sâm Ngọc Linh nào. Chỉ thấy nhiều, rất nhiều đứa trẻ lem luốc lầm lũi trong gió trong sương với đôi chân trần, bê bết sình đất vật lộn với miếng cơm manh áo.
Những đứa trẻ Xê Đăng hằng ngày vẫn phong phanh áo quần, không đồ chơi, tóc cháy vàng, nước da đen nhẻm, nước mũi ròng ròng,...
Đồng bào Xê Đăng ở đây quanh năm chỉ làm nương rẫy và trồng mì, bởi đất đai khô cằn, không phải cây gì cũng sống được, nhưng bù lại có rất nhiều thảo mộc quý hiếm. Mỗi năm người Xê Đăng chỉ làm được một mùa, lắm lúc túng quẫn đành phải đào mì non lên thay gạo cho qua cơn đói.
Cái ăn thiếu thốn, cái ở cũng chẳng nên hồn. Xa xa giữa núi đèo heo hút là những mái nhà liêu xiêu bằng thân cây lồ ô (cây thuộc họ tre) đan lại. Nhà phông phênh chưa ngăn được gió, nói chi đến chuyện trẻ con ở đây được quần lành, áo ấm. Những mùa đông lạnh tím bầm tay chân với chiếc áo mỏng manh và đôi chân trần.
Với những đứa trẻ chúng tôi bắt gặp bên đường, các em chỉ cười mà thường không trả lời với những câu hỏi của chúng tôi (có thể các em không hiểu rõ tiếng Kinh), thỉnh thoảng em cất tiếng dân tộc be bé trong miệng.
Cùng một lứa tuổi ấy, cùng những đôi mắt ngây thơ ấy, nhưng cuộc sống xung quanh những đứa trẻ này khác xa với trẻ em vùng đồng bằng, thành phố. Cuộc sống của các em là ngày ngày cùng với ba mẹ vào rừng để chặt măng rừng, hái những bó rau rừng cùng các loại nấm rừng mà các em phải vất vả, “bán mạng” mới có được chờ kẻ lại người qua mua đổi gạo; là những bữa cơm không đủ ấm bụng; con đường đến trường dốc núi cheo leo; sân chơi là thênh thang của triền ruộng, con suối, là cây cỏ, khoảng trời mênh mông;... Nhìn mà thương quá đỗi! Chúng tôi khó có thể lãng quên những ánh mắt, những nụ cười của những đứa trẻ ở đây, thấy mà thương quá đỗi. Chính các em đã dạy chúng tôi biết yêu thương và sẻ chia nhiều hơn.
Cuộc sống xung quanh những đứa trẻ này khác xa với trẻ em vùng đồng bằn
Việc gieo con chữ của những giáo viên bên kia đỉnh đèo Măng Rơi đến với học sinh đồng bào Xê Đăng cũng là cả một hành trình đầy thách thức của lòng dũng cảm. Để các em có được con chữ, các thầy cô không chỉ bám trường, bám lớp, nhiều người thầy không ngại ngần trồng rau, vào bếp để cải thiện bữa ăn cho học trò nghèo.
Như trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Măng Ri. Ngôi trường nằm ngay dưới chân núi Ngọc Linh và được xem là một trong những trường xa và khó khăn nhất trên địa bàn huyện. Toàn trường có hơn 200 học sinh. Đường núi cách trở, hằng ngày, các em phải ăn trưa tại trường để chuẩn bị cho buổi học chiều.
Việc gieo con chữ cho học sinh đồng bào Xê Đăng cũng là cả một hành trình đầy thách thức của lòng dũng cảm
Cũng vì điều kiện xa trung tâm huyện nên để nấu ăn cho học sinh bán trú, phụ huynh thay nhau tới trường nấu ăn. Đặc biệt, ở nhiều trường, thầy cô và học sinh chung tay cùng lo bữa. Thay vì trồng hoa, các trường ở đây trồng rau để cải thiện bữa ăn cho học sinh.
Cũng bởi xe di chuyển khó khăn, hàng hóa khó vào được với bản làng nên trẻ em hầu như quanh năm đi học chỉ mặc mỗi một bộ đồ nên trông lem luốc lắm. Vì vậy mà chúng tôi nhận thấy khi nhận được chiếc áo ấm, các em mừng vui hơn rất nhiều khi nhận được học bổng. Có lẽ, với người lớn và những đứa trẻ Xê Đăng tôi gặp hôm nay, chỉ no cái bụng và ấm cái thân thôi đã là mơ ước...
Ngọc Linh đâu chỉ có sâm
Các xã Măng Ri, Ngọc Lây và Tên Xăng (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) nằm dưới chân núi Ngọc Linh được xem là thánh địa của loài sâm quý. Có lẽ vì khó khăn cách biệt, nên vùng này được thiên nhiên ưu đãi sở hữu khá nhiều loại thảo mộc quí mà vùng khác không có, như các loại dược liệu: Sâm Ngọc Linh, Hồng đảng sâm (còn gọi là củ sâm dây), Ngũ vị tử, Sơn tra, Sa nhân, Quế... Bởi vậy mới có câu: "Người Xê Đăng nhai thuốc như cơm". Cây cỏ ở đây cũng có một màu xanh thẫm rất riêng.
Lên Măng Ri, chúng tôi muốn được nghe câu chuyện về sâm đắng. Những cư dân ở đây cho rằng mấy chục năm về trước, Măng Ri có nhiều cây sâm Ngọc Linh đến mức đào một ngày được một bao tải, nhưng cũng rẻ đến mức có khi đổi một vài ký sâm lấy một cái quần đùi hoặc một chai nước mắm mấy mươi ngàn. Trong khi đó, dân buôn mang củ sâm về đến chốn thị thành thì ngay lập tức có giá trên tiền triệu...
Nhưng chuyện buồn hơn là những cánh rừng ngày trước đầy sâm nay chẳng còn gì. Những người lớn tuổi, bàn chân giẫm nát đỉnh Ngọc Linh đều lắc đầu cho rằng muốn tìm được sâm người ta phải vào tận rừng sâu, phải đánh đổi tính mạng… nhưng chỉ được dăm bảy củ. Rốt cuộc, cái sự khó khổ thì đâu vẫn hoàn đó.
Với Người lớn và những đứa trẻ Xê Đăng tôi gặp hôm nay, chỉ no cái bụng và ấm cái thân thôi đã là mơ ước...
Không còn sân Ngọc Linh, người Xê Đăng chuyển qua đào củ hồng đảng sâm bán. Khi củ hồng đảng sâm ở rừng cạn kiệt, vài ba năm nay cư dân đã tìm cách trồng giống sâm này vào vườn rẫy và đạt kết quả bước đầu.
Nhiều người nói niềm kỳ vọng sớm thoát khó nghèo của đồng bào Xê Đăng được đặt vào việc trồng các loại cây dược liệu bản địa quý, từ sâm Ngọc Linh, hồng đảng sâm đến cây sơn tra, ngũ vị tử...
Vài ba năm nay cư dân đã tìm cách trồng giống sâm này vào vườn rẫy và đạt kết quả bước đầu
Thế nhưng, ở Ngọc Linh, có những thứ mà chúng tôi bắt gặp, được trải nghiệm còn đáng giá hơn thứ sâm kia gấp ngàn lần. Đó là một cộng đồng Xê Đăng với những ngôi làng quần tụ sống bình yên trên đỉnh núi như chưa từng bị loang lổ bởi những xô bồ, ồn ã của cuộc sống nơi thành phố. Đó là nụ cười, ánh mắt trong veo của những đứa trẻ dường như đứng bên ngoài thời gian...
Núi Ngọc Linh linh thiêng do người Xê Đăng chinh phục, cây sâm quý hiếm ở trên đỉnh núi cũng là của người Xê Đăng,... Vậy mà sao người Xê Đăng vẫn nghèo?!. Có lẽ vì người Xê Đăng không quan trọng giàu nghèo, tiền bạc. Tìm được sâm hay bất cứ thứ gì họ cũng đều bán đổi gạo chứ không tính đến chuyện dành dụm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét