Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Vông vang, hoa tình tuổi trẻ

Vông vang, hoa tình tuổi trẻ
Vietsciences- Võ Quang Yến 07/07/2010
Copy từ http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/biologie/vongvang.htm
Ơi hoa vông vang, Nở bên bờ suối,
Có nhớ mẹ nhớ cha, Có nhớ bản xa ?
Sau bản mùa đông đã tàn,
Trước bản mùa xuân đang tới.
Bài hát sắc tộc (Ngô Tự Lập)
"Thôi thế cũng đủ làm Đẩu sung sướng đến rưng rưng nước mắt. Tay vẫn cầm lá thư, lơ đãng, chàng lững thững đưa bước ra phía đồi sau nhà. Trời mát ! Tóc thoảng nhẹ bay phất phơ trên trán… Bâng khuâng vô tình đứng trông mấy bông vông vang phất phơ bên bụi cỏ đương kín đáo cúp lại trong gió chiều êm đềm, Đẩu lại thấy lòng bỗng tràn đầy tin tưởng như buổi mới,… và man mác hy vọng…"( Đỗ Tốn, Hoa vông vang trong Hoa vông vang, nxb Đời Nay, Hà Nội (1942) 77)
Trong những năm thập niên 40, hầu hết các học sinh Việt Nam đều có đọc Hoa vông vang của Đỗ Tốn, được giải Tự Lực Văn Đoàn, và ít nhiều đều có mơ mộng với mối tình đầu của mình. Tác giả đã khéo tả tâm trạng của chàng thiếu niên yêu đương tha thiết mà chẳng dám thổ lộ với người mình yêu, cho đến lúc nàng lên xe hoa về nhà chồng. Truyện tác động vào trái tim tuổi trẻ khi đã một lần yêu trộm nhớ thầm ! Vậy mà hồi ấy tôi không biết và cũng không tìm hiểu bông vông vang thơm đẹp như thế nào. Có lẽ vì ở Huế không có cây ấy. Gần đây thôi, hơn một nửa thế kỷ sau, bên phương trời Tây, khi dọn nhà, nhân mân mê cuốn sách cũ trước khi sắp vào kệ, tôi như bị lôi cuốn lần giở đọc lại những dòng xưa đã từng làm mình bâng khuâng, hồi hộp thuở còn ngây thơ. Ừ nhỉ, vông vang là cây gì, hoa màu sắc, hương thơm ra sao ?

Tìm tòi trong sách thì mới biết cây vông vang có nguồn gốc từ Ấn Độ nhưng mọc hoang dại khá phổ biến ở vùng trung du, trong vườn, trên nương rẫy, ven đường khắp nước ta (**), gặp nhiều ở Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang,…(***) cũng còn thấy ở Mã Lai, Trung Quốc, Philippines (*). Nó là cây thân cỏ cao khoảng 1m, phía gốc hơi thành gỗ, thân hơi có lông, lá hình tim, hoa màu vàng, quả thuôn trên phủ đầy lông trắng nhạt, trên mặt có những đường nhăn đồng tâm xung quanh rốn hạt. Đỗ Tốn còn xác định thêm : "Hằng năm, cứ về dạo cuối xuân sang hạ, mà có khi tới cả mùa thu, nếu bạn đi chơi về vùng quê, bạn có thấy những bông hoa lớn bằng hoa râm bụt nở vàng tươi lẫn trong bờ cây bụi cỏ thì đúng là hoa vông vang đó… Hoa vông vang rất đẹp, tuy nhiên cánh hoa cũng rất mỏng manh, chỉ một làn gió mạnh cũng đủ làm cho cánh yếu rập nát bơ sờ".
Cây vông vang còn gọi bông vang, bụp vang, bụp vàng, mang tên khoa học Hibiscus abelmoschus L. hay Abelmoschus moschatus (hay moscheutos) Moench hay (L.) Medic, thuộc họ Bụp hay Bông Malvaceae. Người Ấn Độ gọi nó muskdana, Âu Mỹ thì có nhiều tên : Ketnie musquée, musk mallow, ambrette.
Cây chứa nhiều chất sterol : campesterol, sitosterol, stigmasterol, ergosterol , farnesol . Sitosterol dưới thể bêta tìm ra được cả trong lá, cánh hoa tươi lẫn trái khô , myrcetin và dẫn xuất glucosid cùng cyanidinglucosid chỉ trong cánh hoa tươi . Trong nhị và nhụy hoa đã được tìm ra những dẫn xuất của flavon và aspartic acid bên cạnh sitosterol, ikshusterol, methy linolenat, quercimeritrin, rutin,… Hột cây được khảo cứu nhiều nhất. Ngoài farnesol , sitosterol đã thấy trong các bộ phận khác của cây, hột còn chứa terpen, ambrettolid , farnesylacetat, oxacyclononadecenon , ambrettolid acid lacton , những phospholipid như cephalin, phosphadityl serin, phosphadityl cholin plasmalogen , methinin sulfoxyd , epoxyoleic acid, sterculic acid cùng những acid dãy dài từ C10 đến C18 bên cạnh protein trong tinh dầu gần đây được khảo cứu tường tận .

.........Là cây mọc hoang, vông vang cũng được trồng để dùng trong kỹ nghệ làm thuốc. Hột, còn gọi hột xạ, lấy ở trái chín vào mùa hạ hay mùa thu, cho chiết xuất tinh dầu, màu vàng nhạt ở nhiệt độ thường, mùi thơm có tác dụng làm dậy mùi và bền mùi, giá rất đắt. Đem phân tích, hột chứa đựng (%) tinh dầu (19,5), protein (36) , sợi thô (31,46), tinh bột (13,35), tro (5,3), độ ẩm (11,4) .
Tinh dầu có chỉ số khúc xạ nD20 1.4720, chỉ số xà phòng hóa 214 và chỉ số iod 87,25, trong suốt nếu chiết xuất với ether dầu hỏa, đục hơn với ether hoặc cồn . Dùng sắc ký khí / phối ký GC/MS cùng phổ kế 13C-NMR phân tích, đã được tìm ra tetra, hexa, octa decenolid bên cạnh farnesen, decyl và dodecyl acetat cùng những dẫn xuất của chúng (15,17,18). Tinh dầu được dùng làm hương liệu, đặc biệt trong nước hoa hay thuốc tránh sâu mọt. Người Ấn Độ chế tạo những bã thơm hương xạ (196g từ 10kg hột, 134g từ 700g dầu) . Người ta cũng dùng chất nhầy chiết từ rễ cây làm hồ giấy hay tinh chế tinh bột.


Về mặt dược liệu, cả lá, rễ lẫn hột cây đều có công dụng. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô, có vị nhạt, nhiều nhớt, tính mát. Nó có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, hoạt thai, dùng trị táo bón, thủy thũng, thúc đẻ, tan ung độc. Trong lá đã được chiết xuất một chất nhầy là một peptidoglycan, trọng lượng phân tử khoảng 1.8000.000, có hoạt động giảm đường trong máu khi thử trên chuột . Rễ có vị ngọt nhạt, cũng nhiều nhớt, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát trùng, thư cân, giải cơ, trừ thấp, dùng trị nhức mỏi chân tay, các khớp sưng nóng đỏ đau, co quắp, mụn nhọt, viêm dạ dày hành tá tràng , có khi được dùng làm thuốc bổ, thuốc mát thay sâm bổ chính (*).
Hột cây có tính chất chống co thắt, kích thích lợi tiểu, được dùng uống trị đái dầm, sắc uống làm thuốc kích thích ruột và thận, cũng còn được dùng làm thuốc trấn kinh, chữa di tinh, thông tiểu, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Một tính chất quan trọng của hột nữa là trị rắn cắn. Trong dân gian, người ta thường nhai nuốc nước, lấy bã đắp (***). Người Mexico gọi hột vông vang là hột rắn. Hột không chứa đựng alcaloid ở thể tự do hay ở thể glucosid, nhưng thí nghiệm cho thấy nó có khả năng hấp thu than hoạt hóa. Nó có tác dụng tương tự như nhũ tương phân tán để giải thể tính độc của nọc rắn mang bành . Có nơi khai thác một cây hơi giống vông vang là sâm bổ chính Abelmoschus sagittifolius ( L.) Merr., mọc ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hòa Bình, vùng Tây Bắc, hoa sắc đỏ. Riêng cây sâm bố chính hay sâm báo H. sagittifolius, cũng cùng họ Bông Malvaceae, thì lại có hoa màu vàng như hoa vông vang . Những tên cây nầy tưởng nên được xác định lại rõ ràng.
Nếu hột vông vang được dùng thông dụng, hoa vông vang chỉ nên để ngắm. Trong bản in lại, Đỗ Tốn có dặn thêm : "Nếu bạn thấy hoa, bạn nên để mặc cho hoa phơ phất giữa cây cỏ thiên nhiên, như vậy thì hoa rất đẹp, chứ vì mến hoa mà bạn vội hái để định đem về thì thực là một điều đáng tiếc : hoa vông vang chỉ ưa cuộc sống giữa tự do và hoang dại - điều mà tự đáy tâm hồn ai nấy chúng ta đều mơ ước - chứ nằm ở trong tay bạn thì chỉ một giờ thôi cũng đủ cho cả hoa lá phải héo rũ… " Một hôm, nhân đi dạo trong rừng vùng núi lửa miền trung nước Pháp, tôi có gặp ở chỗ ẩm ướt, dưới bóng cây, một loài hoa rất giống hoa vông vang mà tôi chỉ biết qua sách vở, cũng màu vàng, cũng héo rũ nếu bị cắt hái. Hỏi thì được trả lời tên nó là cây impatiens hay impatiente (hoa móc tai) thuộc họ Móc tai Balsaminaceae, người Pháp thường gọi hoa "đừng đụng tôi", tương tự như cách gọi hoa tai chuột myosotis, thuộc họ Vòi voi Boraginaceae, là hoa "đừng quên tôi" (forget-me-not) mà một bài hát đã làm náo động lòng thanh niên thiếu nữ cả một thời. Đi vào quần chúng cùng các loại hoa nầy, vông vang thật là hoa tình tuổi trẻ với tất cả tư thế e lệ, tình cảm cao nhã của thời niên thiếu, ngây thơ.
Nghiên cứu và Phát triển 1(35) (2002) 57-60 có bổ túc

1 nhận xét:

dvnien nói...

Trong bài có 3 ảnh; ảnh 1 và ảnh 2 là ảnh hoa Vông vang. Nhìn 2 ảnh hoa vông vang ta thấy lá thuôn dài, hai mép có răng cưa. Vậy sao mô tả là "lá hình tim" được !?