Ngập chuyển về vùng ven |
Copy từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/569144/ngap-chuyen-ve-vung-ven.html, đăng ngày 15/09, mục Ch trị-XH . |
TT - Trong những ngày qua, TP.HCM mưa liên tiếp khiến nhiều con đường ngập sâu trong nước. Dù cơ quan chức năng cho rằng các khu vực ngập đã giảm nhưng thực tế cho thấy ngập giảm ở khu trung tâm nhưng ở vùng ven và ngoại thành lại có chiều hướng ngập nặng hơn trước. |
|
Xe taxi bị chết máy trên đường Âu Cơ, Q.Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp tối 10-9-13) - Ảnh: Quang Định |
|
Sáng 14-9-13, chỉ cần cơn mưa nhẹ cũng đủ làm đường Đồng Đen, Âu Cơ (Q.Tân Bình), Hòa Bình (Q.Tân Phú và Q.11) ngập nước. Tại đường Đồng Đen, nước ngập từ 20-30cm. Đây là ngày thứ năm liên tiếp người dân ở khu vực này phải sống chung với ngập. |
Khổ sở cư dân “vùng lũ” |
Ông Võ Thiện Anh, 60 tuổi, làm nghề sửa xe ở số 149 Đồng Đen, đang co ro ngồi ở góc tiệm nhìn dòng nước ngập. Ông Anh cho biết trước kia đường Đồng Đen mưa chỉ ngập nhẹ và nước rút rất nhanh. Nhưng vài năm trở lại đây, nước ngập ngày càng sâu, “bò” vào các con hẻm. “Bây giờ có hôm nước ngập hơn nửa mét, phải mất cả buổi mới rút” - ông Anh cho biết. |
Bà Hồ Thị Thu (số nhà 2/2 Bàu Cát 9, P.11) cho biết mấy năm nay, chỉ một cơn mưa nhẹ là đường Bàu Cát 9 nước ngập đến đầu gối. “Nếu có chiếc xuồng bơi trên phố còn nhanh hơn người đi bộ lội nước” - bà Thu nói vui. Cuối năm 2012, chính quyền địa phương nâng đường để hạn chế ngập, người dân rất phấn khởi. Nhưng mấy ngày qua, mưa dồn dập đổ xuống, nước ùng ục từ dưới cống trồi lên, đường mênh mông nước. |
Những hộ dân sống trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) cũng luôn trong cảnh lo âu mỗi khi mưa đổ xuống. Chị Phượng (nhà ở số 734 Âu Cơ, P.14) nói mỗi lúc trời âm u là chị phải dọn đồ đạc vào nhà. Cứ mưa là cả gia đình chị hì hục tát nước nhưng càng tát nước càng dâng, nước tràn vào cả trong nhà. Chị Phượng than: “Đường ngập, quán cà phê nhỏ trở nên ế ẩm, chẳng buôn bán được gì”. |
Nhiều năm qua, người dân trên đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) rất bức xúc khi tình trạng ngập trên tuyến đường này ngày càng nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh, buôn bán của người dân. “Chúng tôi thuê mặt bằng cả chục triệu đồng/tháng để kinh doanh. Nhưng vì đường ngập thường xuyên, nước cống trào lên mặt đường bốc mùi hôi chịu không được thì khách nào dám vào. Nếu tình trạng này kéo dài thì chúng tôi chỉ có nước dẹp tiệm” - chị Thủy, một người dân trên đường Nguyễn Văn Quá, bức xúc nói. Tương tự, bà Bùi Thị Mùi (57 tuổi, ngụ Q.12) cho biết trước đây đường Phan Văn Hớn (P.Tân Thới Nhất, Q.12) cũng bị ngập nhưng không nhiều như bây giờ. “Cách đây khoảng năm năm, khi nào mưa thiệt lớn và kéo dài trên một giờ đường mới bị ngập. Nhưng khi đó chủ yếu là nước mưa thoát không kịp chứ không có chuyện nước cống đẩy ngược lên đường như bây giờ” - bà Mùi nói. |
Trong khi đó, hàng chục hộ dân tại chung cư Khang Gia (đường Quang Trung, P.14, Q.Gò Vấp) đang trong tình trạng khốn đốn do bị ngập nước. Theo phản ảnh của nhiều hộ dân tại lô B của chung cư này, tình trạng ngập nước trong những ngày qua làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Bắt đầu từ trận mưa lớn tối 10-9-13, nước từ ngoài tràn vào tầng hầm chung cư gây ngập gần nửa mét, hệ thống điện thang máy của chung cư bị ngắt, người dân tại chung cư 11 tầng này phải leo thang bộ. Bãi giữ xe không còn, người dân phải để xe phơi nắng ngoài trời. |
|
Sau cơn mưa trưa 12-9-13, đường Hòa Bình (Q.Tân Phú và Q.11) ngập nặng - Ảnh: Đức Phú |
|
Ngập do công trình đang thi công |
Trong khi nhiều khu vực đã giảm hoặc xóa được ngập thì tình trạng ngập lại “chuyển vùng” vào những khu vực công trình đang thi công, nặng nhất là khu vực Bàu Cát, thuộc dự án nâng cấp đô thị (kênh Tân Hóa - Lò Gốm). |
Ông Trần Quốc Tuấn, chủ tịch UBND P.14 (Q.Tân Bình), cho biết trước mùa mưa, Công ty Dịch vụ công ích Q.Tân Bình nạo vét, khơi thông hệ thống cống thoát nước trên địa bàn phường nhưng tình trạng ngập nước vẫn xảy ra. Theo ông Tuấn, nguyên nhân là do việc thi công kênh Tân Hóa - Lò Gốm chặn dòng chảy của nước mưa. “Chúng tôi đã có văn bản gửi chủ đầu tư và các đơn vị thi công kênh Tân Hóa - Lò Gốm có biện pháp thoát nước tạm thời” - ông Tuấn nói. |
Theo ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, trước đó các tuyến đường xung quanh khu vực Bàu Cát đã được đầu tư hệ thống cống mới nên tình trạng ngập giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm thi công, quá trình chặn dòng không đảm bảo làm ít nhất 12 tuyến đường tại khu vực xung quanh bị ngập với mức độ ngày càng nặng hơn. Đó là các tuyến đường Trương Công Định, Đồng Đen, Phạm Phú Thứ, Bàu Cát, Nguyễn Hồng Đào, Âu Cơ, Hồng Lạc... |
Cũng theo ông Long, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước liên tục có văn bản kiến nghị UBND TP xử lý, chế tài nhà thầu, chủ đầu tư dự án. Gần đây nhất, trong tháng 8-2013, UBND TP có văn bản yêu cầu nhà thầu thi công có biện pháp dẫn dòng, trang bị máy bơm ứng cứu khi có mưa nhằm giảm mức độ ngập cho khu vực này. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận: “Mặt bằng thi công quá chật hẹp, nên quá trình thi công không tránh khỏi gây ngập nước”. |
Bao giờ bớt ngập? |
Trong khi đó, ông Lê Thanh Liêm - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM - cho biết có ba nguyên nhân gây ngập nước tại nhiều khu vực. Một là khu vực Bàu Cát có địa hình thấp nên khi có mưa thì nơi đây dễ bị ngập nước nhất. Hai là tình trạng rác quá nhiều và bít các hố ga, dù công nhân đã cố gắng vớt rác nhưng vẫn không tránh khỏi ngập. Ba là do cơn mưa có lưu lượng nước lớn, đơn vị chống ngập nước lại dùng máy bơm để chống ngập cho các khu vực từ đường Châu Văn Liêm đến đường Hùng Vương và Hồng Bàng (thuộc Q.5 và Q.6), đưa nước ra kênh ở khu vực cầu Ông Buông (khu vực hạ lưu), khiến nước từ thượng lưu kênh Tân Hóa - Lò Gốm gần như bị chặn dòng, không thoát kịp. |
Theo ông Liêm, lẽ ra trong tháng 7-2013, đơn vị cho nước thoát tạm xuống lòng cống hộp (đang thi công) từ đoạn Âu Cơ - Đồng Đen (Q.Tân Bình) đến cạnh công viên Đầm Sen (Q.11). Thế nhưng, do vướng giải tỏa một hộ dân ở Q.Tân Phú nên chưa thể kết nối tuyến cống hộp này. Theo kế hoạch, từ ngày 17 đến 20-9-13 sẽ cho nước xuống tuyến cống hộp nhằm góp phần làm giảm ngập nước trên các tuyến đường gần dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Đây chỉ là giải pháp tạm thời vì đoạn kênh hở từ công viên Đầm Sen xuống hạ lưu tuyến kênh này vẫn còn quá hẹp (4-5m), chưa được thi công mở rộng (lên 20-25m). |
Hiện dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã được thi công đạt hơn 40% khối lượng, trong đó công trình lắp đặt tuyến cống hộp đạt đến 97% khối lượng và dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. “Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thi công để đến mùa mưa năm 2014 về cơ bản sẽ giảm ngập nước” - ông Liêm nói. |
Q.KHẢI - N.ẨN - Đ.PHÚ - M.TRƯỜNG |
|
Tầng hầm chung cư Khang Gia thành... bể bơi suốt 4 ngày. |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét